Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà

GD&TĐ - Chỉ với vài thao tác đơn giản là bạn có thể làm ngay những sợi mì tươi, lá hoành thánh ngon làm phong phú thực đơn gia đình nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách xã hội.

Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà
Dịch Covid-19 nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nên chị em nội trợ có nhiều thời gian vào bếp sáng tạo những món ăn ngon cho gia đình.
Chị Hương Thảo (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Mùa giãn cách này có bột ở trong nhà sẽ được đổi món liên tục. Nhà mình, bữa thì bánh mì, bữa mì mì sợi, há cảo, bánh canh, bánh bột lọc, dimsum,… chỉ cần trong tủ lạnh có ít thịt, ít tôm, cá,… và một ít rau củ để làm nhân bánh hoặc nước dùng là tha hồ biến tấu rồi!".
Chị Thảo cho biết chị đã nghĩ ra cách làm mì tươi, sợi bánh canh để đổi món cho gia đình mà tuyệt đối yên tâm vì không có chất bảo quản.
Dưới đây là cách làm mì tươi, lá hoành thánh, sợi bánh canh và vỏ bánh bột lọc trần của chị Hương Thảo, các bạn có thể dùng công thức này và cán bột bằng tay nếu không có máy nhé!
Mì tươi và lá hoành thánh
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 1
Nguyên liệu:
- 300g bột mì đa dụng
- 3g muối
- 3 quả trứng gà công nghiệp. (Hoặc 170g trứng gà ta)
- 2 muỗng canh dầu ăn (hoặc dầu olive)
Lưu ý: Nếu muốn sợi mì luộc lên có màu vàng hơn, bạn có thể thêm vào màu quả dành dành nhé!
Nếu bạn muốn sợi mì dai, cho thêm ½ tsp baking soda vào công thức, và cho bột nghỉ 2 tiếng trước khi cán nhé!
Cách làm
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 2
1. Cho bột mì và muối vào âu trộn đều, cho trứng và dầu ăn vào khuấy đều. Sau đó cho bột ra bàn dùng tay nhồi thật kỹ cho đến khi bột thành 1 khối khá dẻo và mịn.
Lưu ý: Khối bột sẽ khá khô và nặng chứ không mềm mịn như làm bánh mì.
Đậy kín và để bột nghỉ 30 phút.
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 3
2. Cắt bột làm 3 phần bằng nhau, nhấn dẹt khối bột và cho bột vào máy cán, quay cần cán bột. Lúc này bề mặt bột còn sần sùi chứ chưa được mịn.
Gấp dải bột làm 3 lại và tiếp tục cho lên máy cán. khi thấy bề mặt bột mịn thì bạn không cần gấp bột nữa mà cho cả dải bột lên cán tiếp, lúc này điều chỉnh số ở núm tròn trên máy để được độ mỏng dày vừa ý.
Bạn nên dùng số 5 cho mì sợi, số 6 cho lá hoành thánh.
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 4
3. Sau khi cán được dài bột mịn, bạn cắt làm đôi và cho vào rãnh cắt mì, chọn kích cỡ tùy ý. Máy này có 3 kích cỡ sợi mì: to, vừa và nhỏ. Vẩy nhiều bột khô lên sợi mì sau khi cắt để sợi mì không dính vào nhau.
Gợi ý: Với sợi mì to bạn nên cán bột mỏng để sợi mì không quá dày cứng.
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 5
4. Để làm lá hoành thành thì cán bột thật mỏng (chỉnh số 5 hoặc 6 tùy ý), sau đó vẩy bột khô lên lá mì để khi cắt lá không bị dính vào nhau. Gấp lá mì lại và dùng khuôn nhôm vuông để cắt thành từng lá, hoặc bạn có thể dùng dao và thước để cắt.
Phần bột thừa sau khi cắt bạn có thể gom lại thành một khối, xịt nước cho ẩm bên ngoài, đậy kín để bột nghỉ 30 phút sau đó cán lại.
5. Chế biến: Mì cho vào nước sôi luộc 3-5 phút thấy mì nổi lên là chín.
Bí quyết: Để cán mì thành công thì bạn phải nhồi bột đủ dai và cán cho tới khi bột mịn thì sợi mì mới dai và không bị đứt
Làm sợi bánh canh và vỏ bánh bột lọc trần
Cách làm mì tươi, lá hoành thánh hương vị đặc biệt tại nhà ảnh 6
Nguyên liệu:
- 350g bột lọc (hoặc bột năng)
- 2g muối
- 15g mỡ heo (mỡ nước), hoặc dầu thực vật
- 185g nước sôi 100 độ
Cách làm
1. Cho bột lọc (hoặc bột năng), muối vào âu trộn đều. Sau đó tạo một hố giữa âu, cho mỡ heo (hoặc dầu thực vật) và nước sôi 100 độ vào khuấy nhanh tay. Khi bột đang nóng, dùng tay nhồi nhanh, sau đó cho ra bàn nhồi thật kỹ cho bột mịn là được.
Lưu ý: Nước cho vào bột phải là nước vừa đun sôi từ bếp đổ vào, nếu nước chỉ ở nhiệt độ ấm hay không đủ sôi thì bôt sẽ không tạo thành khối được và rất dính. Khi cho nước vào bột sẽ thấy vùng bột bị chín và trong lại.
Phải nhồi nhanh khi bột còn đang nóng và cho bột ra bàn nhồi mạnh tay thì bột mới mịn, nếu không bột sẽ bị vón cục.
2. Sợi bánh canh: cắt bột làm đôi hoặc làm 3 phần sau đó cán dẹt bột.
Cán bằng tay: dùng chày cán bột cán cho bột mỏng khoảng 3mm. Sau đó bạn phủ lên lớp bột khô, gấp bột lại thành nhiều lớp rồi dùng dao cắt sợi dày khoảng 5mm. Hoặc bạn cũng có thể cuộn bột tròn lại rồi cắt.
Cán bằng máy cán mì thủ công: cho bột vào máy cán ở nấc số 1. Chỉ cần cán 1 lần là được! Sau đó bạn cho vào lưỡi cắt để cắt thành sợi bánh canh, phủ lên ít bột khô để sợi không dính vào nhau.
Lá dimsum làm với bột dímum.

Lá dimsum làm với bột dímum.

3. Vỏ bánh bột lọc:
Cán bằng máy cán mì thủ công: Phần bột còn lại cũng cán bột ở nấc số 1 như vậy (vì vỏ bánh bột lọc không cần mỏng như dimsum). Sau đó bạn dùng khuôn ring tròn để cắt bột thành từng miếng hình tròn.
Phần bột dư bạn vo và nhồi lại rồi cán tiếp.
Thành phẩm, há cảo.

Thành phẩm, há cảo.

Cán bằng tay: Dùng chày cán bột cán cho bột mỏng khoảng 3mm. Sau đó bạn dùng khuôn ring tròn để cắt bột thành từng miếng hình tròn. Hoặc bạn có thể cắt bột thành từng viên nhỏ rồi cán từng cái.
Vỏ bột lọc bạn cần đậy kín không để bị khô mới gói được nhân nhé!
Lưu ý khi làm bột: bột nhồi để ngoài rất nhanh khô nên bạn phải bọc kín để bột không tạo vảy bên ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ