Chuyến bay đầu tiên lên Mặt trăng có xuất phát điểm không phải từ niềm đam mê nghiên cứu và khám phá khoa học, mà là tham vọng chiến thắng trong ganh đua giữa 2 cường quốc lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tình hình dịu đi, 2 quốc gia này tạm dừng việc đưa người lên Mặt trăng. Hiện giờ, xuất hiện một “đối thủ cạnh tranh” mới là Trung Quốc với kế hoạch thực hiện các sứ mệnh Mặt trăng.
Chúng ta không biết rõ 100% về Trái đất; lại càng không hiểu hết về Mặt trăng, đặc biệt là về nửa bán cầu “tối” (nửa bán cầu không nhìn thấy từ Trái đất) của nó. Vị trí tiếp theo cần khám phá là khu vực địa cực Mặt trăng.
Một ngày đêm của Mặt trăng kéo dài bằng 28 ngày đêm trên Trái đất. Điều đó có nghĩa là một bán cầu Mặt trăng hướng về phía Mặt trời trong 14 ngày đêm Trái đất, sau đó bị bóng đêm che phủ trong 14 ngày đêm tiếp theo. Do Mặt trăng không có khí quyển nên bề mặt của nó bị ảnh hưởng lớn từ sự thay đổi nhiệt độ và chiếu sáng.
Khu vực địa cực chỉ được Mặt trời “chiếu lướt qua”. Chính vì vậy mà nước - thứ cần thiết cho các sứ mệnh có phi hành đoàn trong tương lai - có thể đang hiện hữu dưới đáy các hố va chạm ở khu vực địa cực.
Một nhiệm vụ quan trọng của các sứ mệnh Mặt trăng tương lai là tìm kiếm heli-3 để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc khai thác heli - 3 rất tốn kém và nguy hiểm. Vì vậy đây được xem là mục tiêu của tương lai.
Các sứ mệnh không có phi hành đoàn đã thực hiện thành công việc nghiên cứu bề mặt Mặt trăng. Dường như, giai đoạn tiếp theo sẽ là xây dựng căn cứ cho phi hành đoàn trên Mặt trăng. Cũng sẽ có các kế hoạch tìm kiếm heli-3 hoặc đặt kính viễn vọng tại bán cầu “tối” của Mặt trăng.
Một ý tưởng nữa là xây các “trạm dừng chân” cho phi hành đoàn trên các hành tinh khác. Do Mặt trăng thiếu khí quyển và có trọng trường yếu nên việc đổ bộ hoặc xuất phát từ Mặt trăng là tương đối dễ dàng.