Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kế hoạch thành lập một trung tâm thứ 2 để đào tạo các quốc gia sản xuất vắc xin mRNA của riêng họ. Đây là một phần của dự án nhằm có được vắc xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị về vắc xin, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói về việc trên nhưng không nêu tên các quốc gia sẽ tham gia vào dự án.
Tin tức trên được đưa ra sau khi WHO thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ ở Cape Town, Nam Phi vào năm ngoái để cung cấp cho các công ty ở các nước nghèo và thu nhập trung bình bí quyết sản xuất vắc xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA.
Công ty Afrigen Biologics ở Cape Town đã sử dụng trình tự vắc xin có sẵn công khai của Moderna để sản xuất phiên bản tiêm Covid-19 của công ty Mỹ trong phòng thí nghiệm và đang hướng tới sản xuất thương mại.
Tuần trước, 6 quốc gia châu Phi là Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia đã đăng ký là quốc gia đầu tiên trên lục địa này nhận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA ở quy mô và theo tiêu chuẩn quốc tế.
Campuchia bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi vào hôm qua (23/2), trở thành một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Dữ liệu chính thức cho thấy nước này đã tiêm chủng cho hơn 90% dân số 16 triệu người – một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Vào tháng 1, họ bắt đầu tiêm liều thứ 4 cho nhóm có nguy cơ cao.
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 3-5 tuổi bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh với hàng trăm người xếp hàng bên ngoài các phòng khám.
Hầu hết các quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong tháng này, Mỹ đã hoãn ít nhất 2 tháng việc xem xét vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc phát động một chiến dịch toàn quốc nhắm vào trẻ từ 3 đến 11 tuổi. Bahrain cũng như Cuba đã tiêm cho trẻ từ 2 tuổi.
Iceland sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế Covid-19 còn lại vào ngày mai, bao gồm giới hạn tụ tập 200 người trong nhà và giờ mở cửa hạn chế cho các quán bar, Bộ Y tế cho biết hôm thứ 4.
Trong một tuyên bố, Bộ Y tế cho biết việc kháng Covid-19 rộng rãi trên toàn xã hội là con đường chính để thoát khỏi dịch bệnh.
“Để đạt được điều này, càng nhiều người bị nhiễm virus càng tốt vì vắc xin là không đủ, mặc dù chúng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng” – Bộ Y tế Iceland nói thêm.
Tất cả các hạn chế ở biên giới cũng sẽ được dỡ bỏ.
Iceland với dân số khoảng 368.000 người, đã ghi nhận từ 2.100 đến 2.800 ca mắc Covid-19 hàng ngày gần đây. Trong suốt đại dịch, nước này ghi nhận hơn 115.000 ca mắc và 60 ca tử vong do Covid-19.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum kêu gọi mọi người không hoảng sợ về đợt gia tăng ca mắc Covid-19 khi hàng ngày ở đây ghi nhận số ca vượt 170.000. Ông cho biết số ca nặng và tử vong ở mức có thể kiểm soát được mặc dù số ca mắc cao kỷ lục do Omicron gây ra.
Theo Thủ tướng Hàn Quốc, không nên nới lỏng về nhận thức và việc thực hiện các quy tắc chống Covid-19 nhưng không có lý do gì để lo sợ hoặc hoảng sợ về số lượng các ca mắc mới như trước đây.
Hôm thứ 3, Hàn Quốc báo cáo 171.452 ca mắc Covid-19 mới.