(GD&TĐ)- Đó là một trong nhiều ý kiến bức xúc của đại biểu Quốc hội trước tình trạng quảng cáo còn phản khoa học, phản cảm, thậm chí trái thuần phong mỹ tục khi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật quảng cáo.
Tình trạng loạn quảng cáo sữa ngày cảng phổ biến |
Các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quảng cáo.
Ở phần thảo luận về Dự luật, Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP HCM) cơ bản tán thành với dự thảo Luật quảng cáo được trình trong kỳ họp này và thấy cần thiết việc phải ban hành Luật quảng cáo trong tình hình hiện nay.
Về vấn đề quảng cáo các sản phẩm sữa, đại biểu Lê Hữu Phước (đoàn Bình Dương) cho biết, trong dự thảo lần thứ hai trước đây, tại Khoản 4 Điều 8 có quy định cấm các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em theo quy định của pháp luật về y tế.
Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã bỏ nội dung trên vì cho rằng Nghị định số 21 năm 2006 của Chính phủ chỉ cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi nên dự thảo lần này chỉ thêm điều kiện quảng cáo và bổ sung cụm từ "được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế".
Theo đại biểu, như như thế là chưa đủ. Để khẳng định pháp luật Việt Nam quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vì thế nên đưa nội dung cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi Luật Quảng cáo để luật hóa việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Trước đây, mặc dù đã có Nghị định của Chính phủ nhưng việc quảng cáo sữa vẫn còn tràn lan, gây ngộ nhận trong việc sử dụng sữa, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ em.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Thị Phương (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị thêm một khoản là cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi vì sữa mẹ được khẳng định là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hiện nay tại Điều 6 Nghị định 21 năm 2006 của Chính phủ quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Điều này khiến cho các công ty sữa lợi dụng bằng cách quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ từ 12 đến 36 tháng tuổi nhưng có nhãn hiệu giống y hệt và tính năng tương tự sản phẩm sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc gián tiếp cho phép quảng cáo sữa từ 12 đến 24 tháng tuổi. Quy định này làm hạn chế việc trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến trước 2 năm tuổi.
Về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đại biểu cho rằng cần phải chia làm hai loại là quảng cáo dài hạn và quảng cáo nhất thời. Đại biểu đề nghị trong luật nên có một điều qui định về kích thước, bảng quảng cáo đặt trên đường quốc lộ, bảng quảng cáo đặt trong các đô thị, khu dân cư và phải đảm bảo thực hiện các qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giống như Khoản 3, Điều 35 của dự thảo luật về các biển hiệu.
“Dự thảo luật đã qui định kích thước biển hiệu thì tại sao lại không qui định về kích thước các loại quảng cáo trên bảng quảng cáo, quảng cáo màn hình chuyên quảng cáo và quảng cáo trên phương tiện giao thông. Đây mới chính là các hoạt động quảng cáo có mục đích sinh lời, nhưng nếu không qui định trong luật về kích thước sẽ dẫn đến mất trật tự và vẻ mỹ quan của các đô thị và sẽ không thống nhất trong việc quy hoạch quảng cáo ở các địa phương”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, theo Điều 30 của dự thảo luật, tổ chức, cá nhân chỉ thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo sản phẩm và không quy định về thời gian sẽ dẫn đến việc xin và cho. Vì tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo chỉ thông báo thời gian, địa điểm, đồng ý như thế nào là cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương quyết định. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chậm trả lời thì doanh nghiệp được thực hiện sẽ dẫn đến mất trật tự trong các đô thị và phá vỡ quy hoạch của chúng ta.
Đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đồng tình với quan điểm được nêu trong dự luật là trước tình hình hoạt động quảng cáo còn nhiều vấn đề bất cập cần có sự tác động hết sức đầy đủ về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt là việc đảm bảo cho các yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực và thuần phong mỹ tục Việt Nam hàm chứa trong sản phẩm quảng cáo. Đây cũng là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về khả năng thực thi điều luật trên, vì dự kiến giao quản lý Nhà nước về quảng cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với lý do là đỡ xáo trộn bộ máy trong khi hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông.
“Thực tế cho thấy, hiện nay các thắc mắc khiếu nại của người dân gửi về ngành thông tin truyền thông đối với hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều, nhưng ngành thông tin và truyền thông chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết các thắc mắc kiến nghị này và ngành văn hóa, thể thao và du lịch lại càng không đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề nêu trên”, đại biểu cho biết.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần thật cân nhắc điều này để việc giao trách nhiệm thực hiện phải sát với chức năng và điều kiện thực thi của cơ quan đó là chủ yếu, đồng thời phải đạt được mục tiêu mà luật cần hướng tới.
Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) tán thành với quy định cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, nhằm đảm bảo giữ gìn cảnh quan kiến trúc đô thị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là với công trình quảng cáo tấm lớn, quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời phải được thẩm định quản lý về vị trí, về kết cấu xây dựng như một công trình xây dựng.
Đại biểu cũng cho biết, thực tế hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội những năm trước đây cho thấy tình trạng lộn xộn mất an toàn về xây dựng bảng quảng cáo không phép ở hai bên trục đường, biển quảng cáo chen chúc, nhếch nhác trên nóc, trước mặt nhà ở khiến cử tri và người dân rất bức xúc.
Theo đại biểu, xảy ra tình trạng đó trách nhiệm một phần là cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng phần lớn cũng do ý thức của người hoạt động quảng cáo và do các qui định pháp luật chưa đầy đủ, không rõ ràng về chế tài xử lý hoặc mức độ xử lý không đủ sức răn đe, tạo kẽ hở để cho một số doanh nghiệp, cá nhân thiếu ý thức làm liều hoặc lách luật gây hậu quả về kinh tế, trật tự an toàn và mỹ quan thành phố.
“Hoạt động quảng cáo thì thu được nguồn lợi mà vị trí và địa điểm nhất là những vị trí đẹp để xây dựng biển quảng cáo tấm lớn ngoài trời ở Hà Nội thì không có nhiều cho nên các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thường cạnh tranh quyết liệt hoặc cố tình vi phạm”, đại biểu nhấn mạnh.
Việc quy định cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo một cách cụ thể rõ ràng trong luật này là rất cần thiết để tạo thuận lợi ngay từ đầu cho người hoạt động quảng cáo và cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.
Trong dự thảo luật có khoản cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Trên thực tế thì rất ít rượu dưới 15 độ, có lẽ chỉ có bia. Theo đại biểu Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận), nên cấm luôn quảng cáo rượu vì quy định như thế chỉ mang tính hình thức.
“Thuốc lá thì ta còn cấm được một cách triệt để, cấm quảng cáo thuốc lá, còn rượu thì ta còn băn khoăn để lại một chút, trong khi rượu là nguy cơ chính, nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và rất nguy hiểm cho sinh mạng con người”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, nếu lấy lý do chúng ta gia nhập các tổ chức quốc tế để chưa cấm quảng cáo hoàn toàn với rượu là chưa thuyết phục.
“Phải vì sức khỏe người dân, với quyết tâm giảm tai nạn giao thông, chúng ta phải cố gắng để hạn chế quảng cáo rượu bia chứ không nên giải thích là do sức ép của quốc tế”, đại biểu băn khoăn.
Đại biểu đề nghị đối với rượu, bia dưới 15 độ thì nên thuộc loại hạn chế, ví dụ một loại bia chỉ được quảng cáo trên 1 báo, 1 lần trong một ngày và chỉ quảng cáo sau thời gian nào. Ngoài ra, nên cấm quảng cáo rượu, bia tại trường học, bệnh viện, bến xe.
Thảo luận về dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính: Phạt nặng mới có tính răn đe:
Việc nâng mức phạt tối đa trong vi phạm hành chính lên 2 tỷ đồng (cao gấp 4 lần quy định hiện hành) được số đông đại biểu đồng tình khi thảo luận dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính diễn ra chiều 30/5.
Cụ thể, khoản 1 Điều 23 của dự thảo luật quy định “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức”.
Các đại biểu đều đồng tình với việc nâng mức xử phạt VPHC |
Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến – Bà Rịa – Vũng Tàu, Lưu Thị Huyền – Ninh Bình, Phạm Thị Thu Hồng – Bình Định, Đỗ Kim Tuyến – Hà Nội… cơ bản đều nhất trí với quy định trên. Theo các đại biểu này, mặc dù mức phạt cao không phải là biện pháp duy nhất nhưng nó rất quan trọng và có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa lớn.
“Mức phạt hiện hành đã quá lạc hậu, dân kêu, người thi hành công vụ cũng kêu nên các vi phạm hành chính ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng, ngang nhiên hơn và ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức xử phạt tối thiểu với tổ chức 100.000 đồng là quá thấp, không có tác dụng răn đe”, đại biểu Hiến nói.
Đại biểu Hiến cũng lưu ý, một số luật hiện đang thi hành có các quy định về xử lý vi phạm hành chính rất khác về mức phạt, thời hiệu so với dự thảo đang xem xét. Vì vậy, nếu thông qua luật này, cần có quy định dẫn chiếu pháp luật cho phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có một số ít đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về mức trần xử phạt vi phạm hành chính. Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng cho rằng, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức là quá cao. Việc đặt ra mức phạt cao không phải là biện pháp hữu hiệu mà còn dẫn đến tiêu cực. Do đó, nên cân nhắc tăng mức phạt tối đa cho phù hợp để vừa đảm bảo răn đe, vừa phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay.
Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam cũng có chung quan điểm. Theo ông, mức xử phạt tối đa như trong dự thảo luật là “chưa thỏa đáng”. Bởi phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà có mức xử phạt cho phù hợp, chứ không thể phân định cá nhân phạt thấp hơn tổ chức, bởi đôi khi có những hành vi do cá nhân thực hiện nhưng gây hậu quả còn lớn hơn cả tổ chức.
Dưới một góc độ khác, các đại biểu Trần Văn Độ - An Giang, Phạm Văn Tấn – Nghệ An đề nghị, cần phân biệt rõ hơn mức phạt tiền giữa tổ chức và cá nhân và nhất trí có thể áp dụng tăng mức xử phạt cao hơn nữa với tổ chức.
Đại biểu Trần Văn Độ phân tích, với tổ chức, pháp nhân, thậm chí có thể nâng mức phạt cao hơn nữa, ở cả mức tối thiểu và tối đa bởi Luật hình sự chưa quy định tổ chức hoặc pháp nhân là chủ thể của tội phạm nên bất kỳ vi phạm nào của tổ chức, pháp nhân cũng chỉ bị xử vi phạm hành chính. Trong khi đó, những hành vi vi phạm nghiêm trọng của cá nhân đều có quy định xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ những hành vi nhỏ mới bị xử phạt hành chính. Vì vậy, với mức thu nhập như hiện nay mà đề ra mức xử phạt 1 tỷ đồng với cá nhân là quá cao.
Góp ý cụ thể hơn vào mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An) cho rằng nên tăng mức phạt tối đa đối với cơ sở y tế gây ô nhiễm. Đại biểu này cho biết nhiều cơ sở y tế không quản lý chất thải đúng quy định, gây bức xúc trong cộng đồng. Nếu giữ như dự thảo là phạt tối đa 50 triệu đồng thì cơ sở y tế sẽ sẵn sàng tái phạm, trong khi đó các cơ sở gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt lên đến 2 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng cần tách riêng mức phạt tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vì tính quan trọng của lĩnh vực này và phù hợp hơn với luật sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Minh Thắm (đoàn Lâm Đồng) và Vương Đình Huệ (đoàn Bình Định) cho rằng cần sửa lại mức xử phạt tối đa vi phạm về thuế (2 tỷ đồng) vì không phù hợp với quy định xử phạt của Luật Quản lý thuế. Do vậy, đại biểu Vương Đình Huệ đề nghị sửa theo hướng đối với luật chuyên ngành có áp dụng mức phạt khác thì áp dụng theo luật chuyên ngành đó.
Ngoài các chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch UBND các cấp, công an, biên phòng, cảnh sát biển, cơ quan thuế…), đại biểu Vương Đình Huệ kiến nghị cần bổ sung hai chức danh rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Dự luật cũng quy định: Tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, việc vi phạm ở các lĩnh vực giao thông, môi trường và xây dựng sẽ bị xử phạt cao hơn không quá 2 lần mức phạt chung đối với cùng một hành vi.
Hầu hết các đại biểu phát biểu tại hội trường đều đồng tình với quy định này vì cho rằng nếu xảy ra các vi phạm ở khu vực nội thành thì hậu quả sẽ lớn hơn so với các khu vực khác.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (đoàn Bình Định) và nhiều đại biểu khác đều nhấn mạnh rằng phải xác định đây không phải là giải pháp duy nhất mà các thành phố lớn phải tập trung đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển và nâng cao năng lực quản lý hạ tầng đô thị.
Các đại biểu cũng tán thành với dự luật khi giao HĐND thành phố quy định mức tăng phạt cao hơn, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương.
Nguyễn Sơn