Đây là lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một đại học công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho thực tập sinh sau tiến sĩ. Mức học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc.
Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học công nghệ có trình độ tiến sĩ được nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư. Nhu cầu về đội ngũ trình độ tiến sĩ chắc chắn trong 10 năm tới sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tuyển sinh để có được số lượng người làm tiến sĩ đã khó, nhưng làm thế nào để đào tạo thành công và có chất lượng còn khó khăn hơn. Đã có nhiều hội thảo nêu ra những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và thành tích công bố của nghiên cứu sinh như: Yêu cầu người học phải tập trung thời gian làm việc tại cơ sở đào tạo, phải có kế hoạch nghiên cứu chi tiết…
Các nhà khoa học cho rằng, những giải pháp này rất tốt trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng về lâu dài cần có giải pháp thực sự hữu hiệu. Theo đó, cần có cách nhìn mới về “làm tiến sĩ’. Nghĩa là nghiên cứu sinh được coi là một cán bộ thực sự của đơn vị chuyên môn làm việc trong phòng thí nghiệm, tham gia nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Nghiên cứu sinh phải làm việc toàn thời tại cơ sở đào tạo, nghiên cứu, đóng góp khoa học và tìm tòi những tri thức mới để phát triển các định hướng nghiên cứu của cơ sở đào tạo.
Như vậy, việc “làm tiến sĩ’ này phải được quan tâm đầu tư đúng mực như: Nghiên cứu sinh phải được cấp kinh phí nghiên cứu, thực hiện đề tài nghiên cứu cùng với thầy hướng dẫn, thậm chí có thể chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ, được miễn giảm học phí, nhận học bổng, thậm chí có thể nhận lương từ các đề tài, dự án của cơ sở đào tạo.
Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, việc tập trung đầu tư cho đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng chỉ số công bố khoa học không dễ thực hiện. Bởi quỹ nghiên cứu để đầu tư cho thực hiện đề tài luận án tiến sĩ còn rất khiêm tốn. Khi không có kinh phí nghiên cứu, không đầu tư trang thiết bị hiện đại, không có học bổng cho nghiên cứu sinh thì khó đạt được chất lượng như mong muốn.
Nói như ông Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đào tạo sau đại học là đào tạo một nghề khoa học thực sự, cần được hỗ trợ từ nhiều phía. Bởi học sau đại học không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức mà cả kinh nghiệm. Do vậy, đào tạo sau đại học mang lại giá trị rất cao... Đất nước cần đội ngũ trí thức tinh hoa nhiều hơn để tham gia vào thị trường tri thức thế giới. Vấn đề đào tạo sau đại học phải thực sự được đặt ra một cách nghiêm túc.