Cách nhận biết loài ốc biển cực độc

GD&TĐ - Hai loại ốc gây ra vụ ngộ độc ở Khánh Hòa hôm 11/9 được các nhà khoa học xác định là ốc bùn răng cưa và ốc bùn bóng. Độc tố của các loài này ở mức rất cao, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Mẫu vật ốc biển thu thập từ vụ ngộ độc thực phẩm tại Vạn Ninh, Khánh Hòa ngày 11/9/2020.
Mẫu vật ốc biển thu thập từ vụ ngộ độc thực phẩm tại Vạn Ninh, Khánh Hòa ngày 11/9/2020.

Tử vong vì ăn ốc

Ốc bùn Răng cưa Nassarius pappilosus.
Ốc bùn Răng cưa Nassarius pappilosus.

TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vừa thông tin về kết quả xét nghiệm mẫu ốc biển trong vụ ngộ độc gây tử vong tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà ngày 11/9.

Trước đó, theo thông tin của chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Khánh Hoà, vào lúc 9 giờ ngày 11/9, 3 ngư dân lặn địa phương bắt được một số ốc biển trên vùng biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, nhóm ngư dân ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho một gia đình người quen nửa số ốc đánh bắt được. Số ốc còn lại, 3 ngư dân hấp ăn vào 16 giờ cùng ngày.

Sau khoảng 30 phút, cả 3 người ăn xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19 giờ, 1 trong số 3 nạn nhân có triệu chứng trở nặng, được đưa vào cấp cứu tại phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, nhưng được xác nhận đã tử vong trước đó.

Khoảng 1 giờ sáng 12/9, hai nạn nhân còn lại được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và đã may mắn qua cơn nguy hiểm. Đối với gia đình ở đảo Khải Lương, do thấy ốc lạ nên chỉ có 2 người ăn vài con và không có biểu hiện triệu chứng ngộ độc.

Nghi ngờ những người trên bị ngộ độc do ăn ốc biển, ngày 12/9, cơ quan y tế Khánh Hòa đã thu thập các mẫu vật ốc còn lại của gia đình ở đảo Khải Lương và chuyển đến Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định tên loài ốc và độc tố của chúng.

Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đầu tư 3 phòng thí nghiệm về Vệ sinh An toàn thực phẩm, trong đó có 1 phòng thí nghiệm về An toàn thực phẩm và môi trường (Khu vực miền Trung) tại Viện Hải dương học, Nha Trang, Khánh Hòa.

Kết quả xác định loài và phân tích thành phần hóa học từ 30 mẫu vật tại phòng thí nghiệm An toàn thực phẩm và môi trường (Khu vực miền Trung) biển cho thấy, trong tổng số 30 mẫu vật được phân tích, có 29 mẫu vật được xác định là loài ốc bùn Răng cưa Nassarius papillosus và 1 mẫu vật thuộc loài ốc bùn Bóng Nassarius glans.

Đã xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả các mẫu vật của 2 loài ốc nêu trên. 

Không có thuốc giải đặc hiệu

Ốc bùn Bóng Nassarius glans.
Ốc bùn Bóng Nassarius glans.

TS Đào Việt Hà cho biết, tetrodotoxin được biết là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy chất này khóa kênh trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh.

Với độc tính cao gấp nhiều lần giới hạn an toàn thực phẩm biển trong mẫu phân tích, ước tính chỉ cần 5 - 10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể gây tử vong cho 1 người bình thường trong vòng 30 phút cho đến vài giờ sau khi ăn.

Do đặc tính bền nhiệt, bền a xít, độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến nên có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Triệu chứng ngộ độc do ăn ốc biển độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng (đi loạng choạng, lảo đảo)...

Trường hợp nặng, nạn nhân co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. Hiện không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc tetrodotoxin nói chung và do ốc biển độc nói riêng. Cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới các cơ quan y tế gần nhất.

Theo TS Đào Việt Hà, trong thực tế, đã có các trường hợp ngộ độc tương tự do ăn ốc biển đã từng được ghi nhận khá phổ biến tại các nước khu vực Thái Bình Dương. Các kết quả ghi nhận về các loài ốc biển như: Ốc Mặt Trăng (Turban), ốc Đụn (The top of shells), ốc Tù Và (Trumpet shells), ốc Hương Nhật bản (Ivory snails), ốc Trám (Oliva)... là những loài có nguy cơ gây ngộ độc.

Tuỳ thuộc vào từng loài ốc mà chất gây độc có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các động vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) hoặc tetrodotoxin (độc tố trong cá nóc, mực Đốm Xanh hay cua Móng ngựa (So biển)...).

Nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay chưa được biết rõ và khá phức tạp, không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều chứa độc tố và độc tính cũng rất khác biệt theo từng cá thể, vùng địa lý và mùa vụ.

Để không nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng con người, tuyệt đối không nên ăn những loài ốc có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng chắc chắn an toàn thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.
Một số trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng các mối quan hệ ở trường.

Học sinh Anh nghỉ học tăng nhanh

GD&TĐ - Tiền phạt, nhu cầu sức khỏe và môi trường học tập kém là những nguyên nhân khiến số trẻ em tại Anh nghỉ học ngày càng tăng.