Nghiên cứu mô hình đào tạo và phát triển giáo viên theo chuỗi

GD&TĐ - Ngày 8/5, Trường ĐH Sư Phạm – ĐH Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giảng viên với sự tham dự của toàn bộ trên 360 cán bộ, giảng viên nhà trường.

Hội nghị giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên
Hội nghị giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Tại hội nghị, PGS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường - trình bày khái quát Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đang được hoàn thiện xây dựng về: “Mô hình đào tạo và phát triển giáo viên theo chuỗi”.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp luận chứng khoa học cho cơ quan quản lý các cấp xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đổi mới mô hình đào tạo giáo viên theo chuỗi ở Việt Nam trong giai đoạn tới đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và hội nhập quốc tế.

Hội nghị đã đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường hiện nay và phân tích những yêu cầu, xu hướng đòi hỏi của giáo dục đại học trong nước, khu vực và quốc tế cũng như những yêu cầu từ công cuộc đổi mới giáo dục đại học, đổi mới giáo dục phổ thông đang đặt ra cho mỗi giảng viên sư phạm.

Nhằm mục đích để mỗi giảng viên hình dung và đem những năng lực đang có đối chiếu với những đòi hỏi của công việc trong tương lai để có tinh thần trách nhiệm trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực còn hạn chế.

Hội nghị cũng đã phân tích những vấn đề trong công tác đổi mới chương trình đào tạo sư phạm, những việc đã làm được và đang tiếp tục xây dựng, phát triển chương trình; Đồng thời đưa ra những định hướng cho các khoa, bộ môn cần tiếp tục xây dựng, đổi mới phát triển chương trình trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên cho giáo dục phổ thông đang đổi mới, chuẩn bị đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy.

Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng đã tổng hợp những vấn đề về tổ chức và quản lý, chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho học tập và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên của nhà trường;

Đối chiếu với các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đại học hiện hành để thấy được nhà trường hiện đang còn thiếu những gì nhằm có kế hoạch, lộ trình tổ chức xây dựng, bổ sung hoàn thiện theo những tiêu chuẩn hiện hành.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, đây là những công tác hết sức quan trọng để nhà trường vạch ra kế hoạch phát triển và xây dựng những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ