Nó có thể đi ngủ hay thức dậy bất kỳ lúc nào, ăn hay không ăn bất kỳ món nào tùy thích. Học bài hay đi chơi cũng không còn phải nghe những lời cằn nhằn, quát tháo của mẹ và sự thúc giục, khuyên nhủ của cha.
Được sống tự do là mong ước từ rất lâu và hôm nay là ngày đầu tiên nó thực hiện được mong ước đó. Nó thực sự chìm đắm trong niềm vui sướng, thư thái của cuộc sống tự do và cứ nằm tận hưởng cảm giác tuyệt vời này, mặc dù bụng đói cồn cào...
Có lẽ, khi được sống quá lâu trong vòng tay yêu thương của cha mẹ làm cho nó ngộ tưởng rằng bản thân mình đang dần mất đi tự do cá nhân. Sự quan tâm, chăm chút đến từng chi tiết của cha mẹ trở thành nỗi khó chịu. Sự ân cần trở thành thừa thãi, thái quá.
Mọi nỗ lực của cha mẹ nhằm bảo vệ, che chắn từ mọi phía trở thành những ràng buộc khó chịu... Bỗng nhiên một ngày kia, bước ra khỏi vòng an toàn, yêu thương, chăm sóc kỳ diệu ấy nó lại ngộ nhận thêm một lần nữa rằng: “Mình vừa thoát khỏi sự kiểm soát thái quá, không cần thiết của cha mẹ. Giờ đây, ơn trời! Mình đã được tự do. Thật là sung sướng biết bao nhiêu”...
Nó vẫn nằm dài trên giường khi nghe tiếng chuông điện thoại của mẹ gọi, vui vẻ trả lời cho qua chuyện rồi ngồi dậy đi nấu cơm tối. Ngay cả cái việc được tự mình nấu cơm tối cũng làm cho nó cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Nó lôi bao rau, củ trong âm vang lời mẹ dặn: “Lên đến phòng trọ thì mở bao rau ra ngay, mở hết túi nilon, để gọn gàng vào chỗ mát rồi nấu ăn dần nghe bé”. Sau khi mở lạt buộc miệng bao, nó kéo thật mạnh làm cà chua, khoai tây, cà rốt... văng tung tóe. Nó bật cười trong khoan khoái khi nhìn rau củ lăn tự do như cảm xúc của nó lúc này...
Không thèm thu nhặt mớ rau củ lăn lóc khắp sàn nhà, nó mở bao gạo và nhớ lời dặn dò hơi thái quá của cha: “Con phải thực sự cẩn thận kẻo làm mất bao gạo nha”. Nó vừa đưa tay vào bốc gạo để nấu cơm thì giật bắn mình mình khi đầu ngón tay chạm phải một vật thể lạ vùi trong đó. Nó cẩn trọng cào lớp gạo, lần tìm.
Thì ra là một bọc giấy nhỏ được cuốn bao nilon nhiều lớp một cách cẩn thận và chắc chắn. Nó cầm bọc giấy trên tay với sự tò mò lớn dần trong đầu một cô bé mười tám tuổi. “Không biết mẹ bỏ cái gì trong này mà không thấy nói chi?”.
Từng lớp bao nilon được mở ra một cách khó khăn để lộ lớp giấy vở học sinh màu trắng, cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Nó cẩn thận mở gói giấy và giật mình khi nhìn thấy bên trong lớp giấy là một cục tiền được gấp cẩn thận, ngay ngắn, phẳng phiu.
“Sao mẹ lại bỏ tiền vào đây nhỉ? Trước khi đi mẹ đã cho một trăm ngàn đồng và không quên cằn nhằn: Cha mẹ làm lụng vất vả mới có được đồng tiền, lên thành phố học phải cố gắng học cho giỏi, tiêu xài tiết kiệm nha con. Chia tiền ra mua thức ăn trong một tuần, tuần sau về lấy gạo mẹ lại cho”.
Chưa kịp giải thích được thắc mắc của mình, nó nhìn thấy dòng chữ nguệch ngoạc ghi trên tờ giấy: “Tiền này, cha cho thêm. Con đừng nói cho mẹ biết. Con mua thêm thức ăn mà ăn cho có sức khỏe, mua sách mà học”.
Đôi bàn tay nó run run, sống mũi nó cay cay, mắt nó nhòe lệ... Nó ôm tờ giấy và nắm tiền lẻ vào lòng, tim thổn thức, miệng nói không nên lời: “Cha ơi Cha”... Cả đời cha chỉ biết cặm cụi làm việc trên đồng. Trước những lời cằn nhằn, to tiếng của mẹ, cha chỉ mỉm cười và yên lặng.
Mỗi khi con bị mẹ la mắng, cha chỉ âm thầm ngồi bên cạnh và nói: “Thôi cố gắng lên con à, mẹ nói đúng đấy. Mẹ thương con lắm nên mới làm vậy. Tất cả những lời la mắng, cáu gắt, thậm chí là chửi bới của mẹ đều là những yêu thương vô hạn mà chỉ có mẹ mới có thể dành cho con.
Duy nhất, có một điều con phải nhớ và cảm thông cho mẹ là: Mẹ con sinh ra và lớn lên trong đói khổ, mẹ không được đi học, cả đời mẹ không bước chân ra khỏi lũy tre làng nên mẹ không biết cách thể hiện tình yêu của mẹ dành cho con một cách ngọt ngào, tinh tế”...
Tất cả những lời cha nói về mẹ, nó đều phớt qua và vội vàng lãng quên như một cơn gió. Nó cho rằng, đó chỉ là những lời bào chữa của cha đối với sự hà khắc của mẹ, một lời động viên không có tác dụng gì với mình.
Hôm nay, nó cảm thấy ngỡ ngàng và khâm phục cha vô cùng. Thì ra, từ trước đến giờ nó thường xuyên được nghe những lời khuyên, những bài học giản dị nhưng vô cùng quý giá từ một “triết gia không biết chữ” nhưng vô cùng vĩ đại đối với cuộc đời nó và cả mẹ nữa mà nó hoàn toàn không hề hay biết...
Cha giấu tiền trong gạo, cha thương con nhưng âm thầm không nói, cha giấu thương trong lòng... Cha cho con thấy được: Cuộc đời này có những thứ lung linh, lấp lánh như kim tuyến nhưng đôi khi không mang lại giá trị gì.
Ngược lại, có những thứ đen đủi, lầm lũi, thô kệch như than lại có khả năng thắp sáng cả bầu trời đen tối và sưởi ấm cả đêm Đông buốt giá. Cha mẹ lấm lem, quê mùa nhưng lại là người duy nhất trên cõi đời này có đủ khả năng che chở, yêu thương, mang ánh sáng, niềm mơ ước và tương lai đến với cuộc đời con.
Nó cúi xuống nhặt từng củ khoai tây, cà chua, cà rốt... xếp ngay ngắn vào một góc phòng trọ. Trong đầu nó âm vang những lời dặn dò của cha mẹ... Những lời yêu thương, quý giá vô cùng mà cần phải trải qua một thời gian dài, với nhiều biến cố, nhiều trải nghiệm cuộc sống mới có thể nhận ra.
Như tìm thấy ngọc ẩn trong đá, nó nhận ra rằng: Cuộc đời chỉ thực sự được tự do, an toàn, vui sướng và hạnh phúc khi được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Ôm sát những nét chữ của cha vào tim, nó nức nở tự hứa với lòng mình: “Cha mẹ ơi, cha mẹ cứ yên lòng, con sẽ quyết tâm học tập thật tốt, sống có ích để trở thành cục than ủ ấm trong lòng cha mẹ”...