Để rút ngắn khoảng cách, các chuyên gia cho rằng, giáo dục đại học (GDĐH) cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiến lược rõ ràng nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cần chiến lược phát triển dài hạn
Trong chiến lược phát triển của Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng cho biết, trọng tâm chính là nguồn lực về con người. Nhà trường đã xây dựng các cơ chế chính sách nhằm thu hút tuyển dụng giảng viên giỏi, nhà khoa học từ nước ngoài trở về công tác cũng như các đơn vị trong và ngoài nước.
“Chúng tôi phát triển các chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT cũng như quốc tế. Vì vậy, mục tiêu nhà trường hướng tới là đảm bảo phát triển nhanh và chất lượng trong quá trình đào tạo”, GS.TS Phạm Thành Huy nhấn mạnh.
Để có mặt trong bảng xếp hạng, GS.TS Phạm Thành Huy cho rằng, phải đáp ứng 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là các mục tiêu, chỉ số mà nhà trường đặt ra trong chiến lược phát triển. Chính sự điều chỉnh, chuẩn bị phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế đã giúp Trường ĐH Phenikaa có thể nhanh chóng hòa nhập vào sự phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, để có bước đột phá, GS.TS Phạm Thành Huy cho rằng, các trường đại học cần có chiến lược phát triển dài hạn. Cùng đó, có sự cam kết của Hội đồng trường để bảo đảm sự tương tác giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu cũng như cần đầu tư vào con người. “Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cần trao cơ hội cho các trường đại học để bảo đảm công bằng. Có thể xem Nhà nước là người mua hàng, chúng tôi bán hàng. Nếu chúng tôi cung cấp được sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ thì hãy cho trường đại học tư thục cơ hội”, GS.TS Phạm Thành Huy bày tỏ.
“Một số chính sách đầu tư phát triển GDĐH Việt Nam” là nghiên cứu của GS.TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi và PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng (ĐH Bách khoa Hà Nội). Các chuyên gia chỉ ra rằng, bảng xếp hạng uy tín quốc tế của tổ chức Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS) thường dành từ 20% - 50% trọng số cho các chỉ số nghiên cứu và liên quan đến nghiên cứu như:
Số công bố, trích dẫn, H-index, kinh phí nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao công nghệ. Chỉ số về danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng (chiếm khoảng 50% trọng số tùy bảng xếp hạng) nên muốn cải thiện vượt bậc cũng cần bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu ấn tượng.
Theo nhóm nghiên cứu, GDĐH của Việt Nam còn khoảng cách tương đối xa trên bảng tổng sắp quốc tế. Bên cạnh lý do năng suất nghiên cứu chưa cao, còn là sự hiện diện, hình ảnh, thương hiệu của giáo dục Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế còn mới và chưa nổi bật, tỷ lệ sinh viên, giảng viên nước ngoài thấp. Về xếp hạng theo nhóm ngành, tại bảng xếp hạng theo nhóm ngành năm 2023 của QS, có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH Việt Nam được xếp hạng trong tốp 51 - 630 tốt nhất thế giới.
Xây dựng lộ trình phù hợp
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng và nhóm nghiên cứu, cần chọn ra một số cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, có nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu; có sứ mạng tham gia hợp tác, cạnh tranh quốc tế, nâng tầm cơ sở vật chất và nguồn lực tương đương với các trường tốp đầu khu vực trong trung hạn.
Ngoài ra, để phát triển dài hạn, cần xây dựng lộ trình để tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục nói chung hoặc ít nhất luôn phải đảm bảo thực chi ở mức 20% ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Chi cho GDĐH phải được coi là chi đầu tư cho phát triển. Tăng đầu tư cho GDĐH hoặc tái cơ cấu nguồn chi để có thể tăng chi cho GDĐH theo GDP lên ít nhất 1% vào năm 2030 để đạt mức khuyến nghị từ kinh nghiệm quốc tế (Ngân hàng Thế giới, 2020).
“Tôi nhớ con số 20% ngân sách dành cho giáo dục, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã phấn đấu và cố gắng đạt đến 18%”, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ chia sẻ. Tuy nhiên, nếu như Nhà nước tiếp tục tăng thêm ngân sách thì cũng không được sử dụng cho GDĐH. Vì trong hệ thống giáo dục, nhiều vấn đề cần ưu tiên như: Giáo dục phổ cập, vùng sâu, xa...
Theo GS.TSKH Đặng Ứng Vận, chúng ta cần cải tiến cơ chế, nên cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói sẽ tạo điều kiện để các trường công được tự chủ hơn. Nếu chia theo từng bộ phận sẽ hạn chế hoạt động về mặt tài chính của các trường. Song, quan trọng nhất vẫn là cơ chế để mỗi đơn vị có thể huy động nguồn lực từ xã hội. Đó là sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp, theo hướng phi lợi nhuận.
Từ kết quả nghiên cứu, ông Ngô Tiến Nhật - Viện Đảm bảo Chất lượng (ĐH Quốc gia Hà Nội) đại diện nhóm nghiên cứu đã chia sẻ tại Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục đồng thời đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho các trường đại học Việt Nam nếu muốn tham gia các bảng xếp hạng thế giới.
Theo đó, cần đảm bảo về tỷ lệ giảng viên/người học. Với cơ sở GDĐH có quy mô nhỏ nên tập trung vào năng suất, chất lượng nghiên cứu và quốc tế hoá. Với cơ sở GDĐH có truyền thống, quy mô lớn, nên thúc đẩy kết nối mạng lưới học giả và nhà tuyển dụng. Tham gia xếp hạng theo nhóm các trường đại học, tập trung lĩnh vực mũi nhọn để gia tăng xếp hạng. Đa dạng trong lĩnh vực nghiên cứu là lợi thế khi tham gia xếp hạng thế giới. Tham gia các bảng xếp hạng phát triển bền vững (THE Impact Rankings, QS Sustainability) là xu thế trong giải trình trách nhiệm xã hội.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn bảng xếp hạng, cần căn cứ trên thực lực, thế mạnh, chiến lược xếp hạng dài hạn, bền vững thông qua việc thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng môi trường làm việc; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Quản lý dữ liệu đảm bảo chất lượng khoa học nhằm giảm thời gian, công sức cho hoạt động xếp hạng. Đảm bảo cơ cấu đào tạo sau đại học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cho tổng thể giáo dục Việt Nam.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, chúng ta cần có giải pháp để nghiên cứu chính sách hiệu quả hơn. Thời gian tới, một trong những điều nên đẩy mạnh là, khi nghiên cứu vấn đề tự chủ nên tổ chức những nhóm phối hợp để cùng xây dựng chính sách. Như vậy, các cơ chế, chính sách sẽ sát với thực tiễn hơn…