Vì sao người cao tuổi dễ bị tấn công?
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra, mỗi người nên tự tìm cách bảo vệ sức khỏe bằng việc tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Những người dễ nhiễm virus Corona nhất là người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Virus phát tán từ người bệnh ra môi trường khi ho, hắt hơi. Đặc biệt, thời tiết lạnh các loại virus thường tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, tạo điều kiện cho bệnh lây lan.
Khi trời nắng ấm, nhiệt độ trên 20 - 25 độ C thì vi khuẩn và virus sẽ kém phát triển, ít lây lan. Do đó, chúng ta có thể dự phòng bằng cách tạo môi trường sống trong nhà và môi trường làm việc được thông thoáng, ấm áp, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, lưu cữu không khí, tránh đồ đạc bị ẩm mốc dễ gây bệnh.
Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên nhân là người cao tuổi thường có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương....
Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu, dễ mắc thêm các bệnh khác.
Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tác dụng phụ của nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.
Do đó, để phòng bệnh, người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người.
Người tăng huyết áp và đái tháo đường dễ có nguy cơ cao mắc các biến chứng như nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da, tiết niệu...
Nên tránh xa các nguồn lây nhiễm. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người. Rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
Ho, hắt hơi đúng cách phòng lây nhiễm nCoV
ThS.BS Trần Thu Nguyệt, chuyên gia cao cấp Viện Y học Ứng dụng cho biết, khi bạn hắt hơi với tốc độ 35m/s. Mỗi lần hắt hơi, bạn tạo nên một “đám mây” những giọt bắn ra xung quanh. Những giọt lớn có thể bắn xa 2m, còn hầu hết những giọt nhỏ hơn có thể bắn xa tới 8m, nCoV nằm trong các giọt bắn lớn.
Một phần nCoV trong các giọt bắn sẽ lưu lại trên bề mặt xung quanh như bàn, ghế, tài liệu, đồ dùng, tay nắm cửa, cốc chén... Người lành có thể lây nhiễm nCoV qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn lớn hoặc chạm vào các bề mặt bị nhiễm.
Đang mùa dịch, nếu bạn thấy người khác ho, hắt hơi, hãy quay đi và từ từ lùi xa khỏi họ ít nhất là 2m hoặc tốt nhất là bước sang phòng khác. Ho, hắt hơi đúng cách. Tốt nhất là ho, hắt hơi vào 1 khăn giấy dùng một lần, sau đó gập lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy.
Dùng khẩu trang che kín mũi, miệng khi ho, hắt hơi. Nếu không có sẵn khăn giấy dùng một lần hoặc khẩu trang, hãy làm theo cách sau đây: Đặt tay lên vai đối diện, ho hoặc hắt hơi vào mặt trong tay áo, phần khuỷu tay. Rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc chà tay với nước rửa tay chứa cồn sau khi ho, hắt hơi.
Còn BS Lê Minh Khánh, Viện Y học Ứng dụng đưa ra lời khuyên, sử dụng khẩu trang y tế là một trong những biện pháp bảo vệ trước một số bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả 2019-nCoV ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng khẩu trang là không cung cấp đủ khả năng bảo vệ và các biện pháp tương đương khác nên được áp dụng. Nếu sử dụng khẩu trang, cần phải được kết hợp với vệ sinh tay và các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng khác để ngăn chặn lây lan giữa người và người.
Việc đeo khẩu trang y tế khi không được chỉ định có thể gây ra chi phí không cần thiết, gánh nặng mua sắm, tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm và có thể bỏ qua các biện pháp thiết yếu khác như thực hành vệ sinh tay. Ngoài ra, sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể cản trở hiệu quả phòng bệnh.
Xông nhà diệt khuẩn cần đúng cách
Trong khi đại dịch virus Corona đang hoành hành, nhiều người chọn cách diệt khuẩn bằng xông nhà với bồ kết, vỏ bưởi, trồng hành tây…
Theo GS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, phương pháp đốt bồ kết xông khói âm ỉ, liên tục, giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.
Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết... Đây là phương pháp dân gian được lưu truyền, tuy vậy phương pháp này không tốt với tất cả mọi người. Nếu có tác dụng nào đó thì nó cũng chỉ diệt được vi khuẩn chứ không diệt được virus.
“Nhiều người cho rằng xông nhà bằng bồ kết rồi thì virus, vi khuẩn sẽ chết hết, yên tâm không phải đề phòng gì nữa là sai. Thực tế, đốt bồ kết chỉ có tác dụng tạo ra hương thơm, khi hít thở thì cảm thấy dễ chịu.
Khói bồ kết có thể làm côn trùng như ruồi, muỗi, gián sợ, nhưng không diệt được virus. Do đó, việc phòng bệnh cho người già, trẻ nhỏ vẫn rất cần thiết. Đấy là chưa kể đến, dù có nhiều tác dụng thì bồ kết cũng có chất độc, cần cẩn trọng khi sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai”, GS Bùi Công Hiển cho biết.
Phương pháp trồng hành tây trong nhà để phòng cảm cúm cũng chưa có cơ sở khoa học. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong các sách về Đông Y chưa thấy có đề cập cách trồng củ hành tây vào trong lọ thủy tinh cho mọc rễ và lá có thể ngăn ngừa được cảm cúm.
Tinh dầu của hành có ở trong củ chứ không ở trong lá và chúng không phát tán ra không khí trong quá trình trồng. Về bản chất, hành tây có tác dụng phòng và giải cảm hiệu quả. Có thể dùng hành tây luộc chín và ăn cả phần cái cũng như uống nước luộc.
Tuy nhiên, mức nước cho vào luộc vừa phải để không bị mất đi độ cay của hành tây. Làm hành tây như cách trên có thể có tác dụng giải cảm hiệu quả và phòng ngừa cảm cúm, nhất là những ngày lạnh.