Cải thiện điều kiện làm việc tại các trường Đại học

GD&TĐ - Ngày 24/5 diễn ra tọa đàm Vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác bảo đảm an toàn, VSLĐ và cải thiện điều kiện làm việc tại các trường đại học.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tọa đàm do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công đoàn Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức nhằm hưởng ứng tháng công nhân và tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Trong nhiều năm qua, đặc biệt khi Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 có hiệu lực, Công đoàn Giáo dục Việt Nam luôn chú trọng chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các cấp triển khai công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng tháng ATVSLĐ hàng năm, các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động gắn với Tháng Công nhân như tổ chức các hội thi, tọa đàm, chuyên đề và thực tế tại một số đơn vị về công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, vận động được các đơn vị triển khai với các giải pháp, hình thức đổi mới nhằm nâng cao nhận thức và hành động của NGNLĐ để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Công đoàn phối hợp với lãnh đạo đơn vị kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn tại cơ quan, đơn vị, nhất là ở các xưởng thực hành, phòng thí nghiệm. Thành lập, phân công nhiệm vụ cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, thực hiện đầy đủ chế độ phụ cấp độc hại và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NGNLĐ...

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho đến nay, công tác ATVSLĐ được các cấp công đoàn chú trọng nhiều hơn. Việc chăm lo, bảo đảm an toàn sức khỏe cho CBNGNLĐ, tuyên truyền, vận động tạo thành ý thức tự giác, việc làm thường xuyên của mỗi người; vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, thân thiện.

Phó Chủ tịch Công đoàn Việt Nam cho biết, Khối thi đua số 2 gồm 16 đơn vị hầu hết thuộc khối kỹ thuật, nhiều đoàn viên làm việc ở các phòng thực hành, thí nghiệm, trạm, xưởng in, phòng hóa chất, máy tính… có yếu tố độc hại. Những năm qua các đơn vị trong khối đã tích cực truyên truyền, vận động, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách; tập huấn kiến thức, kỹ năng nhằm hỗ trợ đoàn viên thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Đại biểu tham luận tại tọa đàm.

Đại biểu tham luận tại tọa đàm.

Thực hiện chủ đề của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2023 “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Vai trò của công đoàn trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện làm việc tại các trường đại học”.

Đây là diễn đàn để công đoàn các đơn vị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả cùng những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để tháo gỡ, thống nhất một số nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ trong các nhà trường; từ đó lan tỏa quyết tâm trong việc bảo vệ sức khỏe cho đoàn viên, người lao động; hạn chế các nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về công tác chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai các quy định về An toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động; việc phối hợp giữa Công đoàn và chuyên môn trong xây dựng, giám sát thực hiện các nội quy, quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động,; giải pháp của tổ chức Công đoàn nhằm góp phần cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ