Giải pháp quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục

GD&TĐ - Hôm nay (6/3/) tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) tổ chức “Hội thảo quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục”. 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;  bà Phạm Thị Thanh Hồng - Phó Trưởng Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cùng đại diện các Bộ, Ngành liên quan, đại diện một số Sở GD&ĐT, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn và chủ các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập.

Nằm trong xu thế phát triển chung của GDMN, các cơ sở GDMN ngoài công lập có phần đóng góp rất quan trọng cho cấp học này. Quy mô trường lớp tư thục phát triển nhanh, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập, đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ tới trường của nhân dân.

Công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập đã được thống nhất thực hiện phân cấp quản lý từ các Bộ, Sở, ban ngành liên quan đến chính quyền địa phương…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ và nâng cao công tác quản lý với các cơ sở GDMN ngoài công lập.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) đã nêu lên những khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép của các nhóm, lớp MN tư thục trên địa bàn thị xã Từ Sơn, nơi có nhiều khu công nghiệp, làng nghề, công tác chăm sóc trẻ theo thời vụ… 

Bên cạnh đó, việc quy trách nhiệm cho các cấp quản lý chưa cụ thể. Đối với các nhóm lớp nhỏ lẻ chưa thể cấp phép vì chưa đủ điều kiện quy định: giáo viên chưa chuẩn bằng cấp, cơ sở vật chất nhóm, lớp tư thục chưa đảm bảo yêu cầu... 

Để các nhóm, lớp tư thục hoạt động tốt hơn các cấp lãnh đạo cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về trách nhiệm công việc với từng chủ trường; Có những chế độ chính sách hỗ trợ mua đồ dùng, đồ chơi…; Quy hoạch quỹ đất xây trường MN”.

Bà Phan Thanh Hảo - Trưởng phòng MN (Sở GD&ĐT Hải Dương) - cho biết: Các nhóm, lớp MN tư thục ở Hải Dương không nhiều vì hệ thống các trường MN công lập phủ kín các xã, phường, thị trấn (Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường MN). 

Cùng đó, các khu công nghiệp lại nằm xen kẽ các khu dân cư nên việc gửi trẻ của gia đình công nhân có nhiều thuận lợi. Đồng thời ở các trường MN công lập của Hải Dương hiện nay này thường xuyên có một nhóm trẻ được đón nhận trẻ sớm và trả trẻ muộn, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của một bộ phận nhân dân. 

Hiện nay các nhóm lớp MN tư thục ở Hải Dương chỉ chiếm 8% số trẻ đến trường. Để việc quản lý các nhóm lớp, trẻ tư thục, đề nghị các cấp lãnh đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát, tuyên truyền; Có chính sách hỗ trợ với giáo viên, học sinh…”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ngô Thị Minh đánh giá cao sự quan tâm, chăm lo sát sao của ngành học MN. Tuy nhiên giữa các trường MN công lập và tư thục vẫn có những khoảng cách. Để cấp học MN ngày một phát triển toàn diện, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực tối đa của ngành Giáo dục, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ban ngành liên quan thì những vướng mắc về quản lý mới được tháo gỡ.

Bà Ngô Thị Minh kiến nghị: Nên chăng cần khuyến khích những gia đình có điều kiện cho con học ở những trường ngoài công lập, dành lại cho những gia đình khó khăn cho con vào học ở trường MN công lập. Đồng thời hỗ trợ cho các nhóm, lớp MN tư thục trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi; Hỗ trợ giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, trợ cấp chính sách…

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định: Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Bộ GD&ĐT hoàn thiện thành văn bản để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của 50 tỉnh/thành phố, tính đến thời điểm tháng 2/2014 có 1.475 trường MN tư thục, trong đó có 112 trường tại các khu công nghiệp. Tỷ lệ trẻ độ tuổi nhà trẻ đến trường MN tư thục chiếm khoảng 13% so với tổng số trẻ nhà trẻ đến trường (bao gồm cả cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập), đối với trẻ mẫu giáo là khoảng 9.2%. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ