Không để học trò "tự bơi"
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Thời điểm này, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình học chính khoá. Thầy và trò nhà trường bắt tay vào luyện đề, gia cố kiến thức”.
Được biết trong quá trình ôn luyện này, giáo viên bộ môn sẽ theo dõi sát lực học của học sinh, từ đó phân loại và có phương pháp ôn hiệu quả.
Đồng thời, đối với giáo viên chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở học sinh tập trung cao độ trong quá trình tự học và tự học có giáo viên bộ môn hướng dẫn.
Cô Ngọc cho hay: “Giai đoạn ôn thi cuối cấp áp lực rất lớn, nhiều học sinh dễ mất phương hướng do một lúc phải học nhiều môn để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn tận dụng thời gian rảnh của mình để gần gũi, động viên học trò. Bên cạnh đó phối kết hợp với các đoàn thể trong nhà trường, tổ chức thêm các hoạt động ngoại khoá, thể dục, thể thao sau mỗi ngày học căng thẳng để học sinh giải toả áp lực”
“Học sinh học ở các trường dân tộc nội trú phải sống xa gia đình, thiếu sự đồng hành của cha mẹ trong quá trình ôn tập rất thiệt thòi. Do đó, mỗi thầy cô trong quá trình giảng dạy cũng cần phải khơi gợi, chia sẻ và kích thích học sinh mạnh dạn hỏi, trả lời câu hỏi cũng như chia sẻ những vấn đề mà bản thân chưa hiểu.
Cô và trò Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. |
Bên cạnh đó, học sinh miền núi một số môn sẽ chậm hơn các bạn khác như môn tiếng Anh chẳng hạn, vì vậy cũng cần có phương pháp riêng để học sinh hiểu”, cô Ngọc bày tỏ
“Thay vì đặt ở vị trí là cô giáo để giảng dạy học sinh, tôi luôn đặt mình ở vị trí là người chị, bạn để dạy. Như vậy, các em sẽ dễ dàng chia sẻ những khó khăn, hạn chế mà mình đang gặp phải. Bên cạnh đó, những bài học hoặc phần kiến thức nào chưa hiểu học sinh sẽ có thể chủ động trao đổi với tôi. Từ đó, tôi sẽ cùng các em khắc phục khó khăn”, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Chủ động phân loại học sinh sớm
Nhiều năm qua để công tác ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bắc Yên đã chủ động phân loại học sinh từ đầu năm học, có phương án dạy và ôn phù hợp với năng lực của mỗi nhóm học trò đã phân loại.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đức Mích, Hiệu trưởng nhà trường: “Sau khi phân loại học sinh, ban giám hiệu với các tổ chuyên môn đã họp lại với để có kế hoạch giảng dạy cho từng nhóm đối tượng.
Nhà trường cũng triển khai chương trình 120 ngày cống hiến, đoàn kết, sáng tạo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp năm 2023, tính từ tháng 2/2023 đến tháng 6/2023. Chương trình này nhằm đồng hành, hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn thi.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hệ thống các giải pháp cụ thể để nâng cao phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của từng môn thi, đối tượng đặc biệt là nhóm học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp”.
Không những thế, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bắc Yên còn tổ chức phân tích ma trận kiến thức đề thi đối với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, xây dựng ngân hàng đề thi cho học sinh tham khảo.
“Ngoài hai lần thi thử tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường còn tổ chức thêm ba lần nữa, để học sinh và giáo viên thông qua kết quả thi của mình phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch, giải pháp, biện pháp ôn thi, dạy bổ sung kiến thức phù hợp.
Qua các lần thi thử, học sẽ làm quen với tâm lý trường thi tránh bị áp lực, bỡ ngỡ, qua đó giúp học sinh lường trước những sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm bài thi và chuẩn bị tâm thế tốt hơn cho kỳ thi chính thức sắp tới”, thầy Mích nói.