Cảm xúc của giáo sư trẻ nhất nước tại lễ vinh danh

GD&TĐ - Sinh năm 1975, đến từ mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió, thầy Trần Đình Thắng - giảng viên Trường Đại học Vinh là giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016.

Cảm xúc của giáo sư trẻ nhất nước tại lễ vinh danh

Nhà khoa học “made in Vietnam”

Dù có nhiều bài báo, công trình đăng trên các tạp chí quốc tế nhưng GS Trần Đình Thắng luôn tự hào khi được học tập và trưởng thành trong nền giáo dục Việt Nam, tự nhận mình là một sản phẩm “made in Vietnam” chính hiệu. Những sản phẩm, đề tài nghiên cứu của GS Thắng cũng luôn gắn bó mật thiết với cỏ cây hoa lá ở Việt Nam.

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2008 với đề tài: Nghiên cứu thành phần hóa học cây cối xay, cây hồng bì, cây tràm trắng và cây trám đen ở Việt Nam, được các thành viên trong hội đồng đánh giá cao. Năm 2012, anh được phong hàm Phó Giáo sư.

Hiện đang làm Phó Trưởng khoa Hóa học – Trường Đại học Vinh, trong quá trình công tác, GS Trần Đình Thắng đã có rất nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và giảng dạy.

GS Thắng đã xây dựng được nhóm nghiên cứu liên ngành Hóa – Sinh - Dược - Công nghệ thực phẩm đầu tiên gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyên nghiên cứu về các hợp chất có hoạt tính sinh học của nấm lớn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm đã chuyển giao công nghệ một số chủng nấm có hoạt tính sinh học cho công ty BIO-ANHA, chuẩn bị chuyển giao quy trình sản xuất thực phẩm chức năng kháng viêm từ loài nấm Hexagonia cho công ty dược phẩm.  

Từ một nhà khoa học ngành hóa vốn phải gắn chặt với phòng thí nghiệm, để có thêm kiến thức về sinh học, GS Thắng đã không ngần ngại khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm, lặn lội đi rừng như một nhà thực vật học chuyên nghiệp.

Vào ngày nghỉ, GS Thắng lại xách balô lên đường, vào rừng, đến các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia kiếm tìm loài nấm, loài thực vật mới, khám phá các hợp chất mới từ thiên nhiên.

GS Thắng đã có 75 công bố quốc tế (ISI) có uy tín gồm 26 SCI và 49 SCIE. Đồng thời đã tích cực hợp tác với các chuyên gia và cơ sở khoa học, đào tạo trong và ngoài nước, cùng viết sách, đồng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh với các giáo sư nước ngoài; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

Ngoài là giảng viên Trường Đại học Vinh, PGS.TS Trần Đình Thắng còn là Ủy viên Thường vụ Hội Hóa học hữu cơ, Kỹ thuật hóa học, Hợp chất thiên nhiên (Hội Hóa học Việt Nam).

GS Trần Đình Thắng trong một chuyến đi thực tế
GS Trần Đình Thắng trong một chuyến đi thực tế

Danh hiệu là điểm khởi đầu mới

Tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016, GS Trần Đình Thắng bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến các thế hệ thầy giáo cô giáo các nhà khoa học đã dạy dỗ dìu dắt là những tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách.

GS Thắng chia sẻ: Cùng các GS, PGS khác, chúng tôi chân thành cảm ơn gia đình bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước về sự giúp đỡ sẻ chia phối hợp và cộng tác hiệu quả đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian qua. Cảm ơn sự giúp đỡ ủng hộ của các cơ quan nơi chúng tôi đã và đang công tác.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là kết quả của sự đánh giá và thừa nhận của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, là điểm khởi đầu của giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn.

Mỗi cá nhân chúng tôi phải tiếp tục phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng kì vọng của nhân dân đối với đội ngũ trí thức.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay chúng tôi mong muốn  lãnh đạo đảng và nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nguồn lực tri thức có cơ chế ưu tiên xây dựng và phát triển thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ các nhà khoa học. Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển đất nước.

Người tạo động lực, niềm tin và khát vọng lớn nhất cho GS Thắng vững bước trên con đường khoa học là cố GS Nguyễn Xuân Dũng- Nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. GS Dũng mất đúng một năm trước khi cậu trò xứ Nghệ bảo vệ luận án tiến sĩ.

GS Thắng nhớ lại: Đều đặn 6 năm trời, mỗi năm vài tháng thầy Dũng lại vác balô bắt xe vào Vinh hướng dẫn tôi nghiên cứu, trao truyền cho tôi niềm đam mê với các hợp chất thiên nhiên. Thầy mất gần 10 năm, tôi vẫn tiếp tục con đường khoa học mà hai thầy trò đã dồn nhiều tâm huyết.

Ngoài người thầy đáng kính, gia đình cũng là chỗ dựa vững chắc để GS Thắng thực hiện những đam mê khoa học của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.