Ai sẽ cần chiếc máy bay khổng lồ dài 84m?

GD&TĐ - Ước tính có khoảng 20.000 người đã đổ đến sân bay Perth để xem chiếc máy bay khổng lồ Antonov hạ cánh, trong chuyến bay đến Australia lần đầu tiên hôm 16/5.

Ai sẽ cần chiếc máy bay khổng lồ dài 84m?

Chiếc máy bay hiện đang nắm giữ kỷ lục lớn nhất thế giới, được lắp ráp cho mục đích chuyên chở tàu vũ trụ con thoi của Liên Xô 27 năm trước, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nó thuộc quyền sử dụng của Ukraine và sử dụng cho mục đích vận tải hàng hóa. Chiếc máy bay do hãng Antonov chế tạo và có ký hiệu An-225 hay còn gọi Mriya (Theo tiếng Ukraine nghĩa là “giấc mơ”).

Chiếc An-225 có chiều dài 84m với sải cánh 88m và trọng lượng lên đến 175 tấn. Nó là chiếc máy bay có thân cũng như sải cách dài nhất thế giới, ngoài ra chiếc máy bay này là nhà vô địch về sức chuyên chở với khoang bên trong thân dài 43m và có thể chở 50 chiếc xe hơi. Trong chuyến bay đến thành phố Perth (Australia) hôm 16/5, chiếc máy bay vận chuyển một máy phát điện nặng 117 tấn từ Cộng hòa Séc.

“Bạn sẽ không thể thấy nó thường xuyên, vì chiếc An-225 chỉ phục vụ cho những nhiệm vụ rất hạn chế” - Laure Price, Giám đốc chiến lược của Mott MacDonald Aviation nói – “Đối với đại đa số hàng hóa trên thị trường, thường được vận chuyển bằng những chiếc Boeing 747, nhưng An-225 sẽ thay thế cho chiếc 747 mang hàng hóa siêu trọng”.

Được thiết kế tại Ukraine để mang tàu con thoi Buran của Liên Xô trên lưng, chiếc Antonov thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình vào năm 1988, đi vào phục vụ một năm sau đó. Kế hoạch chế tạo nhiều hơn đã bị ngưng lại do sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của chương trình tàu con thoi. Chiếc máy bay được sửa chữa vào năm 1994 và đưa vào sử dụng vào năm 2001. Kể từ đó, nó được sử dụng cho các nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp, bao gồm các trận động đất tại Haiti năm 2010 và thảm họa sóng thần Nhật Bản năm 2011. Trong vụ sóng thần tại Samoan thuộc Mỹ năm 2009, nó đã chở một máy phát điện lớn cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Sáu động cơ của chiếc An-225 có thể mang một lượng hàng hóa nặng 250 tấn, gần gấp đôi so với tải trọng 140 tấn của máy bay Boeing 747 - 800 và 65 tấn cho Airbus 330. Cửa của nó nằm ở đầu máy bay, có thể mở ra với chiều rộng 6,4m trong khi đó chiếc Boeing 747 - 800 chỉ rộng 3,4m.

Trong khi những hàng hóa kích thước và khối lượng lớn được chở bằng đường biển với chi phí thấp, thì chiếc An-225 có vẻ bị mất ưu thế vì chi phí cho một chuyến hàng khá cao. Nhưng theo Laure Price, chiếc máy bay giúp rút ngắn thời gian xuống rất nhiều và nó được thiết kế để hạ cánh xuống những đường băng ngắn như những máy bay cỡ trung khác.

Trên thế giới trước đó cũng từng có một máy bay lớn hơn An-225, có tên Spruce Goose, được thiết kế bởi nhà triệu phú Mỹ Howard Hughes. Nó có sải cánh dài 98m hơn 10m so với chiếc An-225. Spruce Goose cho đến nay vẫn được xem là chiếc máy bay lớn nhất do con người chế tạo, nhưng nó chỉ thực hiện duy nhất một lần bay vào năm 1947.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.