Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc (KIS) đang kêu gọi 262 sinh viên Việt Nam lao động bất hợp pháp tự nguyện ra trình diện và quay về nước, trong khi tiến hành điều tra đường dây đưa lao động Việt Nam sang làm việc chui dưới hình thức du học.
Theo tờ Korea Herald, cơ quan chức năng ra thời hạn trước ngày 31.3 và những người tự nguyện sẽ không bị truy cứu về các vi phạm, còn thông tin cá nhân cũng sẽ được giữ kín.
Những nơi hỗ trợ du học sinh tại Hàn Quốc
- Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc: Giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin liên quan đến học tập, cuộc sống, tổ chức các sự kiện kết nối sinh viên, cầu nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng.
- Hội Người VN tại Hàn Quốc: Hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ về luật, chính sách.
- Nhà trường: Tại các văn phòng trường thường có các nhân viên hỗ trợ người Việt giúp giải đáp các thông tin tuyển sinh, việc làm.
- Seoul Global Center: Trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài tại Seoul với các lớp học tiếng Hàn miễn phí, hội thảo về định hướng kinh doanh, khởi nghiệp và hỗ trợ người mới sang ổn định cuộc sống.
Điều tra ban đầu cho thấy phần lớn các sinh viên này đến học tiếng Hàn tại một trường đại học không nêu tên ở tỉnh Gyeonggi.
Tuy nhiên, một công ty môi giới tại đây đã đưa họ đến làm việc bán thời gian tại 13 doanh nghiệp, trong đó có nhiều siêu thị và kho bãi từ tháng 11.2016 - 8.2018. Công ty môi giới thu phí đến 30% thu nhập của họ và thậm chí còn đến Việt Nam để tuyển dụng lao động dưới hình thức du học.
Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công tố, trong khi Bộ Tư pháp mở rộng điều tra xem trường đại học có dính líu đến đường dây này không vì các sinh viên vẫn được điểm danh dù vắng mặt để đi làm bất hợp pháp.
Theo Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK), ngoài những trường hợp cố tình sang tìm việc làm dưới hình thức du học, cũng có nhiều người sang học thực sự nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, cộng thêm học phí và mức sống cao nên tự tìm việc thông qua các trung tâm môi giới, dù điều này là bất hợp pháp và họ phải trả hoa hồng rất cao.
KIS không cấm sinh viên nước ngoài làm thêm nhưng phải được nhà trường và cơ quan này chấp thuận. Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1.10.2018, sinh viên chỉ được phép làm thêm tối đa 10 giờ/tuần và khi có chứng chỉ tiếng Hàn cấp độ TOPIK 2 trở lên thì được phép kéo dài ra 25 giờ/tuần.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch VSAK Vũ Đức Lượng cho biết nhiều sinh viên làm phục vụ nhà hàng, cửa hàng tiện ích, quán nước và nhận mức lương tối thiểu hiện tại của Hàn Quốc là 7.530 won (155.000 đồng)/giờ.
“Tuy nhiên, do hoàn cảnh nên nhiều bạn làm quá số giờ vượt quy định và không đăng ký với KIS. Trong đó, nhiều bạn làm ở nơi không được phép như xưởng công nghiệp, ngành xây dựng”, anh Lượng nói, đồng thời cho biết thêm các sinh viên này không hề được bảo hiểm và khi bị chủ quỵt lương thì cũng không dám nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Mặt khác, theo anh Lượng, dù có nhiều việc làm hợp pháp dành cho sinh viên có vốn tiếng Hàn kha khá nhưng để tìm được công việc phù hợp với lịch học vẫn rất khó.
“Ví dụ, có bạn đi học đến 18 giờ, rồi đi làm từ 19 - 24 giờ, sáng hôm sau lại có tiết học sớm. Do đó, các bạn thường không có thời gian ôn bài, học bài hay thậm chí là ôn thi. Hậu quả là chán nản dẫn đến bỏ học và dễ chuyển sang lao động bất hợp pháp”, anh Lượng kể.
Theo VSAK, tại Hàn Quốc chưa có cơ quan hay tổ chức nào chính thức đứng ra hỗ trợ trực tiếp về việc làm thêm hợp pháp cho du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin về việc làm thêm trên các trang web của du học sinh Việt Nam và người Việt tại Hàn Quốc.
Ngoài ra còn có các trang web hay các ứng dụng tìm việc như Saramin, Albamon, Albacheonkook. “Tại các trang web và ứng dụng này, thông tin về việc làm được các nhà tuyển dụng cập nhật đều đặn, liên tục và tương đối đầy đủ, chính xác, qua đó các bạn du học sinh có thể dựa theo tình hình thực tế của bản thân để lựa chọn một công việc phù hợp với mình bằng cách liên lạc trực tiếp với người tuyển dụng một cách nhanh chóng”, anh Lượng đưa ra lời khuyên.