Kết luận về vấn đề bản quyền liên quan giải thưởng Tác giả trẻ

GD&TĐ - Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa có kết luận vụ sách được trao giải thưởng Tác giả trẻ bị tố đạo văn.

Cuốn sách Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật
Cuốn sách Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật

Sự việc về cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" của TS. Vũ Thị Trang (Viện Văn học) sau khi nhận được tặng thưởng của Hội đồng lý luận trung ương và giải thưởng Tác giả trẻ 2021 của Hội nhà văn Việt Nam đã bị TS. Đỗ Hải Ninh (đồng nghiệp cùng cơ quan) tố vi phạm bản quyền.

Bà Ninh cho rằng, chương 2 trong cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" là bà viết khi cùng thực hiện đề tài cấp bộ do TS. Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm và TS. Vũ Thị Trang đã tự ý đem đi in sách mà chưa xin phép. Bà Ninh đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nơi hai tiến sĩ công tác yêu cầu giải quyết.

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã có công văn giao Viện Văn học giải quyết vụ việc. Theo đó, Viện Văn học đã có công văn trả lời số 153/VVH-HCTH, trong đó có nêu: Xuất bản phẩm Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật được xuất bản theo quy chế, quy định hiện hành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo Hợp đồng xuất bản và Luật xuất bản.

Sau khi nghiệm thu, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị Chủ tịch Viện cho phép xuất bản thành sách chuyên khảo và bản quyền thuộc về Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Đề tài đã được sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản. Nội dung xuất bản được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền của đề tài là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam bằng văn bản.

Đặc biệt, liên quan đến chương 2 trong nội dung tố cáo của bà Ninh, Viện Văn học khẳng định: Về tư tưởng của đề tài, TS. Vũ Thị Trang là người xây dựng thuyết minh từ cuối năm 2016 đầu năm 2017, trong thuyết minh đề tài khoa học khi đó đã có định hướng triển khai nội dung của Chương 2 mà cuốn sách Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật sau này tiếp tục kế thừa, phát triển.

Viện Văn học cũng trích dẫn công văn trả lời lần thứ hai của Học viện Khoa học xã hội, nơi chủ trì thực hiện đề tài với nội dung: “Quyền tác giả của TS Đỗ Hải Ninh chỉ xác lập đối với 2 nội dung của chương 2”. Cuối cùng, Viện Văn học đề nghị “không thụ lý đơn kiến nghị của TS. Đỗ Hải Ninh” và khẳng định “đơn kiến nghị của TS. Đỗ Hải Ninh không đủ điều kiện xử lý”.

Liên quan đến những nội dung này, TS. Nông Thị Nhung - thư kí chuyên môn của đề tài cho biết: Trong suốt quá trình làm đề tài, TS. Vũ Thị Trang một mình xây dựng đề cương chi tiết cho từng chương, từng tiểu mục từ năm 2016. Khi đó bà Trang đã đăng kí đề tài nhưng chưa mời các thành viên khác tham gia. Bản đề cương này được lưu hồ sơ từ khi đó.

Trong quá trình làm đề tài, TS. Đỗ Hải Ninh chưa từng họp đề tài một lần nào, cũng không tham gia các tọa đàm do chủ nhiệm đề tài tổ chức. Ngay cả khi nghiệm thu cấp cơ sở tại Học viện và cấp cuối cùng tại viện Hàn lâm, không thấy sự xuất hiện của TS. Đỗ Hải Ninh mặc dù bà Ninh có được mời tham gia.

"Ở đây không có chuyện đạo văn hay vi phạm bản quyền vì sách xuất bản được sự đồng ý của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Khi TS. Đỗ Hải Ninh có đơn kiến nghị thực sự tôi rất bất ngờ vì rõ ràng trước khi in, bà Trang còn gọi điện cho từng người tham gia đề tài xin phép đứng tên riêng”. TS. Nông Thị Nhung nói.

Trước đó, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy là thành viên chính của đề tài cũng khẳng định: “Tôi nghĩ rằng không có vấn đề bản quyền ở đây”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.