Cách nào 'bịt' kẽ hở bản quyền?

GD&TĐ - Xâm phạm bản quyền lại đang là vấn đề nhức nhối và rất khó xử lý ở nước ta.

Bức ảnh 'Đảo xanh hồ Thác' của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ.
Bức ảnh 'Đảo xanh hồ Thác' của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ.

Bản quyền là yếu tố then chốt trong hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, xâm phạm bản quyền lại đang là vấn đề nhức nhối và rất khó xử lý ở nước ta.

Nghi vấn file ảnh gốc bị “bán”

Trong khi hàng loạt vụ xâm phạm hoặc đánh cắp bản quyền chưa được xử lý dứt điểm, thì mới đây bức ảnh “Đảo xanh hồ Thác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ (Yên Bái) lại bị đánh cắp.

Trên trang Facebook của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ đăng dòng trạng thái bức xúc kèm những hình ảnh về tác phẩm “Đảo xanh hồ Thác” do anh chụp vào năm 2020 tại hồ Thác Bà (Yên Bình - Yên Bái) bị một cửa hàng nội thất đánh cắp phục vụ mục đích kinh doanh.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Vũ, tác phẩm này từng nhận được một bằng danh dự ISF (Hiệp hội Hình ảnh không biên giới) - Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế tại TPHCM lần thứ nhất năm 2021 và một giải Ba của Cuộc thi Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc năm 2021.

Nghệ sĩ này băn khoăn, không hiểu từ đâu người ta lại lấy được những file ảnh gốc để tự ý đem bán cho người khác. Thậm chí, bức ảnh sau đó còn được xử lý bằng công nghệ một cách tinh vi để đạt đến độ hoàn hảo về mọi chi tiết.

Ngay sau khi phát hiện “đứa con tinh thần” của mình bị đánh cắp, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ đã báo cáo cơ quan chức năng để vào cuộc, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái sau đó đã vào cuộc xác minh để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ.

Ngày 5/9, trao đổi với Báo GD&TĐ nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Vũ cho biết, nếu bức ảnh trên không được chủ cửa hàng quảng cáo, PR trên các trang mạng xã hội mà chỉ âm thầm bán cho những ai có nhu cầu thì có lẽ anh không thể phát hiện.

“Sau khi xảy ra sự vụ này, chủ cửa hàng đã trực tiếp gặp tôi và giải quyết trong phạm vi tình cảm. Họ cũng hứa sẽ không tái phạm”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ cho hay.

Cũng theo nghệ sĩ Tuấn Vũ, việc tác phẩm bị đánh cắp có rất nhiều nguyên nhân. Có thể file gốc bị thất thoát ra ngoài, từ cơ sở in ấn cho đến chính các cuộc thi. Như trường hợp tác phẩm “Đảo xanh hồ Thác”, theo như trao đổi giữa tác giả và chủ cửa hàng nội thất thì file ảnh gốc được ai đó chia sẻ trên Facebook có tên gọi là “hội chia sẻ file ảnh gốc”.

Có thể nói trong thời đại công nghệ số, các vấn đề về xâm phạm bản quyền đang trở nên nhức nhối. Sự đột phá về công nghệ đem lại nhiều lợi ích để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro và cả những thách thức trước sinh kế của người làm sáng tạo cũng như thương hiệu quốc gia trong quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế.

Tác phẩm bị chủ một cửa hàng nội thất đánh cắp để phục vụ mục đích kinh doanh.

Tác phẩm bị chủ một cửa hàng nội thất đánh cắp để phục vụ mục đích kinh doanh.

Cứ đền bù và xin lỗi là… xong!

Theo quan điểm của UNESCO thì công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và các nội dung sáng tạo được bảo về bản quyền.

Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được hình thành từ năm 1986 trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và được khẳng định cụ thể tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được xác định gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp văn hóa bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể. Trong đó, riêng lĩnh vực mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD.

Bên cạnh những thuận lợi để đạt mục tiêu, công nghiệp văn hóa nước ta cũng gặp nhiều trở ngại, trong đó đặc biệt là vấn đề bản quyền. Trong tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng”, do Bộ VH,TT&DL tổ chức vào tháng 4/2022 - luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định, trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng của Việt Nam đứng nhất nhì thế giới.

Trong Hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP diễn ra năm 2022, Cục Bản quyền tác giả cho biết sau 10 năm thực hiện, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã tiến hành 534 cuộc thanh - kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức và 3 cá nhân.

Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, vấn đề ở đây không phải là tiền (tiền xử phạt) mà liên quan đến văn hóa ứng xử. Cứ tha hồ đạo nhái, xâm phạm bản quyền rồi xin lỗi và đền bù… là xong! Trong khi đó, đất nước thì bị mang tiếng, nghệ sĩ thì bị ảnh hưởng - rất khó để mở ra cánh cửa hợp tác bền vững với nước ngoài.

Để bịt kẽ hở bản quyền, giới chuyên gia cho rằng, mức phạt hiện nay quá nhẹ không đủ sức răn đe. Bởi vậy, ngoài tăng mức phạt cần có hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả thì mới có cơ hội ngăn chặn việc bản quyền bị đánh cắp như hiện nay.

“Tại hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Netflix, Cục Bản quyền tác giả, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức vào cuối 8/2023 đã chỉ ra một số kẽ hở cũng như trở ngại trong vấn đề bản quyền.

Theo đó, một số chuyên gia cho rằng phải có tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ để xử lý các vụ việc vi phạm. Đồng thời, cần bổ sung các quy định quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và thực thi sở hữu trí tuệ trên nền tảng số đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo. Xây dựng công cụ hỗ trợ phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan… nhằm bảo hộ và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ