Cân bằng tâm lý và sức khoẻ để có thể chất tốt trước kỳ thi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ôn thi nước rút rất quan trọng, ngoài việc tập trung học cao độ, thí sinh phải cân bằng thời gian học và nghỉ ngơi để có thể chất tốt.

Cô Lê Thị Thu Sương, Giáo viên Tâm lý học đường, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi tham vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh NVCC.
Cô Lê Thị Thu Sương, Giáo viên Tâm lý học đường, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi tham vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh NVCC.

Dưới đây là những phương pháp để giảm áp lực mà cô Lê Thị Thu Sương, Giáo viên Tâm lý học đường, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi chia sẻ.

PV: Để giảm áp lực cho học sinh trong quá trình học, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thì sự đồng hành của phụ huynh đóng vai trò như thế nào?

Cô Lê Thị Thu Sương: Kỳ thi THPT năm 2023 đang là mối quan tâm của các bậc phụ huynh, học sinh trên cả nước và đi kèm với đó là những áp lực tâm lý không hề nhỏ trước ngưỡng cửa bước vào đại học.

Để chuẩn bị một tâm thế vững vàng cho con, cha mẹ cần dành thời gian để trò chuyện cùng, lắng nghe và chia sẻ với những lo lắng, áp lực mà con đang gặp phải từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời.

Thông thường nguyên nhân chính khiến học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực xuất phát từ sự kỳ vọng của gia đình, áp lực do chính bản thân các em tạo ra.

Theo đó, khi trạng thái căng thẳng dẫn đến suy nghĩ tiêu cực kéo dài khiến cho học sinh có các biểu hiện như: chán nản, thờ ơ, buồn, cảm thấy đánh mất giá trị bản thân. Một số em dễ cáu giận, mất kiểm soát. Hoặc nhiều trường biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau nhức đầu, căng hoặc đau cơ bắp, đổ mồ hôi, khô miệng…

Do vậy để giúp con có được trạng thái cân bằng trước kỳ thi sắp tới, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ thay vì tạo áp lực, hãy là người đồng hành, hỗ trợ con; đôi khi chỉ cần một lời khích lệ, động viên cũng giúp con thấy tự tin và giảm áp lực.

Đồng thời, cha mẹ hãy tạo bầu không khí gia đình thoải mái, tránh các xung đột làm con căng thẳng; tăng cường sự kết nối với các thành viên trong gia đình thông qua các buổi trò chuyện về những điều mà con đang cảm thấy lo lắng cũng giúp con có sự nhìn nhận tổng quan và tìm ra giải pháp.

Bên cạnh đó, gia đình có thể giúp con có thêm năng lượng tích cực, giảm áp lực bằng việc chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho con. Trong giai đoạn thi cử căng thẳng, việc có cơ thể khỏe mạnh giúp não bộ hoạt động hiệu quả và khả năng ghi nhớ tốt hơn.

Cha mẹ có thể giúp con xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhắc con uống đủ nước, đảm bảo đủ giấc ngủ vào ban đêm và khuyến khích con dành thời gian cho các hoạt động mà con yêu thích hoặc các hoạt động vận động thể chất, hoạt động thể thao cũng là cách tuyệt vời giúp con giảm căng thẳng và có tinh thần thoải mái hơn.

Cô Lê Thị Thu Sương, Giáo viên Tâm lý học đường, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi. Ảnh NVCC.
Cô Lê Thị Thu Sương, Giáo viên Tâm lý học đường, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi. Ảnh NVCC.

PV: Những vấn đề tâm lý mà học sinh gặp phải trong quá trình cô tham vấn tâm lý cho học sinh lớp 12?

Cô Lê Thị Thu Sương: Trong quá trình tham vấn tâm lý cho học sinh, tôi nhận thấy đa phần nguyên nhân áp lực của các em xuất phát từ sức ép của sự kỳ vọng từ gia đình, cha mẹ mong muốn các em phải vào trường đại học top đầu và em sợ rằng năng lực của bản thân sẽ không đáp ứng được.

Lịch học dày, khối lượng kiến thức lớn khiến nhiều em không thể nhớ và tập trung. Hay, một số em chưa có kế hoạch ôn tập nên bài vở bị dồn vào cùng một lúc cũng làm cho các em rơi vào trạng thái căng thẳng.

Còn một số em do tiếp cận với những thông tin mang tính “cảnh báo” trên mạng xã hội nên em tự tạo áp lực cho bản thân mình, hoang mang về tương lai và sợ sẽ không đậu đại học.

PV: Trước những áp lực mà học sinh phải đối mặt bản thân cô đã làm gì để giúp các em giảm áp lực?

Cô Lê Thị Thu Sương: Để giúp các em có được trạng thái cân bằng, vượt qua sự lo lắng, tôi thường tổ chức những buổi chia sẻ tại lớp về những chuyên đề phương pháp, cách thức vượt qua stress, áp lực trong kỳ thi sắp tới.

Đối với những học sinh tìm đến phòng tâm lý, tôi dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ với em về những lo lắng, áp lực hiện tại mà các em đang gặp phải, động viên và khích lệ tinh thần. Qua đó, các em sẽ cảm thấy mình có những điểm mạnh, giá trị mà mình đang có để giúp em tự tin hơn vào bản thân.

Song hành với đó, tôi cũng hướng dẫn các em viết nhật ký cảm xúc, xác định nguyên nhân của các lo lắng, áp lực; đây cũng chính là một trong những phương pháp giúp các em sàng lọc, loại bỏ được những suy nghĩ ngoài tầm kiểm soát của mình

Giúp các em điều chỉnh kế hoạch học và ôn tập, lập thời gian biểu phù hợp với đặc điểm của từng học sinh và hướng dẫn các em có thể thực hiện một số bài tập thư giãn: cố gắng hít thở sâu, tự trấn an bằng những suy nghĩ tích cực

Khuyến khích các em dành thời gian nghỉ ngơi, không nên học quá nhiều môn cùng lúc, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày không chỉ rèn luyện sức khỏe thể chất mà còn bảo vệ sức khỏe tinh thần, giảm stress hiệu quả.

Tôi luôn nhấn mạnh với học sinh cần điều chỉnh, phân chia thời gian biểu học tập khoa học; dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thế chất và tinh thần: đảm bảo ngủ đủ giấc vào ban đêm, đảm bảo ăn uống đủ bữa, dành thời gian để tham gia các hoạt động thể thao, vận động hoặc các hoạt động ngoài trời cùng thiên nhiên cũng là một trong những cách hiệu quả giúp cho tinh thần được thoải mái.

Thực hành các bài tập thư giãn: Các em có thể thực hành các bài tập giảm căng thẳng như cố gắng hít thở sâu, theo phương pháp thở hình vuông (Nín thở, đếm 1234 - Thở ra đếm 1234 - Ngưng thở, đếm 1234 - Hít vào từ từ, đếm 1234) hoặc trấn an bản thân bằng cách suy nghĩ tích cực.

Ngoài ra, các em có thể luyện tập thói quen thiền 15 phút mỗi ngày để giúp cơ thể được thả lỏng, cân bằng tâm trí; tắm nước ấm mỗi ngày hoặc sử dụng liệu pháp mùi hương trong phòng cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp các em giảm căng thẳng, áp lực.

Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh: Các em có thể tìm đến phòng tâm lý học đường tại trường hoặc trò chuyện với ai đó để có thể lắng nghe, chia sẻ và có những lời khuyên tích cực cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp em vượt qua áp lực hiện tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.