Campuchia: Đưa nạn buôn người vào chương trình học

GD&TĐ - Học sinh phổ thông Campuchia sẽ tìm hiểu về mối nguy hiểm và luật pháp quy định cho hành vi buôn người từ năm 2021.

Học sinh Campuchia.
Học sinh Campuchia.

Ros Soveacha, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Campuchia cho biết chương trình học về nạn buôn người sẽ đưa vào trường học cấp tiểu học, trung học. Trọng tâm chương trình là nạn buôn bán tình dục. Bên cạnh đó là bài học về tội phạm ma túy và các tội phạm khác. 

Chương trình mới sẽ giúp thanh thiếu niên hiểu rõ các hình thức buôn bán người khác nhau, vai trò của nhà trường và cộng đồng trong việc phòng và ngăn chặn. Học sinh cũng hiểu thêm về các luật và quyền liên quan đến nạn buôn người.

“Mục tiêu của bài học nhằm giúp thanh thiếu niên nhận thức mối nguy hiểm và ngăn chặn nạn buôn người”, ông Soveacha cho biết.

Chan Saron, Giám đốc tổ chức chống buôn người Chab Dai nhận xét các bài học là đặc biệt quan trọng tại các tỉnh biên giới, nơi nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động và cưỡng bức.

Chỉ số nô lệ toàn cầu, do Tổ chức Walk Free (Australia) thực hiện, cho thấy hơn 260.000 người Campuchia, trên tổng số 16 triệu dân nước này phải làm nô lệ thời hiện đại, trong đó nhiều người là trẻ em.

Các nhà vận động cho biết hàng nghìn người bị bán sang nước ngoài, bao gồm phụ nữ bị ép lấy chồng Trung Quốc. Xu hướng này đã tăng gấp đôi trong Covid-19. Đại dịch cũng làm phát sinh làn sóng buôn người đến Thái Lan, nơi hơn một triệu người Campuchia đang làm việc bất hợp pháp. Hàng nghìn người trong số này mặc kẹt trong cảnh nợ nần khi lao động đánh bắt, trồng trọt hoặc sản xuất.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ