Cải cách giáo dục - Gánh nặng cho giáo viên Trung Quốc

GD&TĐ - Cuộc khảo sát do Viện Giáo dục và Phát triển Xã hội Trung Quốc công bố đầu tháng 3 cho thấy kỳ vọng của phụ huynh đối với con cái vẫn ở mức cao bất chấp lệnh cấm dạy thêm vì lợi nhuận.

Học sinh Trung Quốc được ngủ nhiều hơn sau chính sách “giảm kép”.
Học sinh Trung Quốc được ngủ nhiều hơn sau chính sách “giảm kép”.

Sau gần một năm thực hiện chính sách “giảm kép”, các chuyên gia giáo dục Trung Quốc đang từng bước đánh giá hiệu quả của mô hình này. Theo chính sách “giảm kép”, Bắc Kinh đã cấm dạy thêm các môn văn hóa sau giờ học, triển khai chương trình giáo dục tăng cường do chính phủ tài trợ.

Đồng thời, học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, ngoài trời. Những thay đổi sâu rộng trên làm gia tăng áp lực đối với giáo viên nhưng không làm giảm kỳ vọng của phụ huynh dành cho con cái.

Đầu tháng 3, Viện Giáo dục và Phát triển Xã hội Trung Quốc công bố khảo sát công chúng trước chính sách “giảm kép” và tác động đối với lĩnh vực giáo dục quốc gia. Khảo sát thăm dò ý kiến của gần 1,7 triệu người có liên quan đến cải cách gồm gần 230.000 giáo viên, hơn 1 triệu phụ huynh tại 31 tỉnh, thành phố.

Kết quả chỉ ra rằng, 90% người tham gia khảo sát ủng hộ những thay đổi trong chính sách “giảm kép”. Gần 70% phụ huynh nhận xét chất lượng giấc ngủ của con cái được cải thiện.

Ước tính, học sinh tiểu học ngủ trung bình 9,3 tiếng vào các buổi tối trong tuần, nhiều hơn học sinh trung học gần 1 tiếng. Khoảng 83% học sinh tham gia khảo sát cho biết không học thêm ngoài giờ học sau chính sách “giảm kép”. Tuy nhiên, một số khó khăn và thách thức vẫn đang tồn tại.

Khoảng 82% học sinh có thể hoàn thành bài tập tại trường do yêu cầu giảm khối lượng bài tập về nhà. Nhưng việc này đang đặt áp lực lên giáo viên. Khoảng 74% giáo viên cho biết phải tăng thời gian làm việc để thiết kế bài tập về nhà ngắn gọn, súc tích và hiệu quả hơn trước.

47% giáo viên làm việc hơn 40 giờ một tuần trong khi 60% phản ánh khối lượng công việc ngoài giờ lên lớp cao hơn bình thường. Hơn 70% giáo viên cho biết phải làm những công việc không liên quan đến giảng dạy nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Kết quả báo cáo được các chuyên gia giáo dục đánh giá là sát với thực tế hiện nay. Sau khi trung tâm dạy thêm ngoài giờ học phải dừng hoạt động, gánh nặng chăm sóc trẻ sau giờ học và học ngoại khóa đặt lên vai phụ huynh và nhà trường.

Chính quyền thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh tổ chức các lớp học tăng cường sau giờ học tại trường, câu lạc bộ ngoại khóa trong thời gian học sinh chờ bố mẹ đón. Trên nền tảng trực tuyến, học sinh có thể đăng ký dịch vụ dạy kèm miễn phí với giáo viên nhà trường.

Tại Bắc Kinh, giáo viên tình nguyện dạy trực tuyến được hứa trả 50.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng) mỗi học kỳ. Nhưng khoảng 20% giáo viên phản ánh không nhận được khoản trợ cấp này. Khoảng 12,7% trường học chưa nhận được kinh phí tổ chức hoạt động sau giờ học.

Ngoài ra, chính sách “giảm kép” dường như không thay đổi bản chất cạnh tranh của hệ thống giáo dục Trung Quốc hay loại bỏ lo lắng của phụ huynh về thành công của con cái. 50% học sinh được hỏi cho biết vẫn cảm thấy căng thẳng trước kỳ vọng của gia đình.

Hơn 90% phụ huynh mong muốn con cái trúng tuyển đại học hàng đầu. 30% phụ huynh phản đối việc học nghề dù Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện giáo dục nghề nghiệp.

Theo SupChina

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.