Thế nhưng may mắn là, chính những người trẻ đã về nguồn để đưa âm nhạc truyền thống hòa trộn vào đời sống đương đại.
Nhạc cổ truyền bỗng hóa xa lạ
Đối với mỗi người Việt Nam, văn hóa truyền thống luôn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại. Cốt cách văn hóa truyền thống không chỉ là niềm tự hào của người Việt, mà còn giúp bạn bè quốc tế thêm hiểu và thêm yêu đất nước nghìn năm văn hiến.
Trong kho báu văn hóa ấy, phải kể đến “nguồn vốn” âm nhạc đậm đặc bản sắc không chỉ ở thể loại, ca từ, nhịp điệu mà ngay từ nhạc cụ cũng là những “nhân chứng” sống động.
Tuy vậy trong nhịp sống hiện đại, âm nhạc truyền thống bị quên lãng và trở nên xa lạ trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó. Không ít người cảm thấy lạ lẫm khi nghe một bài chòi, có người chưa từng biết tới xẩm...
Trong khi đó, âm nhạc hiện đại dễ cuốn người ta vào một thế giới thẩm mỹ tách rời truyền thống bản địa, lâu dần thành quen và nếu vô tình nghe thấy một làn điệu dân tộc thì lại sinh ra “hiện tượng nghịch nhĩ” – bởi xa lạ quá, không quen!
Trước hiện thực ấy, thời gian qua có nhiều nhóm nhạc hoặc nhóm các bạn trẻ yêu âm nhạc cổ truyền đã tìm cách đưa âm nhạc truyền thống thích ứng và sống chung với đời sống hiện đại. Họ cũng tìm cách cải biên, kết hợp tinh hoa âm nhạc dân tộc với nhạc hiện đại để giảm bớt “hiện tượng nghịch nhĩ”, đưa khán giả Việt dần trở về với văn hóa cha ông.
Mới đây nhất, vào tối 12/5 tại không gian của Dreamers thuộc phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đã diễn ra talkshow mang tên “Bắt sóng” với chủ đề: Về nguồn - cảnh quan ký ức và hành trình thiên di, với sự góp mặt của nghệ sĩ Ly Mí Cường, Trung Bảo, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ và nghệ sĩ chèo Đinh Tiến Sinh.
Buổi talkshow đối thoại trên tinh thần thân mật và tôn trọng sự khác biệt nhằm giúp công chúng nhận thức sâu sắc về sự biến đổi của di sản nghệ thuật bản địa và môi trường sống hiện đại.
Là người sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa bản địa của cộng đồng Mông, Ly Mí Cường được theo học các nghệ nhân chơi các nhạc cụ như sáo, đàn môi, khèn và thực hành âm nhạc dân gian hàng ngày tại tỉnh địa đầu Hà Giang. Anh thể hiện sự quan tâm đến phát triển nghệ thuật dân gian Mông theo hướng đương đại qua việc tiếp xúc cũng như học hỏi từ các nghệ sĩ thông qua các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật.
Chứng kiến kho báu âm nhạc của dân tộc mình đang dần biến mất, Ly Mí Cường đã “xốc” lại tinh thần cho dân bản bằng việc kể những câu chuyện văn hóa bản địa người Mông thông qua biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp với một số nghệ sĩ nổi tiếng.
Anh muốn khai thác chất liệu dân tộc và đưa giai điệu truyền thống ấy vào âm nhạc hiện đại. Vì thế mới có những đêm nhạc độc – lạ diễn ra ở xã Sủng Trái (Ðồng Văn, Hà Giang) với những đàn tranh, kèn trumpet, beatbox, khèn Mông.
“Khi được chứng kiến sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với các nhạc cụ khác, bà con dân tộc Mông mới nhận ra sự giàu có của âm nhạc bản địa. Rằng, âm nhạc của mình không đơn độc và không đơn điệu. Sự kết hợp giữa đương đại với truyền thống đã phá vỡ những định kiến, đem lại hơi thở - và quan trọng nhất là khơi dậy niềm yêu mến văn hóa truyền thống đang bị lãng quên”, nghệ sĩ Ly Mí Cường cho hay.
Nghệ sĩ Ly Mí Cường với chiếc khèn Mông kết hợp với rap của Đen Vâu trong một đem diễn. |
Để truyền thống lan tỏa muôn nơi
Biểu diễn trực tiếp có bán vé và biểu diễn thông qua mạng xã hội nhằm lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống cũng là cách mà những người trẻ hiện nay đang thực hiện. Trong đó phải kể đến nhóm các bạn trẻ của Xẩm 48h đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết đưa âm nhạc cổ truyền đến đông đảo công chúng Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Nằm trong chuỗi dự án “Di sản trong lòng phố”, câu lạc bộ Xẩm 48h đã gieo tình yêu với nghệ thuật hát xẩm cho những người bạn cùng trang lứa. Khi xưa, người hành nghề hát xẩm thường bị miệng đời bỉ bôi thân phận kẻ đàn con hát “xướng ca vô loài”, thì nay công chúng đang dần biết được sự dày công vất vả của lớp nghệ nhân trẻ đau đáu giữ gìn di sản.
Khán giả đến với Xẩm 48h đa số là các bạn trẻ, thậm chí là học sinh trung học, tiểu học. Mọi người đến học xẩm, không chỉ để biết cách hát cách đàn, mà còn để hiểu hơn về một thứ di sản và cùng suy ngẫm về những giá trị nhân văn bao đời nay cha ông đã gửi gắm.
Các bạn trẻ của Xẩm 48h đã dành nhiều tâm huyết đưa xẩm đến công chúng. |
Anh Ngô Văn Hảo, Trưởng Câu lạc bộ Xẩm 48h cho biết, ngoài biểu diễn “Xẩm trong phố” vào các buổi cuối tuần theo chuỗi dự án, các bạn trẻ còn tích cực đưa xẩm vào trường học, giới thiệu xẩm trong lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện chương trình xẩm trên xe buýt du lịch. Nhờ vậy mà hiện nay, nhiều người đã biết tới xẩm, muốn nghe xẩm, sẵn sàng bỏ tiền mua vé, tham gia theo dõi tương tác trên mạng xã hội.
Là người yêu mến âm nhạc dân tộc, lại được đào tạo bài bản – nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang là một trong những nhân tố không thể thiếu của nhóm Đàn Đó trong hành trình cải biên, kết hợp âm nhạc truyền thống với đương đại. Những tác phẩm chèo, xẩm hay dân ca các vùng miền được anh nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng trước khi đem ra kết hợp.
Mỗi vùng miền có chất liệu và yếu tố hoa mỹ riêng nên càng hiểu nhiều về cách luyến láy trong âm nhạc ngũ cung các khu vực bản địa, càng dễ để những đặc trưng ấy hòa nhập hài hòa vào các không gian âm nhạc khác nhau.
Ngay sau khi ra mắt album “Rạng Đông” vào tháng 3/2024, Ngô Hồng Quang đã tập trung thực hiện dự án âm nhạc “Về Kinh Bắc”. Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 18/5, nhằm tôn vinh âm nhạc dân gian Đồng bằng Bắc Bộ theo lối hòa tấu có giọng hát, đề cao tính tương tác về mặt âm sắc ngũ cung, hòa âm mới cũng như nhịp điệu đương đại của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
“Dù kết hợp, cải biên như thế nào thì nghệ sĩ cũng phải tôn trọng giá trị văn hóa gốc, nguyên bản. Mình phải hiểu văn hóa của mình như thế nào, rồi mới tính đến chuyện chia sẻ, giao thoa và phát triển. Như “Về Kinh Bắc” sắp diễn ra là một ví dụ, đó là một chương trình biểu diễn hoàn toàn mộc, bởi các nghệ sĩ trẻ yêu mến văn hóa âm nhạc Việt Nam. Những nét giai điệu cổ truyền được đặt vào không gian sáng tạo mới với mục đích đưa người nghe về những miền ký ức xa xưa của cha ông” - Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.