Café ngày mới: 50 năm hòa bình

GD&TĐ - Con người chúng ta, xét cho cùng mong ước lớn nhất của cuộc đời là được cuộc sống bình yên mỗi ngày.

Cầu Ba Son (TP Hồ Chí Minh) rực rỡ về đêm. Ảnh: Bình Thanh
Cầu Ba Son (TP Hồ Chí Minh) rực rỡ về đêm. Ảnh: Bình Thanh

Trong bài hát “Chúng em cần hòa bình”, tác giả Hoàng Long, Hoàng Lân đã viết:

“Chúng em cần bầu trời hòa bình

Chúng em cần bầu trời hòa bình

Trên Trái đất không còn chiến tranh

Chúng em cần bầu trời hòa bình

Chúng em cần bầu trời hòa bình

Không còn tiếng súng tiếng bom trên hành tinh”.

Hòa bình - hai tiếng ấy thật thiêng liêng, quý giá biết bao!

Con người chúng ta, xét cho cùng mong ước lớn nhất của cuộc đời là được cuộc sống bình yên mỗi ngày. Chiến tranh, bom đạn, chết chóc, ly tán là nỗi khiếp sợ, ám ảnh chung của cả nhân loại. Hay nói cách khác, bầu trời hòa bình, con người tự do, đất nước độc lập, thống nhất là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người. Dĩ nhiên, cái giá của hòa bình là hi sinh, mất mát, là đầu rơi, máu đổ; cái giá của niềm hân hoan là bao nước mắt lệ nhòa.

Để có một Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải, biết bao thanh niên trai tráng ra trận, biết bao sinh viên gác bút nghiên xung phong vào tiền tuyến, biết bao thiếu nữ để lại tuổi xuân nơi chiến trường. Mẹ mất con, vợ mất chồng, Tổ quốc mất đi bao công dân ưu tú.

Những hi sinh ấy, những máu xương ấy làm nên một Việt Nam hình chữ S trọn vẹn. Những cái ôm, những cái siết chặt tay tưởng như rất bình thường nhưng đã phải rất lâu chờ đợi. Những cuộc đoàn viên Nam - Bắc lịch sử chẳng thể nào quên. Khoảng cách địa lý không bao xa mà có những cảnh suốt một đời chẳng thể gặp được nhau. Sum họp là hai từ chỉ tồn tại cùng với bao thời gian chờ đợi.

Mùa Xuân năm 1975 ấy là mùa Xuân đặc biệt nhất. Có mùa Xuân nào đẹp như Xuân đại thắng năm ấy? Có nước mắt nào hạnh phúc như giọt lệ ngấn mi ngày đoàn viên? Có khoảnh khắc nào vỡ òa như phút giây của ngày tháng Tư lịch sử? Năm mươi năm qua mà cứ ngỡ như vừa mới đây. Khắp nơi rực rỡ cờ hoa.

Ánh mắt chan chứa niềm hạnh phúc. Miệng cười mà lòng hân hoan. Không còn là những đêm không ngủ hành quân, mà là những đêm trắng cùng nhau ôn lại ký ức mất mát, để cùng vui ngày đoàn tụ. Không còn những xiềng xích, gông cùm, mà là những cái ôm hạnh phúc đã mất mấy chục năm mong nhớ.

Không còn là mảnh đất chia hai, mà là một đất nước thống nhất. Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt, “vành đai trắng” của bão đạn, mưa bom; từ nay xanh lại bầu trời, núi sông hòa bình. Quả là:

“Rợp cờ hoa nối từ Nam ra Bắc

Mẹ đón con, vợ nắm chắc tay chồng

Niềm vui vỡ òa cả dưới đất trên không

Lòng náo nức của con Rồng cháu Lạc”.

(Thơ Hồ Như)

50 năm đi qua trong niềm tự hào. 50 năm đi qua của hòa bình, thống nhất. Chúng ta thật sự hạnh phúc vì qua 50 năm ấy, bầu trời quê hương vẫn xanh màu hòa bình, núi sông vẫn bình yên từng gang tấc. Trên thế giới, hiện vẫn còn nhiều quốc gia, khu vực còn bom đạn chiến tranh, nhiều tranh chấp chưa thể giải quyết; người dân sống trong nỗi ám ảnh của chết chóc, ly tán.

Sống trong sự tự hào và niềm hạnh phúc ấy, mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, tự hỏi rằng mình sẽ làm gì cho hòa bình ấy mãi trường tồn, cho thống nhất mãi đi cùng lịch sử; hơn thế, cho hòa bình đi cùng với phát triển, hùng mạnh, đẹp giàu.

Lớp lớp cha ông đã ngã xuống, thấm máu đào vào từng tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ, sông nước; cho đất mẹ hòa bình, cho cháu con sống cuộc đời tự do, cho một Việt Nam thống nhất. Họ đã “giữ nước”, mỗi chúng ta cần “dựng nước”.

Tiếp nối truyền thống, thế hệ trẻ chúng ta cần hành động tích cực và kịp thời. Hòa bình, thống nhất đã mãn, chúng ta cần một Việt Nam hiện đại, tiên tiến, “sánh vai với các cường quốc năm châu” về kinh tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.

Trong bài viết “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” (2006) tác giả Dương Trung Quốc đã viết: “Nếu tâm thế của ta nhỏ thì đáng là nước ta nhỏ, nếu chỉ bó mình trong những ước vọng chật hẹp thì mục tiêu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu là vô vọng. Còn như tâm thế ta lớn thì dám làm cái lớn và sẽ làm cho nước ta lớn, như cha ông ta đã tư duy và hành xử”.

Như thế, mỗi chúng ta cần thấm thía rằng, nước nhỏ hay nước lớn không nằm ở diện tích, cương vực; mà hơn hết ở “tư duy và hành xử”. Hay nói cách khác, muốn đất nước lớn mạnh, mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải không ngừng phấn đấu nỗ lực; góp sức, góp trí để dựng xây.

Chúng ta hãy nỗ lực không ngừng nghỉ để chiếm lĩnh tri thức, kết hợp với thực hành, sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật. Mỗi công dân dám tự tin vươn mình thoát khỏi cái nhỏ của nghèo nàn, lạc hậu để lớn mạnh thì chắc chắn quốc gia, dân tộc sẽ hùng cường. Muốn thế, mỗi chúng ta hãy luôn ý thức rằng:

“Dòng máu nóng thắp lên niềm tin

Bao khát khao bao đam mê bùng cháy

Nhìn thế giới bao đổi thay

Hãy gắng lên hỡi thanh niên Việt Nam”.

(Bay lên thế hệ trẻ Việt Nam - Thơ Nguyễn Lãm Thắng)

Bạn, tôi và chúng ta! Hãy hành động ngay từ bây giờ nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ