(GD&TĐ) - Sách giáo khoa hiện hành xếp Nguyễn Tuân vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt hiện đại.
Người giễu cợt các nhà phê bình
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng phải sau 3 năm ông mới nổi tiếng với bút pháp độc đáo, tài hoa trong “Vang bóng một thời” và “Một chuyến đi”... Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới với nhiều tập tùy bút, bút ký như “Sông Đà” (1960), một số tập ký chống Mỹ từ 1965-1975 và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước. Năm 1996, Nguyễn Tuân đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I- 1996) về Văn học - Nghệ thuật.
Ông kể lại rằng phải mất 6 tháng trời quan sát số đồn bốt ở khu vực vĩ tuyến 17 và đếm số thanh ván bắc phía bên kia cầu Hiền Lương, khi hai miền Nam- Bắc còn bị chia cắt. Ông nghĩ ra cách nhờ những người công an sang bờ bên kia công tác, đếm hộ. Cuối cùng ông chấp nhận kết quả là phía bên kia cầu Hiền Lương có được 444 thanh ván. Đấy là một việc làm đầy kỳ công và một sự sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, thể hiện được một phần bản chất lao động của nhà văn. Theo ông, nhà văn cần phải “bắt tận tay, day tận trán” từng chi tiết, sự kiện, vấn đề, chứ không thể chàng màng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” được.
Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất. Từ một con người “chẳng giống ai”, ông đã đem đến cho đời một phong cách nghệ thuật đậm chất Nguyễn.
Sinh thời, nhiều người truyền tai rằng Nguyễn Tuân là nhà văn chúa “ghét” các nhà phê bình. Ông nói rõ quan điểm của mình về chuyện này. “Cái nguyên tắc biết mười nói một không chỉ cần đối với nhà văn, mà cũng cần đối với nhà phê bình. Tôi không chịu được mấy ông phê bình thiển cận. Họ không chỉ hạn hẹp về kiến thức mà còn thiếu vốn sống, thiếu lịch lãm, thiếu cả cảm quan thẩm mỹ. Viết về tác phẩm mà không cần biết gì về nhà văn, chỉ nhìn cái bề ngoài của trang sách rồi cứ thế tán ra. Viết kiểu như thế, có khen người ta cũng làm cho người ta bực bội...”.
Rồi người ta lại còn đồn rằng Nguyễn Tuân bảo khi ông mất, không để cho các nhà phê bình đi đưa tang. Ông cho hay: “Điều này thì mình đã nói với nhiều người. Mình đã làm sẵn một danh sách những bạn bè mà mình mời đi đưa đám ma mình, không chỉ những anh phê bình tồi mà những thằng cơ hội, nịnh bợ, giả dối, xin đừng để họ đi đưa đám ma mình. Mình cũng dặn vợ con khi hóa vàng cho mình ngoài quần áo, bút mực, vàng mã, nhớ đốt theo cho mình vài hình nộm anh phê bình. Biết đâu về cõi vĩnh hằng anh ta không sợ bóng sợ vía ai nữa thì có thể nói thật. Như vậy mình cũng có người mà trò chuyện, mà tranh luận cũng đỡ buồn...”.
Nhà văn Nguyễn Tuân |
Kiêu bạc
Nhưng có lẽ Nguyễn Tuân là nhà văn duy nhất ở cương vị Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật (HLHVHNT) dám nói và có thể sẵn sàng làm những điều mà không ai có thể làm được trong hoàn cảnh ấy. Ấy là vào thời kỳ đấu tranh chống nhóm “Nhân văn”. Ông thẳng thắn nói với mọi người: “Xin các anh cứ cung cấp cho chúng tôi một số giấy để in báo, chúng tôi mở cuộc bút chiến, tranh luận công khai với nhóm Nhân văn”.
Về chuyện nghề, nhà văn Nguyễn Tuân chia sẻ rất thực lòng, nhưng cũng theo cách riêng. Ông cho rằng: Anh cố tình làm cho độc đáo là không an thua. Anh cứ viết đúng như anh nghĩ, không uốn éo, không màu mè thì nó sẽ ra phong cách. Có cá tính trong ngôn từ thì nó sẽ nảy ra mỹ học thôi. Nhà văn cũng như nhà phê bình phải biết hài hước, châm biếm - đó là trí tuệ, người thông minh mới biết hài hước... Mỗi nhà văn phải có thế giới riêng, phong cách riêng, ngôn từ riêng. Muốn tìm hiểu, giảng giải, phân tích về nhà văn phải tìm cho ra cái riêng đó. Một nhà văn không có cá tính thật đáng sợ và đáng buồn biết mấy...”
Nhà phê bình văn học Ngoc Trai có lý khi cho rằng: “...Có một Nguyễn Tuân cương trực, ngang bướng, gai góc, khinh bạc, kênh kiệu bên cạnh một Nguyễn Tuân nhân hậu đầy ưu ái với con người, cuộc đời. Có một Nguyễn Tuân ồn ào, phá phách bên cạnh một Nguyễn Tuân cô đơn, luôn nặng trĩu lòng ưu thời mẫn thế...”. Dù nhìn ở góc độ nào, Nguyễn Tuân vẫn là một cây đại thụ trong làng văn chương Việt hiện đại. Chỉ có điều cây đại thụ ấy ngoài cành rễ xum xuê, chồi non, lộc biếc, lá vàng, còn có cả những cái gai vô cùng sắc nhọn, khiến nhiều người cảm thấy e ngại mỗi khi mon men đến gần, nếu chưa đủ thành tâm và một cảm quan thẩm mỹ lành mạnh, một bản lĩnh văn hóa cần phải có đối với một văn nhân đích thực.
Thu Giang