Cảm xúc về một phiên họp phụ huynh ở lớp mầm non

GD&TĐ - Giáo dục luôn đề cao vai trò của “chân kiềng" vững chắc giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Mối quan hệ này được thắt chặt bằng những phiên họp cha mẹ học sinh trong năm. Mở đầu năm học, hầu hết các cấp học từ Mầm non đến THPT đều có phiên họp đầu tiên.

Cảm xúc về một phiên họp phụ huynh ở lớp mầm non

Tôi vừa đi họp phụ huynh ở lớp của cô con gái năm nay tròn ba tuổi. Phiên họp được ấn định lúc 8h, thế mà 8h15 mới có vài phụ huynh lác đác đến. Hai cô giáo bồn chồn đi lại trong phòng chờ đợi.

Địa điểm giấy mời ghi tại phòng học của các con, phụ huynh ai nấy không khỏi ngạc nhiên vì ngày nào cũng đưa con đi học rồi đón con về trong gian phòng học xinh xinh với đủ mọi thứ đồ chơi nhỏ xíu với những màu sắc đáng yêu qua những hình thù ngộ nghĩnh, nhưng hôm nay chính những người ông, người bà, những ông bố, bà mẹ sẽ ngồi ngay tại phòng nơi cháu con mình đang học. Không khí thân quen đến lạ.

Mọi vật dụng của các con hàng ngày đang hiện hữu trước mắt của những bậc sinh thành, những chiếc ghế nhỏ nhắn được xếp ngay ngắn đang chờ đợi quý vị phụ huynh. Một vài phụ huynh đến sớm đi đi lại lại trong phòng quan sát mọi vật. Đến bây giờ, những bậc làm cha làm mẹ mới có dịp nhìn ngắm những thứ vốn quen thuộc của con cháu mình: Cháu lên ba tuổi vẫn chưa đọc được chữ nên mọi cái của bé đều được quy đinh bằng kí hiệu từ chiếc ly uống nước, cái khăn lau mặt, đôi dép của các con đều có các kí hiệu ngộ nghĩnh như một bông hoa, một chiếc lá, một chiếc xe ô tô cho đến một hình chữ nhật… Một vài người mẹ mâm mê những vật dụng có in kí hiệu của con rồi ngắm nghía. Mỗi thứ mang một nét đáng yêu riêng.

Đâu đó, nơi góc lớp những vị phụ huynh ngắm nhìn những món đồ chơi hằng ngày của con, đây góc đồ chơi của các bạn gái như búp bê, quần áo, đây góc đồ chơi là những con robot của các bạn nam… Tất cả đều mới mẻ, đủ các màu sắc bắt mắt đến lạ.

Có những vị phụ huynh dùng máy ảnh ghi lại những nơi góc lớp lưu đầy kỉ niệm của con. Tâm trạng những ai làm cha làm mẹ lúc này đều miên man một cảm xúc đến khó tả. Yêu con, yêu luôn những gì thuộc về con.

Phiên họp cuối cùng cũng bắt đầu khi phụ huynh đã đến khá đầy đủ. Cô giáo chủ nhiệm của các con xúng xính trong tà áo dài đỏ nổi bật. Phụ huynh vốn chỉ quen nhìn các cô trong bộ đồng phục thường ngày chăm cháu, nên hôm nay trong trang phục áo dài nên trông cô trẻ hơn nhiều với mọi ngày. Buổi họp diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, tươi vui. Không có chuyện lắp điều hòa, hay tiền về các loại quỹ.

Một điều làm ai nấy đều vui vẻ khi nghe cô giáo nói rằng: “Năm học này, các vị phụ huynh đều rất quan tâm đến con em của mình, vì yêu thương con nên các bậc cha mẹ thường xuyên liên lạc, trò chuyện với cô giáo trong mỗi lần đón đưa con. Điều này ít nhiều đã giúp cho giáo viên hiểu hơn đặc điểm tâm lí của từng cháu, bước đầu đã tạo thuận lợi trong việc giáo dục cháu. Đây là một tín hiệu vui.”

Cô giáo nói đến đó, gương mặt phụ huynh nào cũng phấn khởi. Vì giáo dục luôn cần sự hợp tác ngay từ đầu giữa gia đình và nhà trường.

Các bậc cha mẹ ai cũng hiểu rằng, một mình ở nhà nuôi dạy một cháu đã khổ cực nhưng đến các cô, mỗi cô phải trên 10 cháu mỗi ngày nên vất vả và thiếu sót là điều không tránh khỏi. Hiểu được điều này, hầu hết phụ huynh đều cảm thông và sẻ chia.

Duy chỉ tồn tại một điều mà làm người viết bài này băn khoăn: “Phải chăng tư tưởng khoán con em mình cho cô giáo, cho nhà trường vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít phụ huynh? Điều này ít nhiều ảnh hường đến sự phát triển của trẻ và làm tăng thêm sự vất vả cho giáo viên bậc Mầm non đặc biệt là các cô giáo phụ trách lớp Bé và lớp Nhỡ.

Các bậc phụ huynh nên biết rằng, điều tiên quyết đầu tiên trong việc chăm sóc các cháu là vấn đề vệ sinh các nhân của các bé ở độ tuổi này. Với tuổi lên ba, bé có thể tự đánh răng, súc miệng, tự cởi quần khi đi vệ sinh, tự thay áo quần cho mình… Còn những việc phụ như cắt móng tay móng chân, ăn mặc sạch sẽ, tóc tai gọn gàng thì cần sự giúp sức của phụ huynh.

Cô giáo còn yêu cầu thêm ở nhà quý vị phụ huynh cần dạy cháu thêm lễ nghĩa như biết chào hỏi, nói lời xin lỗi, lời cảm ơn… và đặc biệt cần biết yêu thương mọi người, quan tâm đến mọi thứ xung quanh, tránh lệ thuộc vào các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, iPad…

Yêu thương kết hợp với dạy bảo, không nuông chiều con thái quá là thông điệp mà cô giáo muốn gửi gắm đến các bậc làm cha làm mẹ.

Phiên họp kết thúc trong không khí nhẹ nhàng, phụ huynh nào sau khi ra về ắt hẳn ít nhiều nghiệm lại bản thân mình về cách yêu thương con, cách dạy dỗ con. Mỗi bậc cha mẹ, mỗi người chung tay một ít để xã hội hóa giáo dục được thành công góp phần vào xây dựng thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.