Cái kết của những 'gã khổng lồ bay'

GD&TĐ - Trong suốt nhiều thập kỷ, Boeing 747 là mẫu máy bay thương mại lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau hơn nửa thế kỷ ra mắt, chiếc máy bay khổng lồ được mệnh danh là Jumbo Jet (Boeing 747) cuối cùng đã được nhà sản xuất nước Mỹ xuất xưởng trong tuần này tại một nhà máy ở bang Washington.

Chiếc Boeing 747 này đã rời nhà máy của công ty ở Everett, bang Washington hôm 6/12 để chuyển giao cho khách hàng là hãng vận tải hàng hóa Atlas Air.

Đây là một trong 4 chiếc 747 mà Atlas Air đã đặt hàng Boeing hồi đầu năm 2022. Sự kiện này cũng đánh dấu sự kết thúc của dây chuyền sản xuất một trong những mẫu máy bay nổi tiếng nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Kể từ khi ra mắt năm 1969, Boeing 747 đã đảm nhận nhiều vai trò như máy bay chở hàng, máy bay chở khách với gần 500 ghế. Đây cũng chính là mẫu máy bay được lựa chọn để hoán chuyển thành chuyên cơ của các đời tổng thống Mỹ gần đây với tên gọi Air Force One.

Trong suốt nhiều thập kỷ, Boeing 747 là mẫu máy bay thương mại lớn nhất thế giới cho đến khi chiếc Airbus A380 được đưa vào khai thác thương mại năm 2007. Những chiếc Boeing 747 nổi bật trên khắp thế giới nhờ chiều cao vượt trội so với bất kỳ mẫu máy bay chở khách nào khác và được mệnh danh là “nữ hoàng bầu trời”.

Chiều cao ấn tượng của mẫu máy bay này là do có thêm tầng thứ hai kéo dài từ buồng lái đến 1/3 thân trước của máy bay, khiến nó có thiết kế bên ngoài như có một cái bướu đặc biệt giúp những chiếc Boeing 747 rất dễ nhận biết. Cũng do thiết kế đặc biệt này này nên Boeing 747 còn được đặt biệt danh là “Chú voi bay” (Jumbo Jet).

Tổng cộng đã có 1.574 chiếc Boeing 747 các đời khác nhau được xuất xưởng đưa vào phục vụ ngành hàng không thế giới và nhận được sự yêu thích của cả khách hàng và các hãng vận chuyển trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi đã dần khiến các mẫu máy bay siêu lớn này không còn được chào đón như trước đây.

Thời điểm năm 2007 khi đối thủ của Boeing 747 là mẫu Airbus A380 hai tầng được đưa vào khai thác, những chiếc máy bay khổng lồ này còn được coi là tương lai của ngành hàng không. Các hãng hàng không đổ xô mua Airbus A380 để làm dòng máy bay cao cấp của mình như Emirates, Etihad, Qatar Airways, Quantas, Singapore Airlines… với những tiện nghi chưa từng có như phòng ngủ riêng, phòng tắm trên máy bay.

Nhưng vòng đời sản phẩm của Airbus A380 còn ngắn hơn nhiều so với người anh em khổng lồ của nó trên bầu trời là Boeing 747. Nhà sản xuất châu Âu Airbus đã đóng dây chuyền sản xuất mẫu A380 tại Toulouse từ năm 2021 dù còn chưa thu hồi đủ 25 tỷ euro chi phí đầu tư phát triển, sớm hơn Boeing đóng dây chuyền 747 một năm.

Hiện nay, các hãng hàng không lớn vẫn đang tiếp tục vận hành những chiếc máy bay khổng lồ Boeing 747 và Airbus A380 của mình nhưng đang giảm dần quy mô và hướng tới loại bỏ chúng khỏi đội bay trong tương lai, do chi phí vận hành và khai thác quá cao, trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng.

Hiện, Boeing và Airbus cũng chuyển hướng tập trung vào sản xuất các dòng máy bay đường dài tiết kiệm nhiên liệu hơn như Airbus A350, Boeing 787 hay Boeing 777X. Đơn đặt hàng máy bay lớn của các hãng hàng không giờ đây cũng chỉ tập trung vào các dòng phi cơ này.

Trong bối cảnh giá dầu biến động không ngừng và các yêu cầu về phát thải mới, các hãng hàng không cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn khi khai thác các dòng máy bay tầm xa hai động cơ so với sử dụng những mẫu máy bay 4 động cơ khổng lồ như Boeing 747 và Airbus A380. Đây chính là lý do chính khiến chúng bị nhà sản xuất lẫn các nhà khai thác “khai tử” trên thị trường hàng không thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.