'Cái khó ló cái khôn' ở A Mú Sung

GD&TĐ - Mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” ở A Mú Sung hình thành trong muôn vàn khó khăn. Nó đã phát huy hiệu quả, trở thành một “doanh trại quân đội”, giúp các em phát triển toàn diện cả kiến thức lẫn kỹ năng sống.

Học sinh lớp 3 đọc sách trong không gian đọc sách tại sân trường.
Học sinh lớp 3 đọc sách trong không gian đọc sách tại sân trường.

Từ khó khăn chồng chất

Từ trung tâm thành phố Lào Cai theo hướng Bắc, đi khoảng 70 km theo Tỉnh lộ 156, ta sẽ tới Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đúng giờ ngoại khóa, học sinh đang cùng nhau tập thể dục nhịp điệu. Sau bài tập, mỗi góc lại có một nhóm “túm năm, tụm ba”, chỗ thì kéo co, lại có nơi nhảy dây, đá bóng... Một nhóm nhỏ học sinh lớp 3 tập trung dưới tán cây đọc sách.

Thầy Vi Hoài Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - kể: “Những năm trước, trường chỉ nhận học sinh bán trú từ lớp 5. Nhưng hiện nay có nhiều thay đổi, nhất là môn Công nghệ, Tin học và Tiếng Anh cấp tiểu học. Ở các điểm trường không đủ cơ sở vật chất, nên năm nay, tôi đã mạnh dạn đưa hết các em lớp 3 ở những điểm lẻ về đây học bán trú. Mọi điều kiện về cơ sở vật chất còn rất khó khăn, nhưng khó hơn cả là rèn các em chưa vào nền nếp”.

“Trường có 572 học sinh, từ lớp 3 - 9. Các em ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, hai ngày cuối tuần mới được về nhà. Mọi sinh hoạt trong ngày, từ 5 giờ - 21 giờ 30 phút đều phải tự túc. Từ học văn hóa, hoạt động thể chất, rèn luyện kỹ năng sống và cùng tham gia canh tác, trồng rau nuôi gà. Đặc biệt các em lớp 7, lớp 8 và lớp 9 còn tham gia hái và sao chè trong hoạt động trải nghiệm hằng tuần… Đó là mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” do nhà trường xây dựng dưới sự nỗ lực của tập thể sư phạm”, thầy Thanh chia sẻ thêm.

“Sản phẩm” của học sinh lớp 3 sau thời gian ngắn rèn luyện.

“Sản phẩm” của học sinh lớp 3 sau thời gian ngắn rèn luyện.

Cô Nguyễn Thị Vệ - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A - cho biết: “Hầu hết các em đều là người dân tộc thiểu số. Khi mới từ điểm lẻ lên đây, các em còn bỡ ngỡ. Thời gian đầu, ăn, ngủ, sinh hoạt thiếu tổ chức. Có em không biết tự tắm gội, giặt quần áo, gấp chăn màn, dọn dẹp phòng ở và lớp học. Nhiều em không biết sử dụng nhà vệ sinh tự hoại. Có em cứ ngủ là “tè dầm”, rồi thì khóc suốt đêm vì nhớ nhà. Quan sát kỹ lại thấy có nhiều em cứ hết giờ học lại ra cổng trường đứng khóc đợi bố mẹ đón…”.

Thầy Phùng Đức Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Một tháng đầu tiên của năm học là khoảng thời gian vất vả nhất. Giáo viên vừa lo giáo án, vừa phải rèn các em theo nền nếp. Việc rèn kỹ năng cho học sinh lớp 3 để sớm hòa nhập quả thực là bài toán khó”.

Bài thể dục nhịp điệu trong hoạt động thể chất của học sinh.

Bài thể dục nhịp điệu trong hoạt động thể chất của học sinh.

Nhà ở thành…“doanh trại quân đội”

“Đúng 5 giờ, trống báo, học sinh bắt đầu dậy. Các em tự gấp chăn, màn, vệ sinh cá nhân rồi ra sân trường tập thể dục. Hơn 6 giờ, tất cả cùng nhau ăn sáng, xếp hàng rửa bát và đến chừng hơn 7 giờ, các em trong trang phục chỉnh tề để lên lớp học bài. Buổi chiều các em lại cùng nhau tham gia chăm sóc vườn rau, chăm con lợn, con gà. Tối đến, sau bữa cơm chiều, tất cả tự học bài cho đến 21 giờ 30 phút mới tắt đèn đi ngủ. Ở đây, ngày nào cũng thế.

Riêng học sinh lớp 9, đang trong thời gian ôn thi vào lớp 10 thì được chăm sóc đặc biệt. Các em đi ngủ muộn hơn, ở một khu riêng biệt. Trước khi đi ngủ sẽ được ăn thêm bát mì tôm trứng để bảo đảm sức khỏe. Tất cả hoạt động trong ngày của học sinh toàn trường đều thực hiện theo hiệu lệnh trống”, thầy Thanh cho biết.

Một sáng thức dậy, sau hiệu lệnh trống vang lên lúc 5 giờ, tôi cùng thầy Phạm Văn Trọng đến khu nhà ở của học sinh lớp 3. Thật bất ngờ khi các em gấp chăn, màn vuông vắn như trong doanh trại quân đội. Thầy Trọng thông tin: “Chúng tôi đã rất may mắn vì có sự giúp đỡ của những người lính ở Đoàn kinh tế 345. Họ hướng dẫn các em cách gấp chăn vuông vắn gọn gàng, rồi cả các thao tác để dọn dẹp phòng ở. Các chú bộ đội cũng hướng dẫn học sinh cách phân công lịch trực. Hiệu quả trông thấy rất rõ”.

Một buổi hái chè của học sinh lớp 8.

Một buổi hái chè của học sinh lớp 8.

Cô Vệ cho biết thêm: “Ngoài hướng dẫn, chúng tôi còn giám sát các em để bảo ban kịp thời. Ví dụ như cách dùng bàn chải đánh răng, cách cầm chổi quét nhà, lau nhà. Thậm chí có những hôm tôi phải ngủ lại trường để gần gũi, tâm sự, động viên, vỗ về những em hay khóc nhè và đòi về nhà. Hay như trường hợp một em cứ đi ngủ là “tè dầm” chẳng hạn. Nhà chỉ có bố, kinh tế lại thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tôi đã đưa em đi khám bác sĩ và điều trị. Cũng nhờ sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên trong trường mà chỉ sau hơn 1 tháng, mọi hoạt động của các em đã vào nền nếp”.

Trong những ngày ít ỏi ở trường, tôi cùng nhóm học sinh lên đồi hái chè. Các em hướng dẫn tôi rất tỉ mỉ như những người nông dân chuyên nghiệp. “Một tôm hai lá cô nhé! Đây là kỹ thuật chọn búp chè ngon mà các thầy dạy chúng em”, một em trong nhóm hồ hởi hướng dẫn.

Sau buổi thu hái, chúng tôi cùng nhau mang thành quả về, cho vào hệ thống sao chế của trường. Trước sự hướng dẫn rất tỉ mỉ của giáo viên, sau mấy tiếng đồng hồ, chè thành phẩm đã được ra lò. Một ấm trà đậm đà được pha lên, tỏa hương thơm nhẹ với màu nước xanh hấp dẫn. “Đây là giống chè Kim Tiên, đặc sản của A Mú Sung”, thầy Thanh cho hay.

Theo thầy Phùng Đức Giang, mọi sinh hoạt của học sinh trong một ngày là quy trình khép kín trong mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Mô hình này xây dựng với mục tiêu giúp các em đến trường được phát triển toàn diện. Các em vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng sống. “Chúng tôi cũng lồng ghép các mô hình canh tác phù hợp. Đặc biệt, A Mú Sung có đặc sản là cây chè. Nên chúng tôi đã dạy cho các em kỹ thuật hái chè và sao chè theo quy trình khoa học. Để khi học hết THCS, các em không đi học tiếp hoặc không đủ điều kiện học tiếp vẫn hoàn toàn có thể giúp bố mẹ phát triển kinh tế”, thầy Giang nói.

Chăm sóc vườn rau trong “Trường học nông trại” sau những buổi học.

Chăm sóc vườn rau trong “Trường học nông trại” sau những buổi học.

Ươm mầm 25 thế hệ học sinh bán trú

“Chúng tôi ở đây với các em cả tuần. Con của chúng tôi cũng ở cả tuần trong một ngôi trường khác. Vì thế, chúng tôi tự bù đắp nỗi nhớ con, nhớ nhà bằng tình yêu dành cho các con ở đây. Ngôi trường này, chúng tôi đã tiễn chân 25 thế hệ học sinh bán trú rồi. Có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, quay trở lại, làm cán bộ xã, cán bộ huyện và cả ở tỉnh nữa”, cô Vệ vui vẻ nói.

Thầy Phùng Khắc Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - góp thêm: “Nhà tôi ở miền xuôi, lên đây công tác cũng hơn 20 năm rồi. Thời gian đầu tôi cũng nản lắm! Ngày xưa đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, có khi đi từ trung tâm thành phố lên đây mất đến nửa ngày đường. Nhưng thời gian trôi qua, tôi càng thấy mình thật sự yêu mảnh đất này và muốn gắn bó”.

Ngôi trường miền biên ải với sự sáng tạo của cả thầy và trò trong suốt bao năm qua đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Năm 2020, học sinh nhà trường đã giành Huy chương Vàng trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ 16. Đó là mô hình Di sản Văn hóa người Dao ở Lào Cai. Còn năm 2021 là giải Nhì cấp tỉnh trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên với mô hình Du lịch sinh thái xã A Mú Sung.

Thầy Giang chia sẻ thêm: “Mô hình hoạt động của nhà trường đã được nhiều trường cùng cấp đến học tập và nhân bản. Với lợi thế về khí hậu và mô hình cũng đã hoạt động “nhuần nhuyễn” qua nhiều năm nay nên giờ chúng tôi vẫn nhận được những đề nghị từ các trường miền xuôi. Họ mong muốn gửi gắm con em đến trải nghiệm mùa hè xanh ở đây”.

Ông Ma Seo Củi – Chủ tịch UBND xã A Mú Sung - cho biết: Sau khi đưa mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” vào hoạt động, tỷ lệ chuyên cần của trường đạt 97 - 98%, đạt tốp đầu của huyện. Ở đây, các cháu tự tăng gia, trồng trọt để có thực phẩm bổ sung cho bữa ăn, vừa có nguồn quỹ để tiết kiệm. Chúng tôi luôn vận động, khuyến khích các cháu chuyên cần học tập để phát triển nguồn nhân lực cho địa phương trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ