Tháo “điểm nghẽn” về cơ sở vật chất
Sau khi học sinh quay lại trường học, ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều hoạt động để hiện thực hóa các nội dung đã xác định trong thời gian dịch bệnh. Song song với đó là chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, thể dục thể thao cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, địa phương đang gặp khó khăn về đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên tư vấn học đường.
Đây là thành phần không thể thiếu khi triển khai Chương trình Sức khỏe học đường cho học sinh. Ngoài ra, quy định về chuẩn cơ sở vật chất với các công trình thể dục thể thao ở các nhà trường cũng cần được thống nhất. Cần phải có cơ chế mở về sử dụng tài sản, kinh phí và sự chung tay của các đơn vị thì hoạt động thể thao trường học mới phát triển.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - thừa nhận, đầu tư cơ sở vật chất là khó khăn chung với nhiều địa phương, đơn vị. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa ròng rã, mùa nắng thì chói chang ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sân bãi tập luyện cũng như sức khỏe của học trò.
Theo ông Đặng Hà Việt, trường nào muốn xây phải lập dự án và xin Nhà nước cấp ngân sách để đầu tư xây dựng sân tập, nhà thể chất. Nhà nước cũng chưa thể đáp ứng ngay lập tức cho 100% các trường vì nguồn lực còn hạn chế. Vì thế, cần tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để họ có thể tận dụng khai thác vào buổi tối, ban ngày nhà trường vẫn có sân tập để giáo dục thể chất cho học sinh.
“Thực tế cho thấy, một nhà thi đấu mà không sử dụng để kinh doanh thì Nhà nước sẽ phải bỏ số tiền rất lớn để nuôi đội ngũ duy tu, bảo dưỡng. Nếu có sự phối hợp trong liên doanh, liên kết thì Nhà nước không phải bỏ số tiền lớn, người dân cũng được hưởng lợi để nâng cao sức khỏe thể chất”, ông Việt phân tích.
Đưa ra giải pháp ứng phó thực trạng thiếu cơ sở vật chất, bà Đào Phan Cẩm Tú - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT - cho biết, trước mắt các đơn vị cần đổi mới nhận thức và phương pháp giảng dạy các môn thể thao. Ngoại trừ các trường năng khiếu, còn lại đa số nhà trường vẫn coi Giáo dục thể chất là môn phụ nên việc đầu tư cũng không được chú trọng.
Dạy kỹ năng ném bóng rổ. Ảnh minh họa. |
Cần có chuẩn đầu ra phù hợp
Cũng theo ông Đặng Hà Việt, điểm nghẽn trong công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học ngoài cơ sở vật chất còn liên quan đến học liệu, chương trình mang tính chất tổng thể. Quá trình sinh trưởng, phát triển của con người không chỉ chuyển đổi từ lượng và chất. Đây là một quá trình có những giai đoạn cần sự tác động khác nhau. Do đó, chương trình giáo dục thể chất cần có hệ thống và tích hợp nhiều kỹ năng cho học sinh. Đưa môn thể thao nào vào nhà trường, tuyển chọn các tài năng thể thao trong trường học cũng là câu chuyện cần lưu tâm. Dữ liệu về học sinh của các trường được số hóa, nội dung đánh giá phải chuẩn đầu ra; các dữ liệu phải so sánh được bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 12. “Nếu một số chỉ tiêu học sinh không đạt thì có vấn đề gì không? Học sinh tham gia vào các đội tuyển thể thao của trường và có đóng góp thành tích tốt thì có hình thức đánh giá ra sao cho phù hợp?”, ông Đặng Hà Việt băn khoăn.
Tương tự, GS.TS Lê Quý Phượng - Chủ tịch Hội Khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam - bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT và Tổng cục Thể dục Thể thao cần tổng kết công tác giáo dục thể chất trong 10 năm qua để rút ra kinh nghiệm. Từ đó sẽ tham mưu cho Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cũng như đơn vị liên quan để đầu tư cho hoạt động này trong trường học cũng như xây dựng chương trình, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra.
Nhấn mạnh, sức khỏe là nền tảng của mọi nền tảng, cốt lõi của nguồn sống, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: Ngày 2/10/2021, Vụ Giáo dục Thể chất đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường và Chương trình Y tế học đường gắn với Y tế cơ sở. Bộ cũng đã ban hành tiêu chí đánh giá về thể lực học sinh ở từng cấp học. Cùng với yêu cầu môn học ở chương trình mới, hy vọng, môn Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường sẽ được quan tâm toàn diện. Từ đó, xóa bỏ tâm lý môn chính - môn phụ trong nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh; có đầu tư hơn cho hoạt động này tại mỗi gia đình và thúc đẩy phong trào thể thao ngoài cộng đồng.
“Phong trào thể dục thể thao là một trong những ưu tiên quan trọng của nhà trường hàng năm. Để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao học đường, nhà trường thành lập đội bóng chuyền nữ và đội bóng bàn nam thường xuyên tổ chức sinh hoạt hàng tuần, tập luyện tạo sân chơi chung cho các thầy cô cũng như tăng cường giao lưu thể thao với các đơn vị bạn. Đối với học sinh vào dịp hè và ngày lễ lớn, nhà trường cùng chi đoàn và đội thiếu niên tổ chức các giải đấu, cuộc thi thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi. Qua đó tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và các doanh nghiệp để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các giải đấu”. - Thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định)