Giao nội dung giáo viên chủ nhiệm giảng dạy
Theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn: Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Nội dung này bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…
Sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương hiện nay được giảng dạy tại Hà Nội do Sở GD&ĐT Hà Nội đứng ra biên soạn. Cô Lê Thị Hương Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: Nếu nghiên cứu kỹ nội dung tài liệu giáo dục địa phương của lớp 6 và lớp 7 đã được biên soạn, thì nội dung giáo dục địa phương có thể phân cho giáo viên giảng dạy Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Nghệ thuật.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà trường, để đạt mục tiêu bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương… cho học sinh thì bất cứ một người giáo viên nào, có bất cứ chuyên môn nào, đã là người Hà Nội sẽ có tình yêu với Hà Nội. Chính tình yêu đó sẽ giúp các thầy cô đưa giáo dục địa phương trở nên gần gũi và truyền cảm xúc cho học sinh hiệu quả nhất.
Bởi vậy, trong phân công chuyên môn, nhà trường giao nội dung giáo dục địa phương cho giáo viên chủ nhiệm giảng dạy. Trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi và thấu hiểu học sinh nhất, sẽ tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp nhất, cách thức tiếp cận hiệu quả nhất để truyền tình yêu, truyền hiểu biết và trách nhiệm về Hà Nội đến với học sinh.
Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ học. |
Giải pháp khắc phục vướng mắc
Để khắc phục những vướng mắc khi triển khai giảng dạy, cô Lê Thị Hương Mai cho biết, nhà trường đã có các giải pháp.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm trong cùng khối sẽ tạo thành nhóm chuyên môn giáo dục địa phương, khối trưởng chủ nhiệm đồng thời là nhóm trưởng. Dựa vào năng lực chuyên môn của từng giáo viên trong nhóm, phân công nhiệm vụ, cùng nhau xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn và thông qua xét duyệt của Ban giám hiệu, Phòng GD&ĐT.
Trên cơ sở kế hoạch giáo dục, nhóm chuyên môn phân công giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo từng chủ đề, giáo viên có thế mạnh chuyên môn nào thì soạn chủ đề có nội dung sâu về chuyên môn đó.
Nhà trường chủ động phân công giáo viên trong các tổ chuyên môn khác hỗ trợ soạn kế hoạch bài dạy nếu trong nhóm không có giáo viên thuộc chuyên ngành đó. Ví dụ, trong nhóm không có giáo viên Nghệ thuật hay giáo viên Giáo dục công dân, nhà trường phân công bổ sung giáo viên được đào tạo chuyên sâu để hỗ trợ chuyên môn cho nhóm.
Sau khi có kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, nhóm chuyên môn thực hiện giảng dạy và trao đổi để điều chỉnh theo đặc trưng của mỗi lớp.
Nhà trường chủ động tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh để các con được tìm hiểu địa phương qua thực tế như: Tham quan nhà Quốc Hội, tham quan và chăm sóc di tích lịch sử (Gò Đống Đa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đình làng Nam Đồng, khu tưởng niệm Bác Hồ tại phường Kim Liên, thăm làng Gốm Bát Tràng, thăm bảo tàng Quân đội và bảo tàng Chiến thắng B52…).
Để triển khai tốt hơn việc dạy và học nội dung giáo dục địa phương, cô Lê Thị Hương Mai cho rằng, Sở GD&ĐT các địa phương cần sớm ban hành tài liệu để các nhóm chuyên môn, giáo viên có thời gian nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy được chi tiết và mang lại hiệu quả cao nhất.