Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm từ tủ lạnh

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Một trong số đó xuất phát từ tủ lạnh. Tủ lạnh sẽ trở thành ổ chứa vi khuẩn khổng lồ nếu người dùng để lẫn thức ăn sống và chín, thực phẩm thừa từ bữa trước...

26 trẻ em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Anh Thư.
26 trẻ em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Anh Thư.

Hàng loạt trường hợp ngộ độc thực phẩm

Ngày 11/9, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, Khoa cấp cứu đã tiếp nhận 26 bé ở chùa Kỳ Quang 2 có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa.

Các bé đều có tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Trong đó, một bệnh nhi có dấu hiệu trụy mạch đã được truyền dịch, 5 trẻ có dấu hiệu mất nước, mệt lả. Những bé còn lại bị mất nước ít nên được cho bù dịch bằng đường uống. 

Người của nhà chùa cho biết, 26 bé này phát sinh triệu chứng sau bữa cơm trưa lúc 11 giờ cùng ngày. Đến khoảng 15 giờ, các bé bắt đầu nôn ói, đau bụng và được đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, các bệnh nhi xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy hàng loạt sau bữa ăn. Do đó, khả năng cao là những trẻ này bị ngộ độc thực phẩm.

Người của nhà chùa cho biết, khoảng 11 giờ trưa ngày 11/9, khoảng 50 bé có ăn món thịt kho trứng và canh bầu. Trong đó, món thịt kho nấu từ hôm trước và được đun nóng lại. 

Trước đó, một số học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Ngày 10/9, 58 học sinh của trường không đến lớp, trong đó 48 em có triệu chứng buồn nôn, sốt và đi ngoài. 

“Ổ chứa vi khuẩn”

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó xuất phát từ tủ lạnh do được sử dụng không đúng cách.

Đặc biệt, thức ăn thừa từ bữa trước, hoặc thực phẩm để lâu ngày, hay quá nhiều thực phẩm sống chín trộn lẫn... vô tình khiến tủ lạnh thành “ổ chứa vi khuẩn khổng lồ”.

“Trong tủ lạnh luôn tồn tại nhóm vi khuẩn có tên gọi là Psychrophilic Bacteria. Tôi tạm dịch là vi khuẩn chịu lạnh. Loại vi khuẩn này gồm 2 nhóm: Yêu lạnh; Chịu được lạnh”, bác sĩ Phúc giải thích.

Cụ thể, nhóm vi khuẩn yêu lạnh tồn tại được ở những môi trường vô cùng khắc nghiệt, như: Các đỉnh núi quá cao so với mặt nước biển, những vùng cực quả địa cầu có vĩ độ cao, hoặc dưới đại dương sâu hay khu vực có tuyết và băng. 

Trong khi đó, nhóm vi khuẩn chịu được lạnh có thể tồn tại và phát triển nếu bị đưa vào điều kiện từ 0 - 15 độ C. Chúng gồm các chủng phổ biến trong tủ lạnh như: Listeria, Erysipelas, Pseudomonas, E. coli, trực khuẩn thương hàn Salmonella, Staphylococcus aureus…

Để thực phẩm luôn an toàn

Theo bác sĩ Phúc, nạn nhân ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt. Các triệu chứng toàn thân khác cũng sẽ xảy ra. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể liệt ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng.

Chính vì vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh chưa hẳn an toàn.

“Nguyên tắc chung khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không trộn lẫn thực phẩm sống và chín. Nếu trộn lẫn hai loại thực phẩm này, chúng sẽ bị biến chất hoặc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thực phẩm không nên được để lâu ngày, hoặc với số lượng quá nhiều trong tủ lạnh. Phải bọc kín cẩn thận thực phẩm”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Bên cạnh nguy cơ nhiễm khuẩn, một số loại thực phẩm được để vào tủ lạnh có thể thay đổi mùi vị, giảm dinh dưỡng và thậm chí nhanh hỏng hơn. Trái lại, việc bảo quản chúng ở nhiệt độ phòng sẽ tốt hơn. Những loại thực phẩm này bao gồm: Bánh mì, hạt cà phê, rượu vang đỏ, tương ớt, mật ong, cà chua, một số rau củ quả, hành tây và tỏi.

“Bánh mì để trong tủ lạnh rất dễ bị khô, cứng và đóng xỉ. Mùi vị cũng sẽ không ngon như khi được bảo quản ở nhiệt độ thường. Trong khi đó, hạt cà phê để trong tủ lạnh rất dễ hút mùi đặc trưng của các loại thực phẩm khác. Đồng thời, nhiệt độ giảm đột ngột sẽ khiến hạt cà phê bị tách nước, ảnh hưởng đến mùi thơm, mất đi vị ngọt và không còn đậm đà”, bác sĩ Phúc lý giải.

Đối với rượu vang, chuyên gia này khuyến cáo người dùng nên bảo quản thích hợp nhất ở nhiệt độ ổn định khoảng 12 độ C. Ngoài ra, mật ong được để trong tủ lạnh sẽ dễ đẩy nhanh tốc độ kết tinh đường và ảnh hưởng đến mùi vị. Nhiều loại rau củ quả không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị mà còn gây độc tố nếu được bảo quản trong tủ lạnh.

“Nếu để cà chua trong tủ lạnh lâu, phần cùi sẽ mềm và phồng rộp, hoặc xuất hiện các đốm đen, héo theo thời gian.

Một số rau củ quả như khoai tây, khoai lang sẽ cứng lại và tạo vị như cát khi được để trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp. Cà rốt, bí ngô, các loại rau khác có thể để ở nhiệt độ phòng thoáng, mát. Chúng có thể bị đen và mềm nếu để lâu trong tủ lạnh”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, nếu hành tây được để trong tủ lạnh quá lâu sẽ dễ bị mất độ ẩm và gây nấm mốc. Đồng thời, mùi vị của hành tây sẽ ảnh hưởng đến các thực phẩm khác. Ngoài ra, việc bảo quản tỏi trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp có thể khiến loại thực phẩm này dễ bị nảy mầm, hỏng hoặc mốc. Tép tỏi cũng bị mềm, mất mùi vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ