Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: 30 năm đạt 1,2%

GD&TĐ - Hơn 1.500 chung cư cũ (CCC) ở thành phố Hà Nội qua thời gian do không được duy tu, bảo trì thường xuyên, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.

Chung cư cũ tại phường Thành Công xuống cấp theo thời gian.
Chung cư cũ tại phường Thành Công xuống cấp theo thời gian.

Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh, cải tạo xây dựng lại CCC là cấp thiết và quan trọng.

Nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết

Ngày 7/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn thành phố. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 CCC (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 CCC độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận lõi. Các CCC đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, độ an toàn.

Trong đó, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà. Đa phần các CCC này đã được bán cho các hộ gia đình theo hướng dẫn của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết, vấn đề xây dựng, cải tạo lại nhà CCC được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Hiện, UBND thành phố đã trình Đề án cải tạo, xây dựng lại CCC lên HĐND thành phố.

Trong đó, đề cập đến 7 giải pháp liên quan, cơ bản bám sát vào Nghị định 69 và thực hiện nghiêm túc những yêu cầu đối với UBND cấp tỉnh, thành phố.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, xây dựng, cải tạo CCC là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%.

TS.KTS Nghiêm nhấn mạnh, cần phải xem là nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết. Trong quá trình thực hiện nên xác định rõ mức độ quan trọng của công tác cải tạo, xây dựng lại CCC.

“Trên địa bàn Thủ đô còn những khu chung cư được xây dựng giai đoạn 1955 - 1957 thời kỳ đất nước bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có dấu ấn về kiến trúc riêng.

Vì vậy, nên bổ sung quan điểm, cải tạo góp phần xây dựng diện mạo mới, nhưng đồng thời có lựa chọn nhằm bảo tồn di sản, để cho thế hệ sau cảm nhận được công lao thế hệ đi trước, góp phần nâng tầm giá trị bảo tồn di sản của Hà Nội...”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.

Về giải phóng mặt bằng, TS.KTS Nghiêm cho rằng, bên cạnh quy định mới trong Nghị định 69/2021 cần xem xét bổ sung thêm chính sách ưu đãi từ phần loại đối tượng sở hữu nhà trên cơ sở áp dụng chương trình phát triển nhà ở của thành phố.

Còn TS.KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trức sư Hà Nội - cho rằng, Nghị định 69/NĐ-CP đã cơ bản giải quyết được 2 vấn đề liên quan đến hệ số bồi thường giải phóng mặt bằng giải quyết tính cấp thiết cải tạo, xây dựng lại CCC.

“Quy định về bồi thường đối với phần diện tích tầng 1 được sử dụng kinh doanh, thương mại; Quy định về phần diện tích bồi thường thực tế căn cứ theo sổ đỏ của mỗi căn hộ chung cư, phần diện tích cơi nới chỉ được hỗ trợ.

Tuy nhiên vấn đề hỗ trợ phần diện tích cơi nới TP Hà Nội cũng cần quan tâm, phải xây dựng cơ chế sao cho phù hợp từ đó mới nhận được sự đồng thuận từ người dân...”, TS.KTS Hải nói.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, thực trạng quản lý các khu CCC hiện nay đang rất phức tạp. Theo ông Tuấn, cần có những nguồn lực và giải pháp đồng bộ trong quá trình thực hiện.

“Từ quý I, II/2021 là thời điểm quan trọng với nhiều chỉ đạo then chốt của Thành ủy và khi Nghị định 69/NĐ-CP được ban hành đã giải quyết được căn bản những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của Thủ đô. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, làm căn cứ trong quá trình triển khai thực hiện...”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mong muốn được tái định cư tại chỗ

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương khẳng định, việc cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết. 
Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến gửi HĐND TP Hà Nội.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình), cho biết, trên địa bàn phường hiện có hơn 80 nhà tập thể, bao gồm 4.684 căn hộ cao từ 2 - 5 tầng xây dựng từ những năm 1970 - 1985, kết cấu đa phần là tường gạch chịu lực, thi công bằng phương pháp thủ công và nhà kết cấu bê tông lắp ghép.

Diện tích căn hộ tại các khu CCC phần lớn từ 24m2 đến 36m2 không thỏa mãn diện tích ở. Cá biệt, có nhà chỉ khoảng 12m2. Đến nay, các nhà CCC này cơ bản không đáp ứng được tình trạng gia tăng dân số, điều kiện ăn ở của người dân.

“Không có nơi để xe, không có diện tích phơi quần áo, không có bể nước riêng... Trước đây, mỗi khu tập thể có bể nước chung, qua thời gian không đủ để đáp ứng cho người dân. Hiện, mỗi gia đình có một “bom nước” càng làm cho căn nhà đã xuống cấp lại càng xuống cấp.

Bên cạnh đó, khoảng 10 năm trước có hiện tượng cơi nới tự phát khiến thay đổi kết cấu ảnh hưởng đến chất lượng công trình...”, ông Lâm chia sẻ.

Riêng nguy hiểm cấp độ D có tập thể G6A Thành Công, với 49 hộ dân. Tập thể nhà G6A đã được chính quyền vận động và các hộ dân được di chuyển gần 1 nửa về Lô E, Khu đô thị Yên Hòa.

“Tập thể G6A cần đập đi xây lại vì xuống cấp nguy hiểm, mong muốn của người dân là được tái định cư tại chỗ sau khi cải tạo xong. Mỗi căn hộ mới người dân mong muốn tối thiểu từ 60m2...”, ông Lâm thông tin.

Trước thực trạng đó, UBND Thành Công mong muốn được thành phố sớm có kế hoạch tổng thể cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn phường Thành Công nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, công tác an sinh xã hội.

“Phường Thành Công có khoảng 27 nghìn dân. Bởi vậy, việc xây dựng mới chung cư phải đáp ứng các quy chuẩn mới về đô thị cũng như có kết nối đồng bộ với các khu vực xung quanh, tránh tình trạng tăng số lượng cư dân, dẫn tới việc quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội...”, ông Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...