Là loại hình nghệ thuật mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho cả người diễn và người xem, kịch ứng tác thu hút người trẻ đến với sân khấu không chỉ bởi vì mới lạ, mà còn với tâm thế của sự lạc quan và chân thật.
Nghệ sĩ và người xem cùng… diễn
Mới đây, khán giả Hà Nội lại được thưởng thức một buổi diễn sân khấu tái hiện mang tên “Thiếu và Đủ” tại Tổ ong hoang dã (53 Triều Khúc, Thanh Xuân) do các bạn trẻ của Viplayback tổ chức. Sân khấu tái hiện là một hình thức sân khấu kịch ứng tác độc đáo, trong đó khán giả tình nguyện kể những câu chuyện đời sống của họ và xem lại những câu chuyện ấy được tái hiện trên sân khấu.
Trên sân khấu nhỏ không phông màn cầu kỳ, rất đơn sơ và rất tự nhiên, không nhiều đạo cụ, chẳng có hóa trang, chỉ có nhóm diễn viên trình diễn lại những câu chuyện kể của chính các khán giả đang có mặt.
Các tình huống trong câu chuyện cứ thế được chuyển tải sống động trên sân khấu mà không hề có sự chuẩn bị trước. Diễn viên phải tự sáng tạo và ứng tác hành động kịch theo những tình tiết câu chuyện, trong đó người xem và người biểu diễn gắn bó với nhau trong sự tương tác chân thật.
Trên sân khấu của Tổ ong hoang dã, dựa vào chủ đề “Thiếu và Đủ”, cả diễn viên và khán giả xoay quanh câu hỏi “bạn nghĩ gì?”. Có người nghĩ đến mình sau khi làm việc cả buổi, thấy đói và phát hiện ra hình như mình đang thiếu đồ ăn. Tuy nhiên nhìn lại thành quả của một ngày năng suất, có người lại thấy đủ vì đã tạo ra nhiều giá trị.
Nghĩ đến đã đủ với nhu cầu thiết yếu, nhưng vẫn thiếu khi còn nhiều mong muốn chưa thỏa mãn. Bởi vậy, con người cứ đi tìm, đi sắm, đi mua… tuy việc ấy chẳng xấu xa gì.
Từ câu chuyện “Thiếu và Đủ”, khán giả bỗng liên hệ đến câu chuyện về chiếc cốc chỉ có lưng chừng nước. Ta có thể thấy thiếu khi nhìn vào nửa vơi, thấy đủ khi nhìn vào nửa đầy. Nghĩ đến người nào đó khi lựa chọn rời khỏi ta, ta thấy thiếu họ nhưng họ lại thấy nếu ở cạnh ta thì lại là thừa.
Chỉ với hai mệnh đề thiếu – đủ, và chỉ với một thời lượng diễn rất ngắn, cả diễn viên và người xem nghĩ ra thật nhiều thứ, mà có lẽ lúc bình lặng cũng chẳng nghĩ ra, chẳng chất vấn chính mình. Có lẽ bởi cảm giác thiếu và cảm giác đủ luôn xoay quanh mọi mặt trong cuộc sống và thật khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn thiếu - đủ hay đủ - thiếu.
Không có những kịch bản “bom tấn” nghẹt thở được dàn dựng trước. Chỉ có những mệnh đề được đưa ra, diễn viên tự nghĩ lời thoại để ứng tác với bất kỳ sự tương tác nào của khán giả.
Và rồi khán giả, có lúc lại trở thành diễn viên. Để rồi qua mỗi buổi diễn, người xem được giải phóng cảm xúc và cái nhìn đa chiều về câu chuyện đã xảy ra đã được mình nhìn nhận thế nào trong một khoảng thời gian rất hẹp.
Là một thành viên mới của Viplayback, N. Thủy từng tốt nghiệp Khoa Tâm lý và cảm nhận thấy trong sân khấu kịch ứng tác có những tình huống thể hiện rõ về tâm lý học, về sự chân thật khi con người ứng tác với nhau giữa đám đông mà không có kịch bản.
Mỗi buổi diễn góp phần vào sự trưởng thành cảm xúc của N. Thủy, tô màu thêm cho cuộc sống và cũng lấy đi của cô nước mắt, cho bản thân những mối quan hệ từ những câu chuyện làm nhịp cầu kết nối trên sân khấu.
Kịch ứng tác ngày càng phát triển
Một buổi diễn của nhóm Viplayback. |
Sân khấu tái hiện manh nha được giới thiệu ở nước ta từ năm 2012, nhưng tới năm 2017 sau khi Viplayback được thành lập thì loại hình này mới bắt đầu được chú ý. Nhóm cũng được biết đến là đoàn sân khấu đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội theo đuổi thử nghiệm thể loại sân khấu tái hiện.
Nòng cốt của nhóm là 4 cô gái trẻ: Minh Thư, Họa My, Thu Thủy và Kim Ngọc. Họ gắn kết với nhau bởi cùng chung mối quan tâm với những vấn đề xã hội, cùng mong muốn thông qua những câu chuyện đời sống được chia sẻ trên sân khấu để hướng tới sự lắng nghe và thấu cảm giữa mọi người.
Từ Viplayback, nhiều nhóm kịch ứng tác ra đời và hoạt động khá sôi nổi như: CLB kịch ứng tác Hà Nội, Trung tâm Kịch ứng tác Việt Nam, High Club và một số nhóm nhỏ tại Đà Nẵng, TPHCM.
Trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) có một sân khấu nhỏ The Rotten Grapes. Đây là nơi mà nghệ sĩ Lê Hoàng Long và nhóm Tông Lào thường xuyên biểu diễn các tiết mục vui nhộn, sâu sắc theo phong cách ngẫu hứng.
Một “nhánh” của kịch ứng tác là “hài độc thoại” cũng được thành lập tại TPHCM với tên gọi Sài Gòn Tếu kèm theo slogan “Chân thật, Lạc quan và Lành mạnh”.
Nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước khán giả và kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, thông qua tiếng cười sẽ gửi đến khán giả thông điệp tốt đẹp về đời sống cộng đồng.
Những buổi diễn của Sài Gòn Tếu thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là người trẻ. Và hàng ngày, hàng tuần những video hài hước của những buổi diễn lại được nhóm đưa lên mạng xã hội nhằm lan rộng tiếng cười hài hước.
Có thể nói, dù xuất hiện và thực hành ở Việt Nam chưa lâu nhưng sân khấu kịch ứng tác đã đem lại những hiệu ứng bất ngờ. Nhiều sân khấu do không gian nhỏ hẹp nên phải thông báo số lượng có hạn trước mỗi buổi diễn, nhiều buổi diễn phải hạn chế đối tượng tham gia, nhưng sự hào hứng của người trẻ với kịch ứng tác vẫn không hề giảm.
Nhiều bạn trẻ còn tham gia các lớp đào tạo, tìm hiểu sâu loại hình sân khấu ứng tác. Từ những buổi học, họ thêm cơ hội hiểu biết về nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật ứng tác nói riêng.
Và quan trọng, từ nghệ thuật kể và dẫn dắt câu chuyện, mỗi người có thêm một bài cho bản thân từ những trải nghiệm lành mạnh của nghệ thuật.
“Sau hơn 6 năm thực hành, mình nhận ra thứ đã “cứu sống” mình qua mọi thời kì, đó là “những câu chuyện”. Câu chuyện của mình, của những người bạn, của khán giả, của những người thầy… những câu chuyện nhảm nhí nhất, hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất. Khi được chia sẻ và được lắng nghe, chúng mình được sống, giống như được hít thở một bầu không khí luôn được tái tạo liên tục bởi những người khác nhau, vì thế mà nó thật sự trong lành”, nghệ sĩ Họa My - người đồng sáng lập Viplayback.