Cũng bởi lẽ, “diễn viên” trúng tuyển là chú chó Shiba Inu thuần Nhật Bản chứ không phải một chú chó cỏ thuần Việt.
Phần đông ý kiến cho rằng, đã là “cậu Vàng” của lão Hạc – một nhân vật văn học điển hình trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao – thì phải là chó cỏ - giống chó thuần Việt. Vì lẽ, “Lão Hạc” là tác phẩm được viết từ trước cách mạng tháng Tám (1943) – đấy là những năm tháng đất nước chìm trong đói kém vì bị giặc ngoại bang đô hộ.
Bộ phim được dàn dựng từ tác phẩm văn học nổi tiếng đó nên cần phải tôn trọng hoàn cảnh sáng tác cũng như bối cảnh lịch sử. Thật khó chấp nhận nếu “cậu Vàng” của năm 1943 đầy những thiếu đói, ốm o nhiều khi muốn kiệt sức và rất đỗi bình thường mà lại được xây dựng thành một “cậu Vàng” đẹp mã, béo tốt, lanh lợi có nguồn gốc từ Nhật Bản. Kiểu “giao vai” này khác nào chọn cô gái Tây vào vai Thúy Kiều!
Những phản đối này càng mạnh mẽ hơn khi đạo diễn đưa ra lý do, chó thuần Việt không thông minh, hợp tác bằng chó Shiba Inu thuần Nhật. Và, đạo diễn cũng bảo rằng đừng có lo chuyện giống hay không giống vì đã có những cách hóa trang, giảm cân...
Thế nhưng, ngoài chuyện phản đối đoàn phim tính chuyện bỏ đói để giảm cân cho chó Nhật thì nhiều người còn dẫn ra “nhân vật” chó Phèn trong phim “Đất phương Nam” và đặt câu hỏi: Chó Việt “diễn” cũng tốt đấy chứ, mà muốn thông minh sao không chọn chó Phú Quốc?
Có thể thấy, cuộc tranh cãi này chưa thể đi đến hồi kết. Khán giả thì kêu cách làm của đạo diễn tiếp tục là biểu hiện sính… ngoại – bệnh cố hữu của người Việt rồi đặt nghi vấn: Dự án muốn kéo khán giả đến rạp bằng cách thương mại… mà quên mất tính chân thực từ tác phẩm văn học kinh điển.
Về phía thực hiện dự án phim thì kêu, chó nào chẳng được, miễn thông minh và diễn xuất tốt… sao lại nâng thành chuyện… văn hóa dân tộc...
Nhưng có một điều thú vị là, giữa tâm bão dư luận đó dường như không ai thấy buồn mà lại lâng lâng những niềm vui. Vui vì nhận ra rằng văn học chưa khi nào bị bỏ quên, nhất là với những tác phẩm văn học xuất sắc hễ ai đụng vào tùy tiện, thiếu nghiêm túc sẽ bị phản ứng ngay.
Vui vì ngày mỗi ngày, nhu cầu thưởng thức những tác phẩm điện ảnh chân thực, đậm bản sắc dân tộc càng tăng cao. Vui vì hành trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ không còn quá cô đơn, khép kín nếu biết chia sẻ thì sẽ nhận được góp ý, phê bình khá sòng phẳng, những mong khi đứa con tinh thần ra đời sẽ đạt được giá trị cao nhất mà mọi người hướng đến.
Thế nên, dịp này có lẽ phải rất cảm ơn… “cậu Vàng”!