Cần chính quyền địa phương mạnh tay quản lý nhóm lớp tư thục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đà Nẵng là một trong ít địa phương phát triển mạnh loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Tuy nhiên, không phải nhóm lớp độc lập nào cũng hợp tác tốt với các trường công lập trong việc quản lý, hướng dẫn chuyên môn…

Hiểm họa tiềm ẩn

Từ thông tin phản ảnh trên mạng xã hội về việc nhóm lớp độc lập Hoa Anh Đào cắt xén khẩu phần ăn, trẻ bị đánh (cuối năm 2022), UBND phường Hòa An, (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã thành lập Tổ kiểm tra. Kết quả kiểm tra tại nhóm lớp độc lập tư thục này cho thấy một số hạn chế, sai phạm. Cụ thể, thực đơn bữa ăn trong ngày so với thực tế chưa đúng và chưa đảm bảo về an toàn thực phẩm. Trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu và thiết bị dạy học chưa đầy đủ…

Sau đó, UBND phường Hòa An đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhóm lớp độc lập Hoa Anh Đào trong 10 ngày. Theo thông tin được đăng tải trên một trang mạng xã hội, một phụ huynh gửi con tại đây phản ánh con đi học về thường xuyên nói bị cô đánh và đói do ăn uống không đủ khẩu phần. “Lúc nào con cũng bảo ăn cơm với thịt mỡ. Trứng chiên chỉ có mấy lát nhỏ. Con hay bị viêm ruột, sữa thì cất của học sinh, lấy sữa hết hạn cho các cháu dùng” - phụ huynh này cho biết.

Nhóm trẻ này sau đó đã xin rút giấy phép, không còn hoạt động.

Cũng tháng 12/2022, vụ việc trẻ bị bạo hành, bỏ đói kéo dài ở nhóm lớp độc lập tư thục Elm School (phường Hoa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã gây bức xúc dư luận. Mới đây, đầu tháng 4, tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu tiếp tục xảy ra vụ việc cháu bé 2 tuổi tử vong khi được gửi ở nhóm trẻ Mặt Trời Nhỏ.

Ông Phạm Thành Nam - Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, trước khi cấp phép hoạt động cho nhóm trẻ, Phòng GD&ĐT đã kiểm tra, thẩm định. Nhưng khó khăn ở đây là không thể kiểm tra, giám sát hằng ngày; tình trạng giáo viên nhóm trẻ thay đổi thường xuyên khó quản lý; nhiều cơ sở giữ 1 hoặc 2 cháu nên không đủ điều kiện thành lập nhóm trẻ, khi các ngành chức năng đến kiểm tra thì họ bảo giữ hộ con cháu của gia đình…

Kết quả kiểm tra quy chế hoạt động nhóm trẻ độc lập, tư thục trên địa bàn quận Liên Chiểu vào tháng 3 cũng cho thấy, một số nhóm, lớp không bảo đảm về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm, lưu mẫu, kiểm thực ba bước chưa bảo đảm theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; không lưu trữ phiếu đi chợ hằng ngày, sinh hoạt chung với gia đình, bếp ăn sinh hoạt cùng bếp ăn gia đình, tổ chức giờ ăn cho trẻ không đúng giờ quy định, thực đơn chưa đảm bảo định lượng dinh dưỡng…

Tổ kiểm tra của UBND phường Hòa An kiểm tra thực tế hoạt động tại nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Anh Đào.

Tổ kiểm tra của UBND phường Hòa An kiểm tra thực tế hoạt động tại nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Anh Đào.

Địa phương cần vào cuộc quyết liệt

Các nhóm trẻ độc lập, tư thục hiện do chính quyền các xã, phường chịu trách nhiệm cấp phép; các trường mầm non công lập đóng chân trên địa bàn chịu trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn. Thế nhưng, theo cán bộ quản lý của nhiều trường mầm non, đây là một phần việc không mấy dễ dàng.

Hiệu trưởng một trường mầm non công lập tại quận Hải Châu cho biết: “Trong các buổi tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, chủ các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ thường tìm rất nhiều lý do để thoái thác không tham gia. Thậm chí, đến chi phí kiểm tra y tế định kỳ cho trẻ, chủ các nhóm lớp cũng không chuyển cho trường mầm non công lập thanh toán đơn vị y tế”.

Như Trường Mầm non Hoa Ban (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chịu trách nhiệm hỗ trợ và quản lý chuyên môn cho 19 nhóm lớp ở trên địa bàn phường. Đây mới chỉ là những nhóm lớp được cấp phép, chưa tính đến các nhóm trẻ có quy mô nhỏ. Ban giám hiệu nhà trường nhiều lần bị các nhóm lớp từ chối không hợp tác.

Cô Lê Thị Thu Lan – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Một nhóm lớp được cấp phép hoạt động ở địa bàn quận Sơn Trà nhưng lại mở thêm chi nhánh tại địa bàn phường mà không có giấy phép. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh thì chất lượng chăm sóc trẻ không đảm bảo, có sự nhập nhằng về học phí. Chúng tôi nhiều lần đến kiểm tra nhưng bị chủ cơ sở xuỵt chó ra đuổi. Nhà trường đã lập biên bản, kiến nghị lên UBND phường dừng hoạt động nhóm lớp này. Kèm theo đó, nhà trường khẳng định đã làm hết trách nhiệm về mặt quản lý, hỗ trợ chuyên môn đối với nhóm lớp này”. Sau đó, nhóm lớp đã chấm dứt hoạt động tại phường Hòa Cường Bắc.

Cô Thu Lan nhận xét: “Kết quả kiểm tra, giám sát các nhóm lớp độc lập tư thục, dù có phép hay không đều được nhà trường gửi về UBND phường và Phòng GD&ĐT kèm theo tham mưu hướng giải quyết. Tuy nhiên, có giải quyết triệt để hay không thì nhà trường không thể quyết định mà phải do UBND phường”.

Như trường hợp một nhóm lớp độc lập tư thục tại một phường vùng ven của quận Hải Châu, chủ nhóm lớp “khất nợ” bằng chuyên môn nhưng phường chấp nhận với lý do giải quyết việc làm cho hộ dân trong phường.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, sau sự vụ không may diễn ra trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, các phường rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ còn lại và các nhóm chưa đạt chuẩn. Nếu nhóm nào không đủ điều kiện theo Thông tư 49 sẽ không được cấp phép và hoạt động. Các nhóm dưới 7 trẻ, phường không được cấp mới, động viên gia đình gửi các cháu vào các trường mầm non công lập và ngoài công lập để được chăm sóc tốt, an toàn hơn”, ông Lịch chia sẻ. Quận Liên Chiểu hiện có 141 nhóm lớp độc lập tư thục.

Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà cho rằng, việc gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục là lựa chọn của một bộ phận người dân vì phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh…Vấn đề là cần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm trẻ; phối hợp của các ngành, địa phương, đoàn thể và cả phụ huynh.

“Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với phòng GD&ĐT các quận, huyện và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ để rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự… đảm bảo đáp ứng các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Sau mỗi đợt kiểm tra, Sở đều tổ chức họp với UBND quận, huyện và có sự tham gia của đại diện UBND phường, xã để nắm tình hình và có những điều chỉnh sau đó” - bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.