Cách khơi dậy và nuôi dưỡng bản năng vị tha ở trẻ

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ nhỏ, trẻ đã có lòng vị tha và sẵn sàng giúp người khác. 

Trẻ có xu hướng sẵn sàng chia sẻ đồ ăn với người lạ.
Trẻ có xu hướng sẵn sàng chia sẻ đồ ăn với người lạ.

Tuy nhiên, khi lớn hơn, trẻ dần lựa chọn người mình sẽ giúp đỡ và chia sẻ.

Kỹ năng tự nhiên

Khi Michael Tomasello quan sát những đứa trẻ trong các thí nghiệm do ông thiết kế, nhà khoa học này đã nhìn thấy hành động của lòng vị tha và sự hợp tác. Ông đồng thời phát hiện nhiều ví dụ khác về những điều khiến con người khác biệt với các loài vật.

“Ngay từ khi mới bắt đầu biết đi, nói và trở thành những người có văn hóa thực sự, trẻ nhỏ đã hợp tác và giúp đỡ một cách tự nhiên trong nhiều tình huống, mặc dù rõ ràng là không phải tất cả. Trẻ không tiếp thu được kỹ năng này từ người lớn. Thực tế, kỹ năng này có ở trẻ một cách tự nhiên”, ông Tomasello nói.

Ông Tomasello - đồng Giám đốc của Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig (Đức) đã trình bày các kết quả nghiên cứu vào năm 2008. Nghiên cứu của nhà tâm lý học này tập trung vào các quá trình nhận thức, học tập, giao tiếp xã hội cũng như ngôn ngữ ở trẻ em và loài vượn. Sử dụng dữ liệu và một số video clip về các thí nghiệm của mình, Tomasello đã nhiều lần chỉ ra rằng, trẻ có lòng vị tha một cách tự nhiên.

Tomasello đã nói rõ hành vi hợp tác mà ông nghiên cứu là “có liên quan đến các loài linh trưởng không phải người”. Nói cách khác, lòng vị tha của trẻ rõ rệt hơn khi so sánh với loài vượn. Trẻ bày tỏ cử chỉ để thông báo rằng, có điều gì đó không ổn.

Thậm chí, trẻ đồng cảm với những người mà chúng cảm thấy là đang gặp vấn đề gì đó. Trẻ có một mong muốn gần như phản xạ để giúp đỡ, thông báo và chia sẻ. Theo ông Tomasello, trẻ làm như vậy mà không mong đợi hay chờ được nhận lại phần thưởng.

“Có rất ít bằng chứng trong bất kỳ trường hợp nào cho thấy lòng vị tha của trẻ em được tạo ra bởi cha mẹ hoặc bất kỳ hình thức xã hội hóa nào khác”, nhà tâm lý học Tomasello nói về thí nghiệm của mình.

Tuy nhiên, khi lớn lên, tinh thần hợp tác của trẻ được hình thành bởi cách chúng đánh giá môi trường xung quanh. Trẻ cũng dần nhận thức rõ hơn những gì người khác nghĩ về chúng. Ông Tomasello cho biết, trẻ đồng thời trở nên ý thức hơn về những gì xung quanh mình và lo lắng nhiều hơn về cảm giác, cũng như ý nghĩa của việc trở thành thành viên của một nhóm.

“Trẻ dần bước vào quy trình khác, với khuynh hướng giúp đỡ và hợp tác. Tuy nhiên sau đó, trẻ học cách chọn lọc người để giúp đỡ, thông báo và chia sẻ. Trẻ đồng thời cũng học cách gây ấn tượng đối với người khác, bao gồm danh tiếng và thể hiện bản thân. Đó như một cách để tác động đến hành động của những người khác đối với chính trẻ”, chuyên gia nhận định.

Mặt khác, vượn luôn sống vì bản thân. Trong các thí nghiệm, vượn thể hiện khả năng làm việc cùng nhau và chia sẻ, nhưng chúng chọn không làm như vậy. Phản ứng ban đầu của một đứa trẻ hoặc cảm giác tội lỗi hay xấu hổ có thể khiến chúng quyết định chia sẻ kẹo với các bạn. Trong khi đó, một con vượn không gặp vấn đề gì khi làm việc với đồng loại để lấy thức ăn, nhưng sẽ giữ lại chiến lợi phẩm cho riêng mình.

Ông Tomasello nói: “Con người tạo ra cảm giác có chủ đích được chia sẻ. Đó là một cảm giác về “chúng ta”. Mối ràng buộc đó giúp giải thích ngay cả những chuẩn mực xã hội đơn giản nhất, chẳng hạn như tại sao việc một người chỉ đơn giản rời khỏi một hoạt động liên quan đến người khác mà không báo trước là hành vi thô lỗ và không thể chấp nhận được về mặt xã hội”.

Nhà tâm lý học này cho rằng, cảm giác chúng ta đang làm điều gì đó cùng nhau sẽ giúp tạo ra kỳ vọng vào lẫn nhau, thậm chí cả quyền và nghĩa vụ. Những yếu tố đó được cho là chỉ có ở con người ngay cả trong trường hợp đơn giản này.

Nhà tâm lý học Michael Tomasello.

Nhà tâm lý học Michael Tomasello.

Trải nghiệm xã hội có thể hình thành lòng vị tha

Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Khoa học Não bộ & Học tập, Trường Đại học Washington (Mỹ), hay I-LABS, phát hiện, lòng vị tha có thể bắt đầu từ thời thơ ấu. Trong một nghiên cứu thực hiện trên gần 100 trẻ 19 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện, trẻ em, ngay cả khi đói, vẫn đưa một bữa ăn nhẹ ngon miệng cho người lạ đang cần.

Các phát hiện đồng thời gợi ý rằng, những trải nghiệm xã hội ban đầu có thể hình thành lòng vị tha.

“Chúng tôi nghĩ rằng, lòng vị tha rất quan trọng để nghiên cứu vì nó là một trong những khía cạnh đặc biệt nhất của con người. Đó là một phần quan trọng trong cấu trúc đạo đức của xã hội”, ông Rodolfo Cortes Barragan - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại I-LABS và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Các nhà nghiên cứu đã chọn những loại trái cây thân thiện với trẻ em, bao gồm chuối, việt quất và nho. Sau đó, họ thiết lập sự tương tác giữa trẻ em và nhà nghiên cứu. Mục tiêu nhằm xác định xem liệu đứa trẻ có tự nhiên đưa một món ăn hấp dẫn cho người lạ mà không cần khuyến khích, hướng dẫn hay không.

Trong thí nghiệm, trẻ và nhà nghiên cứu ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn. Sau đó, nhà nghiên cứu cho trẻ xem một miếng trái cây. Điều gì xảy ra tiếp theo được quyết định bởi việc đứa trẻ thuộc nhóm kiểm soát hay nhóm thử nghiệm.

Ở nhóm kiểm soát, nhà nghiên cứu nhẹ nhàng ném miếng trái cây lên khay trong tầm với của trẻ. Nhà nghiên cứu không có biểu hiện gì và không cố gắng lấy trái cây.

Trong nhóm thử nghiệm, nhà nghiên cứu giả vờ vô tình làm rơi trái cây xuống khay, sau đó với lấy nhưng không thành công. Các nhà nghiên cứu cho biết, nỗ lực với lấy trái cây đó dường như kích hoạt phản ứng giúp đỡ ở trẻ em. Hơn một nửa số trẻ em trong nhóm thử nghiệm nhặt trái cây và đưa cho người lớn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, trẻ em đã giúp đỡ một cách tự nhiên và nhiều lần đối với một người không thuộc gia đình chúng. Ngoài ra, trẻ em có anh chị em và từ một số nền văn hóa nhất định đặc biệt có khả năng giúp đỡ người lớn. Điều đó cho thấy, biểu hiện của lòng vị tha ở trẻ sơ sinh là dễ uốn nắn.

Theo News.stanford; Washiongton.edu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.