Những hậu quả khó ai nghĩ đến khi con trẻ mê phim hoạt hình

GD&TĐ - Bạn cho rằng con mình không chơi game, chỉ thích xem phim hoạt hình là tốt rồi? Thực tế nhiều bậc cha mẹ đã phải hối hận về nhận định này!

Những hậu quả khó ai nghĩ đến khi con trẻ mê phim hoạt hình

Thần tượng nhân vật ảo khiến trẻ có sự phát triển lệch lạc về nhân cách và hành vi

Khi trẻ thần tượng một nhân vật ảo, những hình ảnh và ngôn từ giao tiếp, hoặc hành động của nhân vật sẽ đi vào tiềm thức của con. Điều này thực sự gây ảnh hưởng rất lớn, chi phối đến sự lựa chọn những suy nghĩ của trẻ, thậm chí mức độ ảnh hưởng còn kéo dài đến tận mãi sau này.

Việc thần tượng, thông thường sẽ là tốt và mang chiều hướng tích cực, bởi những nhân vật ảo này phải thực sự cuốn hút, thực sự có giá trị thì con mới yêu mến và tôn thờ. Do đó, việc yêu thích và thần tượng các nhân vật sẽ có những tác động tích cực đến các bé.

Điều quan trọng ở đây chính là trẻ được học hỏi rất tự nhiên, những thông điệp được đưa vào một cách vô thức, không bị giáo điều khô cứng. Đó là một trong những mặt tích cực của việc trẻ thần tượng nhân vật ảo, nó có vai trò hỗ trợ giáo dục từ gia đình và nhà trường lên các bé.

Tuy vậy, điều này cũng có những tác động tiêu cực, mà người lớn phải chú ý để có cách chăm sóc và nuôi dưỡng con trẻ. Khi qúa thần tượng nhân vật, thậm chí nhập tâm vào nhân vật ấy trong đời sống thực, các bé sẽ xảy ra một số vấn đề về mặt tính cách, giao tiếp.

Các con có thể hoàn toàn mất đi cá tính của mình, khi hoàn toàn bắt chước theo nhân vật. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến những quyết định và lựa chọn của con trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí ảnh hưởng sang tất cả những lĩnh vực khác.

Điển hình như việc phát triển lệch lạc về mặt nhận thức. Bởi các nhân nhân vật họ thuộc một thế giới khác, thuộc một văn hoá khác, xã hội khác không giống với xã hội con đang sống, nhưng vì quá thích nên con đã học theo.

Ngoài ra còn gây nên sự lệch lạc về giao tiếp, tức là con chỉ luôn luôn bắt chước cách nói và cách cư xử của nhân vật đó, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Đáng lo ngại hơn, khi con đã yêu thích và thần tượng một nhân vật thì nhân vật đó làm gì cũng đúng trong mắt con. Đó là điều rất nguy hiểm, chúng ta biết rằng trên thông tin đại chúng, đã xuất hiện trường hợp có em bé cầm cưa đi cắt lung tung, thậm chí cắt luôn vào người em của mình, chỉ bởi vì điều đó giống với nhân vật mình thần tượng.

Thậm chí có trẻ còn cầm ô nhảy từ trên cao xuống, với lý do đơn giản điều này giống với nhân vật hoạt hình mình yêu thích. Trẻ em vốn có tính hiếu động và tò mò, hầu hết những điều các em học được đều là sự bắt chước.

Do đó, một khi đã thích đã thần tượng con sẽ không hiều được rằng việc đó có ảnh hưởng gì hoặc gây tai hại gì, mà chỉ đơn giản là làm theo, bắt chước theo. Đồng thời không cần quan tâm đến hậu quả của nó là gì, đó thực sự là điều rất nguy hiểm khi những nội dung phản cảm, hay nội dung người lớn được cài lên nhân vật của trẻ.

Thậm chí một số trường hợp còn dán nhãn nội dung cho trẻ em, nếu bố mẹ không kiểm soát chặt chẽ và quan tâm đến con cái, thì điều này vô cũng nguy hiểm.

Dạy con thế nào để thần tượng nhân vật ảo đúng cách?

Để giải quyết vấn đề này cha mẹ nên có cách ứng xử làm sao để trẻ nhận thấy cha mẹ không cấm đoán vô lý, mà vừa khiến bé phải nghe lời, cũng như hạn chế việc học theo thần tượng thái quá để phát triển đúng hướng.

Thông thường phương pháp giáo dục nên có một lộ trình nhất định. Trước tiên cha mẹ nên làm bạn, đừng bao giờ trở thành đối thủ của con, vì càng cấm con sẽ càng tò mò, càng xem.

Hãy cứ để con trải nghiệm nếu điều đó không gây ra nguy hại gì đến sức khoẻ và tính mạng. Tiếp theo, nên có những thoả thuận và quy tắc với con, về những nội dung nào được phép xem và tuyệt đối không được xem.

Bên cạnh đó, cần khoanh vùng sự ảnh hưởng của nhân vật thần tượng lên chính bản thân con. Ví dụ, con có thể mặc giống, nhưng không được phép nói giống hay hành động giống nhân vật.

Sau đó, nên đưa thêm các lựa chọn phù hợp khác bên cạnh để con có sự quyết định. Ngoài ra, nên đưa thêm các nội dung cũng thú vị khác vào để con có sự chuyển đổi. Cha mẹ cũng nên hạn chế thời gian cho con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, thay vào đó nên hướng con theo các hoạt động vui chơi ở ngoài trời với thiên nhiên, hoặc giao tiếp với con người.

Bởi thực sự chỉ có những hoạt động như vậy, mới tạo nên nhận thức phù hợp, cũng như tác động đầy đủ toàn diện lên trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo Doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ