'Một bữa cơm đổi một nụ cười' của sinh viên báo chí

GD&TĐ - Để giúp đỡ người khó khăn, bệnh nhân nghèo, một nhóm SV báo chí đã lập CLB để phát cơm, mà người nhận cơm chỉ cần “trả phí” bằng một nụ cười...

Các bạn sinh viên nấu những suất cơm miễn phí. Ảnh: Minh Vũ.
Các bạn sinh viên nấu những suất cơm miễn phí. Ảnh: Minh Vũ.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người công nhân, bệnh nhân nghèo, 2 bạn sinh viên ngành Báo chí của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là Lê Thị Cẩm Trâm và Đặng Nguyễn Bảo Trâm (SN 2003) đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng phát cơm miễn phí.

Để có nguồn kinh phí thực hiện ý tưởng, “song” Trâm đã đem ý tưởng của mình bàn bạc với bạn bè cùng người thân, và phải mất 10 ngày kể từ khi lên ý tưởng hình thành, cuối cùng những suất cơm đầu tiên đã được trao đến tay những bệnh nhân nghèo và người lao động khó khăn.

Nhớ về ngày đầu nấu cơm tặng người nghèo, Cẩm Trâm cho biết, để có thể chuẩn bị các suất cơm, các thành viên phải đi chợ từ hôm trước và dậy thật sớm vào ngày hôm sau để nấu cơm. Địa điểm nấu là căn bếp nhỏ ở chung cư của Cẩm Trâm. Bởi chưa quen nấu cơm với số lượng lớn, những suất cơm mà các bạn nấu ra không đủ so với dự tính ban đầu, nồi cơm nhỏ nên phải nấu nhiều lần, nấu ở nhiều nhà, cơm nấu chưa được ngon…

Những thành viên đầu tiên của bữa “Cơm có tình”. Ảnh: Minh Vũ.
Những thành viên đầu tiên của bữa “Cơm có tình”. Ảnh: Minh Vũ.

“Địa điểm mà chúng em lựa chọn phát cơm là Bệnh viện Phụ sản – Nhi. Lần đầu tiên phát cơm thiện nguyện, nhóm còn không có được một cái bàn hay bảng hiệu. Những hộp cơm được để trong thùng xốp và chỉ có thể chờ người đến lấy. Ban đầu là những chú xe ôm, cô bán hàng rong, rồi dần dần mới có thêm nhiều người hơn đến nhận. Không những vậy nhóm còn chia nhau để đem cơm đến tận giường bệnh tặng cho các bệnh nhân”, Bảo Trâm nhớ lại.

Sau sự thành công ở đợt phát cơm đầu tiên, hoạt động ý nghĩa của các bạn đã được lan tỏa trên mạng xã hội và có thêm nhiều thành viên khác xin tham gia. Từ đó, để có thể hoạt động chuyên nghiệp hơn cũng như có một tên gọi chính danh, câu lạc bộ “Cơm có tình” đã chính thức được ra đời.

Từ một nhóm nhỏ gồm 7 sinh viên tập hợp lại với mục đích tự nấu cơm và phát cơm thiện nguyện, hiện nay số lượng thành viên câu lạc bộ “Cơm có tình” đã được 14 người. Mỗi tháng, các thành viên sẽ để dành một khoảng tiền nhỏ từ công việc làm thêm của mình góp vào quỹ hoạt động. Câu lạc bộ cũng phân ra các ban kỹ thuật, hậu cần, nấu ăn và tài chính. Mỗi đợt, Cẩm Trâm đảm nhiệm phần lên kế hoạch rồi sau đó phân công nhiệm vụ cho các bạn thực hiện.

Những suất cơm do các bạn sinh viên nấu tặng cho người nghèo. Ảnh: Minh Vũ.

Những suất cơm do các bạn sinh viên nấu tặng cho người nghèo. Ảnh: Minh Vũ.

Cẩm Trâm chia sẻ: “Đây là tâm huyết, là đứa con tinh thần mà tụi em muốn tự tay xây dựng để ngày càng phát triển. Do đó tụi em muốn tự tay mình chuẩn bị tất cả các khâu, từ lên kế hoạch cho đến đi chợ, nấu cơm, bỏ vào hộp rồi tự tay phát cho mọi người”.

Cùng tham gia nhóm “Cơm có tình”, sinh viên Lê Đỗ Quỳnh Hương tâm sự: “Dù làm cơm xong mệt nhưng nhìn thấy thành quả là những hộp cơm được trao đến tay các cô chú khó khăn thì tụi em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Câu lạc bộ bọn em đến với nhau trên tinh thần tự nguyện và vì cái tâm nên em nghĩ nó sẽ vững bền”.

Suất cơm được trao đến tay những lao động nghèo. Ảnh: Minh Vũ.

Suất cơm được trao đến tay những lao động nghèo. Ảnh: Minh Vũ.

Cô Huỳnh Thị Nghĩa (SN 1977), một trong những người đầu tiên nhận suất cơm thiện nguyện chia sẻ, cô bán hàng rong ở đây lâu lâu cũng nhận được cơm từ thiện nhưng đây là lần đầu tiên cô nhận được cơm của sinh viên phát. “Mấy cháu phát cơm nhiệt tình lắm, người nào đến lấy cơm mấy cháu cũng hỏi thăm rất tình cảm. Tụi nó còn dặn cô là có biết ai quen ai mà gặp khó khăn thì giới thiệu đến đây lấy cơm”, cô Nghĩa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.