Cái sự câu cá

GD&TĐ - Hà Nội càng ngày càng nhiều người ham câu cá. Từ hồ ở khu dân cư mới chiều chiều lẻ tẻ vài người thả mồi đến cuộc dã ngoại câu cá cả gia đình rời Hà Nội thứ bảy, chủ nhật ở những địa điểm chuyên phục vụ câu.

Cái sự câu cá

Trực tiếp câu cá đa số là các anh... Các chị có thấy thường cũng chỉ là người “ăn theo”. Người không hiểu thì bảo, câu cá là cái thú nhàn nhạt của mấy anh rỗi việc, mấy ông già, có gì đó hơi thiếu... tích cực. Giống như khi nói đến cái gì không chắc về kết quả, người ta chả nói là “như đi câu ấy mà”.  

Có người ngày nào cũng đi câu, mỗi ngày năm, bảy giờ cho việc câu. Xem trên mạng thì thấy nhiều bài viết khẳng định câu cá giúp giảm stress, giảm áp lực của công việc, có lợi cho tim mạch, hữu ích cho điều trị ung thư…

Câu cá được coi là môn thể thao với hàng trăm câu lạc bộ, hàng nghìn hội viên. Hiệp hội Câu cá Việt Nam cũng đã được thành lập không chỉ tập hợp lực lượng mà còn tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham gia hoạt động quốc tế thiết thực… Hoạt động câu này mang tính giải trí (khi thấy tôi nói thế này, một chú em bảo ở Tây thì họ câu lên đo đạc, đánh dấu rồi thả xuống thì đúng là giải trí chứ ở ta câu lên vẫn chén là chính?!).

Việc câu ngày càng chuyên nghiệp từ đồ câu, mồi câu, cách câu, rồi tổ chức thi đấu rất sôi nổi. Riêng món đồ câu ở Hà Nội cũng có hàng trăm cửa hàng cung cấp, nội cũng có nhưng càng ngày đồ ngoại càng nhiều (đồ dùng để pha trà được gọi là “trà cụ” nhưng không ai gọi đồ dùng để câu cá là “câu cụ” cả. Có lẽ sợ nhầm với người có vai cao trong nhà thì nguy).

Chả hiểu sao trong “Thú ăn chơi của người Hà Nội”, Băng Sơn đã mô tả bao chuyện ở những 188 tùy bút, tản văn mà chả có chuyện nào về câu cá?! Đọc chuyện về Phùng Quán thấy có nói đến chuyện câu trộm cá Hồ Tây, cái sự bất đắc dĩ xót xa của một nhà văn tên tuổi. Hơn ba nghìn năm trước, Khương Tử Nha bên Tàu đi câu đến tám mươi tuổi, nhưng ông ấy đi câu có mục đích riêng, câu mà không dùng mồi, câu mà lưỡi câu thẳng, là ông câu thế câu thời.

Bao năm rồi chả đi câu, chiều chiều đi bộ quanh hồ điều hòa ở Thành phố Giao Lưu (Hà Nội) đếm sơ sơ cũng có hơn bốn chục “cần thủ”, nghe nói có người câu cả đêm.  Đọc nội quy hồ câu thấy một loạt từ chuyên môn mà người không có nghề đọc được mà chả hiểu gì. Những là “ câu lục”, “câu chéo”, “câu tăm”, “ câu đơn”, “câu thẳng tiêu”… rồi “năng xê”, “mạng xiết”… Dù xanh, dù đỏ phấp phới, bên cần câu, máy câu hiện đại còn cả ghế êm để ngả lưng, bàn con để bia, rượu, đồ ăn (khi cá chưa chén mồi thì ta chén rượu) cùng bao đồ nghề lỉnh kỉnh khác.

Hồi chiến tranh phá hoại những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, người viết bài này sơ tán về quê ở ngoại thành Hà Nội, ao chuôm la liệt, đi câu là việc thường xuyên.

Lúc đó thịt, đậu bán tem phiếu, có hạn nên đi câu là một kênh bổ sung protein quan trọng. Hôm câu được nhiều thì cả nhà cùng tươi, có hôm chỉ câu được một con rô hay con diếc thì kho lên chị em chấm rau với nước kho cá, còn cá để vào cặp lồng cơm mang cho mẹ đi làm may ở hợp tác xã trưa không về nhà. Câu lúc đó cũng thích nhưng không ai gọi là môn thể thao, câu chủ yếu vì cái dạ dày chứ không phải mục tiêu giải trí. Câu nhiều đến nỗi hơn nửa thế kỷ đã qua mà còn nhớ như in. Xin được kể chút chuyện câu xưa làm vui.

                                                             ***

Từ góc độ đồ nghề, mồi câu, cách thức câu có thể chia làm ba loại cơ bản: Câu rô, câu diếc, câu cá quả (gồm cá sộp và cá chuối). Còn có câu trê, cắm cần nữa nhưng không điển hình lắm. Mè thì không câu được vì chả biết nó thích mồi gì, muốn có mè thì phải dùng ba tiêu giật bừa đi, móc vào chỗ nào của cá cũng được.

Trước hết nói về đồ câu. Đồ câu lúc đó phong phú nhưng giản dị, có thứ không mất tiền chứ không như đồ câu của mấy anh “câu thủ” hiện nay nghe nói hàng triệu, thậm chí cả chục triệu một bộ. Cần câu phổ biến làm bằng tre, chọn đoạn tay tre hoặc ngọn nhỏ, róc tay sát mắt tre, chỗ nào chưa thẳng thì hơ vào lửa rồi uốn cho thẳng.

Cũng có khi chẻ cây tre to theo chiều dọc thành nhiều mảnh rồi vót mảnh tre dài khoảng 1,5-2m vuốt nhỏ dần từ gốc lên ngọn, chót ngọn làm cái mấu để buộc cước đỡ tuột. “Ăn chơi” hơn thì ra chợ Bưởi mua cần câu bằng trúc. Cần trúc vàng óng, dẻo, nhiều kích cỡ cũng là một thứ thể hiện “đẳng cấp” của người câu.  

Ảnh minh họa: IT.

Ảnh minh họa: IT.

Sau cần câu là dây câu, phổ biến là cước  bằng nhựa dai, trong suốt để cá không nhìn được.

Cước câu rô, câu diếc chỉ nhỏ cỡ nửa ly, mỗi cần câu chỉ dùng khoảng 2m. Cước làm cần văng câu cá quả thì to khoảng một ly, được cuốn trong một vòng gỗ có rãnh gọi là “bát”, có khi dài đến mấy chục mét. Bên cạnh cước, có lúc còn dùng dây dù nhưng không phổ biến lắm.

Khi đọc truyện “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, thấy người ta dùng chính cái sống lá cây dừa nước mọc ở bờ sông làm cần, dùng dây đay hai ba sợi chưa bện làm dây câu rắn. Khi con rắn trúng câu liền vặn mình liên tục làm mấy sợi dây bện chặt lại. Vặn mãi không được, nó đổi cách vặn ngược lại làm dây tở ra, không đứt. Thú vị thật, hiểu cả tâm lý con rắn thì tài quá.

Cần rồi, dây rồi, còn một thứ rất quan trọng nữa là lưỡi câu. Thông thường thì ra hàng xén mua lưỡi câu. Hàng xén chợ làng chỉ có vào ngày phiên (ngày 1 và ngày 6 âm lịch) và ít loại. Có loại thép trắng, có loại sơn đen, có loại đuôi đập bẹt khi buộc cước vào phải có cách cuốn nhiều vòng rồi rút rất chắc. Có loại đuôi uốn vòng chỉ việc xâu cước vào vòng rồi thắt nút. Hầu hết là lưỡi nhỏ, muốn chọn được lưỡi vừa cứng vừa sắc thì lại phải ra chợ Bưởi.

Cũng có khi không có tiền phải kiếm sợi thép tự mài, uốn lưỡi câu. Lưỡi câu tự làm cũng sắc, cỡ tùy ý nhưng mềm, rất khó làm ngạnh đẹp, có khi câu móc được lưỡi vào mồm cá rồi mà vẫn tuột mất.

Thường thì chỗ nối cước với lưỡi câu sẽ có một mảnh chì nhỏ để khi câu mồi chìm sâu xuống đáy, khi không có chì thì lấy mảnh vỏ díp đánh răng nhỏ gắn vào cũng xong. Riêng chì của lưỡi câu văng thì khá đặt biệt, hình chóp to bằng đầu đũa, đầu to có cái lỗ để cài sợi cỏ gà vào khi kéo mồi không bị móc vào rong rêu, bèo cỏ…

Còn vài thứ lặt vặt khác như phao, ống bơ đựng thính, đựng giun, rồi sợi thép một đầu buộc đoạn tre ngang khoảng 5-6 cm để xâu cá hoặc giỏ đựng cá… Thế thôi, chả có vợt, chả có giá đỡ cần, chả có ba lô, túi đồ, lều bạt… sang trọng và đẹp mắt như bây giờ đâu.

Đồ câu sắm hoặc làm một lần thì dùng hàng năm, thi thoảng đứt cước mất lưỡi thì thay cái khác, cần thì chả mấy khi gãy. Có đồ câu rồi thì làm thính, mồi rồi đi câu thôi.  Mỗi loại cá có một loại mồi và một cách câu riêng.

                                                        *** 

Câu rô thì dùng cám gạo rây lấy phần nhỏ, mịn để làm mồi (gọi là thính câu), phần thô ráp làm thính ném. Thính ném khá đơn giản, chỉ việc trộn phần cám thô với mẻ, cho thêm chút nước thành một thứ sột sệt, mùi chua chua, để vào ống bơ rộng miệng cho dễ bốc. Cầu kỳ hơn thì lấy củ ráy sống, giã nát trộn vào.

Thính câu làm như sau: Luộc củ khoai sọ chín lên, bóc vỏ cho vào cối nhỏ giã nhuyễn, sau đó cho chỗ cám mịn vào cùng chút mẻ trộn đều, giã thật quánh, không nát quá (có thể nặn được như đất sét làm bi, làm pháo). Nắm lại cỡ như cái bánh rán nhỏ là đủ buổi câu. Để giữ dẻo lâu, không khô thì bọc vào cái lá khoai nước hoặc khoai sọ. Cũng có khi không làm thính câu mà dùng châu chấu hoặc tôm nhỏ làm mồi cũng được.

Rô thuộc loại lỗ mãng, phàm ăn, ăn chìm, mùa nào trong năm, giờ nào trong ngày cũng có thể câu được. Nếu câu chỗ không có bèo thỉ chỉ việc bốc dúm thính bằng quả táo nhỏ (táo ta) ném xuống chỗ định câu. Nếu câu ở ao bèo ta thì dùng đầu cần câu hất bèo ra tạo thành ô tròn đường kính khoảng 35-40cm rồi ném thính vào đó gọi là hố câu.

Thường thì mỗi lần đi câu phải tạo 4-5 hố câu như vậy để hố này không có cá đến sẽ có hố kia hoặc hố này vừa giật được vài con, động nước làm cá sợ thì sang hố khác, lúc sau quay lại.

Thính ném xuống khoảng 15 phút là có tín hiệu, bắt đầu là một vài  tăm nhỏ, rồi tăm nhiều hơn, có lúc còn sục lên hoặc thấy cả mấy chú rô “ngáo thính” nhao  lên mặt nước. Cá rô ngửi thấy mùi thính thì sán đến nhưng thính tan trong nước nên chả có gì đớp đâm khó chịu.

Nếu thính trộn củ ráy thì chỉ đớp vào nước có chút thính thôi miệng đã ngứa ran lên chỉ muốn cắn lung tung giải tỏa cơn ngứa. Lúc đó sẽ giở nắm lá khoai bọc mồi câu ra, véo một mẩu nhỏ như hạt đỗ, ve tròn, dùng lưỡi câu móc vào bóp chặt như cái kẹo nhân lưỡi câu vậy rồi thả xuống hố câu.

Vì rô ăn chìm nên khi thả xuống phải đo khoảng cách giữa đáy ao và mặt nước để đặt phao sao cho mồi câu vừa chạm đáy ao còn phao thì gần ngang mặt nước là được.

Như trên đã nói, cá rô rất lỗ mãng nên thấy mồi câu thả xuống thì xông vào đớp luôn. Đớp xong thì chạy biến không biết vì sợ con khác cướp mất hay muốn đi khoe ở đâu?! Người câu thấy phao chúi xuống rồi chạy rẽ ra, lấp sau đám bèo quanh hố câu rất nhanh liền giật mạnh. Y như rằng một chú rô sẽ văng lên với lưỡi câu đã đóng ngạnh vào miệng. Phải nhanh để cá chưa kịp nuốt mồi vào bụng, gỡ cá cũng tiện chứ cá đã nuốt vào bụng rồi thì phải mang cả cần, cả cá về nhà lấy dao mổ ra thì mới câu tiếp được.

Cá rô ở ao thường chỉ to bằng 2-3 ngón tay, thi thoảng mới có con to bằng cái lá xương xông (cỡ 1 lạng). Ấy vậy mà có lần ông Đồ Thúc ở xóm Chùa kể về con rô to lắm. Chuyện rằng năm đó những người đánh cá ở Hồ Tây cứ bị rách lưới liên tục bởi một con cá to. Họ bèn lồng ba cái lưới làm một và tóm được “cu cậu”, không, phải gọi là “cụ cá” mới đúng.

“Cụ cá” to, đen, dài đến mức  hai thanh niên phải dùng thừng lồng qua mang rồi khiêng bằng đòn xóc, khi khiêng dùng hai tay nâng đòn xóc đặt trên đỉnh đầu mà đuôi con cá vẫn quệt đất. Chả ai biết là cá gì, thấy đen đen có dáng dấp như con cá rô đực bèn lấy dao cạo chỗ gần mang và gần đuôi thấy hai cái chấm đen to như cái bát ăn cơm thì mới biết là cá rô?!

                                                        ***

Câu diếc thì thính và mồi khác hẳn. Các nàng này sang chảnh nên thính và mồi có vẻ cũng màu mè, sang chảnh hơn.

Thính câu diếc cũng làm bằng cám gạo. Cám được cho vào chảo rang đều tay thấy chuyển sang màu vàng sậm, tỏa mùi thơm là được. Cháy quá thì khét mà non quá thì không đủ thơm. Người chuyên nghiệp thì dùng thêm chút hoa hồi rang khô, tán nhỏ trộn vào cám rang, thơm phức, người cũng muốn chén. Trộn cám rang với nước sột sệt, cho vào ống bơ như thính câu rô.

Mồi câu diếc thường bằng giun nhỏ. Dùng cuốc hoặc chép đào ở chỗ đất xốp, chọn những con giun to hơn đầu tăm chút cho vào ống bơ cùng chút đất cho giun khỏi chết là có mồi câu diếc rồi. Có thời gian thì tìm các bụi chuối tây còn gốc đã chặt sát đất, moi giữa gốc đã thối nhũn ra móc lấy giun (thỉnh thoảng mới vớ bở được thế này). Giun ở gốc chuối vừa cỡ, màu đỏ thường gọi là giun đỏ. Mồi này thuộc loại “cao lương mỹ vị” mà cá diếc thuộc “đẳng cấp” nào cũng mê. Gọi là mồi câu diếc nhưng mồi này nhiều khi cá trôi, cá chép, cá trắm cũng chén. Đi câu diếc mà vớ được mấy “ông kễnh” này thì tuyệt vời.

Khác với cá rô, cá diếc ăn nổi hơn nên cũng nhạy cảm với thời tiết hơn. Nóng quá cũng khó câu mà lạnh quá cũng khó câu. Câu diếc vào mùa thu hoặc mùa xuân khi mưa lâm thâm, trời hơi se se là chuẩn nhất. Cũng phải làm các hố câu như câu rô nhưng hố phải xa bờ hơn, lượng bèo hất đi cũng nhiều hơn để đường kính hố to khoảng 50cm (tại sao phải làm thế sẽ nói ở dưới). Sau khi làm hố câu xong cũng ném thính và chờ… sủi tăm.

Cá diếc vừa đỏng đảnh, vừa từ tốn đến. Dù thấy thính thơm cũng không quá vồ vập như rô mà còn lượn lờ chán rồi mới vào, hít hà, thỉnh thoảng mới nhả ra cái tăm. Tăm diếc to, thưa hơn tăm của rô rất rõ. Khi thấy có đợt tăm thứ 2, thứ 3 là có thể thả mồi được rồi. Cá thong thả thì người câu cũng phải thong thả vì giun nhỏ, rất dễ đứt. Dùng lưỡi câu nhỏ lắm rồi mà không cẩn thận mới móc được nửa con giun đã đứt thì hỏng việc. Móc con giun nhỏ từ đầu đến cuối lưỡi câu, phần giun chờ ra ngoài đầu lưỡi câu khoảng nửa ly là đẹp nhất.

Cách đo nước cũng như khi câu rô nhưng phao để chìm hơn chút (đầu chúc xuống nổi đuôi phao lên nhìn rõ là vừa). Sau khi thả mồi thì phải tập trung cao độ hơn câu rô nhiều. Câu rô cũng phải chú ý để khi cá cắn câu thì giật, tuy vậy giật chậm tý cũng vẫn được cá (có điều chậm quá thì nó nuốt cả lưỡi câu vào bụng rồi, mất thời gian mổ cá để câu tiếp như nói ở trên).

Diếc thấy con giun đỏ, trong, vừa đẹp vừa ngon thì dí mồm vào ngửi, khi đó phao hơi động  đậy. “Câu thủ” lúc này rất hồi hộp nhưng phải thật chú ý để ra tay đúng lúc. Ngửi rồi thấy đúng là giun xịn mới thong thả há mồm ra đớp cả giun cả lưỡi, ngậm trong mồm. Khi đã có mồi trong mồm rồi thì diếc không chạy biến như rô mà từ từ nở bong bóng trong bụng ra để nổi lên tầng trên. Khi đó phao đang từ trạng thái chúi đầu xuống liền bềnh lên nằm ngang mặt nước. Phải nhanh tay nhắc cần câu lên. Nhắc chứ không phải giật đâu nhé. Giật mạnh một cái là có khi chỉ được cái mồm cá thôi (vì mồm cá diếc rất mỏng, chỉ dính với thân bởi lớp màng mỏng, chịu lực rất yếu). Nhắc chậm quá thì có khi nó đã nhả mồi ra rồi. Nhắc đúng lúc thì sẽ thấy đầu cần câu chúi xuống.

Cá diếc thường to hơn cá rô mà đầu cần câu cá diếc thường nhỏ, dẻo hơn cần câu cá rô. Vậy là bằng chính lực kéo của cá khi thấy vướng lưỡi câu và độ đàn hồi của cần câu đã đủ để lưỡi câu móc vào mồm cá rồi. Lúc này người câu giữ chắc cần cho chú cá dại chạy dọc ngang chút (cảm giác lúc này thật sướng vì trúng rồi mà hồi hộp không biết cá bé hay to), rồi cái đàn hồi của cần sẽ thắng lực kéo của cá làm con cá bật lên khỏi mặt nước, tung lên bờ. Sở dĩ ở trên làm hố câu cá diếc to hơn hố câu cá rô chính là để lúc này cá có chạy chút thì khi văng lên cũng không vướng bèo, lên bờ suôn sẻ hơn.

Câu diếc khó chịu nhất là bị lũ đòng đong cân cấn phá đám. Lũ này nhiều, chỉ bằng đốt ngón tay, có khi bụng toàn trứng, được mớ nấu canh dưa tuyệt lắm. Vậy nhưng khi đám này kéo đến đông thì các nàng diếc không thèm tranh với loại nhắng nhít nên lỉnh đi chỗ khác ngay. Hố câu nào gặp đám này thì mất thính, mất ít giun rồi đi chỗ khác là thượng sách.

                                                           ***

Tuổi thơ với kỷ niệm câu rô, câu diếc “những năm bom Mỹ trút lên mái nhà” ùa về, thấy lòng rưng rưng. Hình như bây giờ chả ai làm đồ câu, mồi câu rô, câu diếc như kể trên nữa. Mà cũng chả còn mấy ao, chuôm để câu thế nữa.  

Xưa đi câu vì nghèo, để kiếm ăn, nặng động cơ vật chất. Nay đi câu khi có điều kiện thời gian (và cả điều kiện kinh tế nữa), đi câu để giải trí vì động cơ tinh thần là chính. Vậy nhưng xưa và nay đi câu đều giống nhau ở chỗ cá nào mồi ấy và phải hiểu về từng loại để có cách câu phù hợp. Lúc câu thì phải kiên trì, được giảm nói, ít phải nghe (phải chăng nữ ít đi câu vì không muốn hy sinh việc nói?!). Rồi lúc câu thường phải cúi mặt xuống, nhìn phía dưới mình (quan trọng lắm đấy).

Lại nữa (có người nói vừa là yêu cầu, vừa là giá trị quan trọng nhất) đó là có chỗ ngồi tốt. Đồ tốt, mồi tốt, kỹ năng câu tốt hoàn toàn có thể không là người sát cá nếu không có chỗ ngồi tốt. Chỗ ngồi có thể do may mắn mà có, có thể dày công mà có, cũng có thể do ai đó yêu mến giành cho. Chỗ ngồi “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, chỗ ngồi có ô dù tốt che chở, chỗ ngồi nhiều cá “đứng” hoặc lảng vảng lại qua, chỗ ngồi không có tổ kiến lửa bất chợt bò lên đốt sưng cả người …thì tuyệt.            

Hóa ra, chuyện đi câu tưởng chơi chơi mà cũng vẫn liên quan đến chuyện chỗ ngồi.

                                                                    TP Giao Lưu, ngày đầu 2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.