Cách rèn luyện giúp trẻ trở nên dũng cảm

GD&TĐ - Dũng cảm không phải là một phẩm chất xa vời. Thực tế, dũng cảm tồn tại trong bất kỳ ai. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận ra và kích thích tinh thần dũng cảm ở trẻ bằng sự cổ vũ kịp thời. Sẵn sàng vượt qua thử thách trong một môn thể thao được coi là “thước đo” lòng dũng cảm ở trẻ. Cha mẹ được khuyến khích luôn là người đồng hành và giúp trẻ hiểu, thất bại trong thể thao không đồng nghĩa với thua cuộc.

Trẻ cần luyện tập để trở nên dũng cảm. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Trẻ cần luyện tập để trở nên dũng cảm. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Chơi thể thao để tới đích dũng cảm

PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), dẫn chứng: “Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe (Đức) từng nói: “Nếu bạn mất đi tiền bạc thì chỉ là một tổn thất nhỏ. Nếu bạn mất đi sự tôn trọng, tổn thất là khá lớn. Nếu bạn mất đi sự dũng cảm có nghĩa là bạn mất đi tất cả”. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của sự dũng cảm trong cuộc sống của mỗi chúng ta có ý nghĩa như thế nào”.

Tuy nhiên, chắc hẳn không phải ai cũng hiểu bản chất dũng cảm là gì. PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, dũng cảm không phải là chúng ta loại bỏ hoàn toàn sự sợ hãi, khiến hành động trở nên liều lĩnh. Thay vào đó, dũng cảm chính là khi ta có dũng khí vươn lên, đối đầu với nguy hiểm, khó khăn. Hay đơn giản là học cách để cân nhắc thực hiện một việc nào đó, bất chấp nỗi sợ hãi của bản thân.

“Vì vậy, cùng con tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống thường ngày, tham gia các trò chơi, hay môn thể thao là một cách tự nhiên nhất, nhằm giúp trẻ rèn luyện lòng dũng cảm”, chuyên gia khẳng định.

Bố mẹ là người giúp trẻ trưởng thành đúng cách.
Bố mẹ là người giúp trẻ trưởng thành đúng cách.

Theo thống kê của YouNet Media, trong những tháng đầu năm nay, có tới trên 85% phụ huynh thảo luận về đề tài chơi thể thao của trẻ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bơi lội.

Những thảo luận xung quanh đề tài này tập trung vào chủ đề “Độ tuổi thích hợp cho con tập bơi”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa đủ khỏe và cổ không đủ cứng cáp để ngâm nước. Trong khi đó, nhiều cha mẹ ủng hộ việc cho con tập bơi trong giai đoạn từ 6 - 18 tháng tuổi.

Thống kê cho thấy, phần lớn cha mẹ đồng tình rằng, bơi lội là kỹ năng sinh tồn trẻ cần có. Vì vậy, nhiều người khẳng định sẽ để trẻ học bơi khi đủ tuổi đến trường.

Bóng đá là môn thể thao được bàn luận nhiều thứ 2, sau bơi lội. Không chỉ nhiều cha mẹ hỏi đăng ký học bóng đá cho bé trai, một số phụ huynh đã hỏi về lớp học này cho bé gái. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn rằng, bóng đá sẽ giúp trẻ hòa đồng, khỏe mạnh và dũng cảm hơn.

Bóng rổ đứng thứ ba trong số những môn thể thao được các phụ huynh bàn luận nhiều nhất. Hình ảnh, thông tin về các giải đấu bóng rổ thiếu niên cũng thu hút được sự thảo luận của nhiều cha mẹ. Bóng rổ và bơi lội là hai môn thể thao được mọi người tin rằng sẽ giúp con phát triển chiều cao và lòng dũng cảm. 

Cha mẹ cần đồng hành và bảo đảm an toàn khi con chơi thể thao. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Cha mẹ cần đồng hành và bảo đảm an toàn khi con chơi thể thao. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Giúp con bước khỏi “vùng an toàn”

Giải thích về lý do thể thao có thể giúp con rèn luyện lòng dũng cảm, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: “Việc tham gia các trò chơi hoặc thể thao bao giờ cũng khiến trẻ phải bước ra khỏi vùng an toàn”.

Từ đó, con sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, nỗi sợ hãi như mắc lỗi hoặc bị thua trong trò chơi. Thậm chí, tham gia các môn thể thao có thể dẫn đến mệt mỏi hoặc chấn thương. Tuy vậy, đây lại là cơ hội tuyệt vời giúp con rèn luyện sự kiên cường để vượt lên chính mình, dũng cảm vượt qua cảm giác đau nhức về cơ thể hay nỗi sợ hãi thất bại.

Chị Lê Trâm Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, do bé Bi nhà chị không mạnh dạn, nên gia đình quyết định để con đi học karate. Thời gian đầu, Bi tỏ vẻ bực bội mỗi khi tới giờ học võ. Cậu bé cho rằng, thầy cô quá nghiêm khắc, trong khi học võ vô cùng “vất vả”.

“Thấy vậy, vợ chồng tôi cũng thương con. Tuy nhiên, chúng tôi thường động viên cháu cố gắng. Tôi nói với Bi rằng, con không thể bỏ cuộc. Nếu Bi bỏ cuộc, con sẽ không phải là người dũng cảm. Nếu không dũng cảm, làm sao con có thể giúp đỡ các bạn khác nếu gặp phải người xấu? Nhờ được khích lệ, nên con tôi cố gắng tham gia lớp võ đều đặn. Tới nay, việc tới lớp võ đối với Bi đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch học”, chị Trâm Anh nói.

PGS.TS Trần Thành Nam dẫn chứng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ thường sống lạc quan và tự tin hơn trước những thách thức của cuộc sống, khi được cha mẹ tạo điều kiện và khuyến khích tham gia thể thao. Những môn thể thao này cũng có thể khá mạo hiểm như lướt sóng, leo núi, lướt ván trên không, nhảy dù…

“Trẻ em như vậy dường như dễ thích nghi hơn với những thay đổi phức tạp của môi trường. Ngoài ra, kỹ năng hợp tác của các em cũng tốt hơn nhiều so với những trẻ luôn núp dưới đôi cánh của cha mẹ.

Những ông bố, bà mẹ “gà ấp” luôn xót con trước mỗi xước xát nhỏ, hay khi con mệt và đau ốm. Hành động này sẽ khiến con hình thành tính cách nhút nhát, yếu đuối, kém tự tin, khó thích nghi và thiếu ý chí”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Sự ngây thơ của con trẻ cần sự dẫn dắt của người lớn.
Sự ngây thơ của con trẻ cần sự dẫn dắt của người lớn.

Rèn luyện cho con lòng dũng cảm

Theo chuyên gia này, việc trở nên dũng cảm đòi hỏi trẻ phải luyện tập và tự mình thực hiện các hoạt động. Vì thế, cha mẹ cần khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao, để trẻ đối mặt với nỗi sợ. Có như vậy, con mới có thể rèn luyện cách đương đầu và vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Trẻ rèn luyện càng thường xuyên, lòng dũng cảm của con sẽ càng sớm được hình thành.

“Vì vậy, có lẽ yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là bố mẹ cần “dũng cảm” thả con vào các cơ hội rèn luyện, dẫu có xước xát hay chấn thương. Đừng tước đi cơ hội được “khổ” của con”, PGS Trần Thành Nam nhận định.

Trái với những ông bố, bà mẹ quá bao bọc con, một số phụ huynh sẵn sàng để con đương đầu với thử thách để trở thành một người dũng cảm. Tuy nhiên, việc quá khắt khe có thể trở thành yếu tố gây phản tác dụng.

Vừa qua, một clip được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều người phẫn nộ. Đoạn video cho thấy, một bé trai bị thầy giáo đẩy xuống bể bơi. Em bé bắt đầu bơi ngửa, cố gắng thở và liên tục vùng vẫy để nổi trên mặt nước, gào khóc mong được mẹ bế.

Thầy giáo dạy bơi tiếp tục hướng dẫn người mẹ lật em bé úp xuống và đẩy con xuống sâu dưới đáy bể. Sau khi bị dìm sâu xuống nước, em bé đạp chân để nổi lên. Mặc dù, bé liên tục khóc lớn, nhưng thầy giáo yêu cầu người mẹ đứng xa khỏi con.

Sau khi đoạn video được đăng tải, phần lớn cư dân mạng cho rằng, đây là một phương pháp dạy bơi đáng sợ, tàn nhẫn. Đây là hành động ép buộc bé học bơi thay vì tôn trọng mong muốn của trẻ. Việc em bé gào khóc được cho là do trẻ quá sợ hãi, không muốn xuống bể bơi. Điều quan trọng là, hành động này có thể gây ra hậu quả tới sức khoẻ của trẻ.

Việc chơi các môn thể thao và tham gia nhiều hoạt động sẽ giúp hình thành lòng dũng cảm của trẻ. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần đồng hành, động viên con và bảo đảm sự an toàn cho trẻ.

Ví dụ, khi cùng khám phá một vùng núi, cả gia đình sẽ không để con ngồi cáp treo mà cho trẻ trải nghiệm leo bộ. Hay khi cần vượt qua khe suối, cha mẹ nên hướng dẫn con dừng lại quan sát dòng nước, tìm chỗ nước nông, dòng chảy an toàn để tự đi qua.

Khi gặp vách đá có độ dốc, con cần được dạy về cách phán đoán mức độ nguy hiểm, sử dụng công cụ hỗ trợ, nhằm đảm bảo an toàn và cân nhắc quyết định leo tiếp hay không.

“Sự hướng dẫn đối với trải nghiệm thực tiễn như vậy sẽ giúp con hình thành nên lòng dũng cảm, bình tĩnh trước những tình huống núi cao vực sâu trong cuộc sống”, PGS Nam cho hay.

Để khuyến khích con tiếp tục chơi các môn thể thao, rèn luyện sự dũng cảm, cha mẹ cũng cần giữ một số nguyên tắc trong ứng xử cuộc sống hằng ngày. Theo chuyên gia, phụ huynh hãy chú ý khen ngợi những tiến bộ trong thành tích của con thay vì kết quả được - thua. Ngoài ra, yếu tố vô cùng quan trọng là giúp con hiểu rằng, thất bại trong một trò chơi không đồng nghĩa với việc trẻ trở thành người thua cuộc.

“Hãy để con tự chơi theo cách của mình và khuyến khích trẻ tự chịu trách nhiệm trước những quyết định đó. Và cuối cùng, cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe con, đừng đưa ra quá nhiều chỉ dẫn hay chỉ trích. Hãy học cách buông tay để con bay”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.