(GD&TĐ) - Đối với một số học sinh, môn lý rất khó để học tốt. Nhưng đối với tôi, môn lý rất thú vị. Cũng đã đạt được nhiều thành tích tốt với môn này như học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, tôi muốn chia sẻ với các em học sinh những kinh ngiệm học tập của tôi.
Môn vật lý là môn nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; học sinh có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai.
Trước tiên, để có thể hiểu rõ những vấn đề trong môn vật lý, học sinh phải chăm chú nghe giảng. Những hiện tượng chỉ tuân theo một số nghiên tắc nhất định, và để hiểu rõ những hiện tượng đó thì học sinh có thể hỏi thầy cô trên lớp, những bạn giỏi về môn này để giải thích giúp. Học sinh có thể lên mạng để tìm những hình ảnh minh họa, những đoạn phim mô phỏng những thí nghiệm học trên lớp. Trên mạng có rất nhiều tư liệu và minh họa dễ hiểu. Chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là học sinh đã phần nào làm được những câu lý thuyết.
Sau đó là công thức tính toán, môn lý có hai phần: thứ nhất là phần lý thuyết, thứ hai là phần bài tập. Việc nhớ rõ công thức là điều rất quan trọng. Vì nếu học sinh nhớ sai công thức thì kết quả bài làm sẽ sai. Lúc học những công thức mới, tôi cũng cảm thấy rất khó nhớ. Nhưng tôi không cố gắng học công thức ngay từ đầu mà lấy bài tập ra làm. Trong lúc làm vẫn lấy công thức ra xem. Nhưng rồi làm nhiều bài như vậy, khoảng 10 bài là đã nhớ công thức. Như vậy vừa hiểu rõ công thức, vừa biết áp dụng đúng và nhớ công thức lâu.
ảnh minh họa |
Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà học sinh phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối học sinh.
Theo tôi thì nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu học sinh nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng theo tôi số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi học sinh nhớ không rõ công thức, và việc nhớ một công thức tổng quát sẽ làm học sinh cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều học sinh sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu.
Tôi để ý thấy một số học sinh sau khi đọc xong đề thì tưởng tượng trong đầu hiện tượng rồi viết công thức tính toán ngay. Tôi nghĩ nên vẽ hình minh họa hiện tượng trước rồi hãy tính toán. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hiện tượng hơn và ít bị rối hay làm sai bài toán.
Với những bài phức tạp thì việc vẽ hình còn quan trọng hơn nữa, nhưng tôi thấy một số học sinh vẽ hình minh họa rất sơ sài hay vẽ rất nhỏ. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ nên vẽ hình lớn một chút, vì sau đó ta còn viết hay vẽ thêm nhiều dữ kiện khác. Điều này giúp cho hình minh họa dễ nhìn hơn và có thể viết những dữ kiện đề bài cho ngay trên hình vẽ. Nó sẽ giúp việc tính toán chính xác và nhanh hơn.
Trình tự làm một bài toán vật lý mà tôi đã làm là:
Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.
Về việc tóm tắt đề bài, tôi thấy một số học sinh không làm bước này mà tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Điều này dễ làm rối học sinh vì trong đề có rất nhiều chữ và những con số cần thiết thì không nhiều. Việc tóm tắt sẽ làm học sinh biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để học sinh có hướng giải cho bài toán.
Còn một điều nữa là thông thường tôi thấy học sinh hay than vãn về một môn nào đó mà chúng không giỏi. Và tại vì không giỏi nên làm thế nào cũng không giỏi, không chịu dành thời gian nhiều hơn cho môn đó. Học sinh thường tập trung cho những môn chúng giỏi, dành nhiều thời gian hơn cho những môn đó và ít dành thời gian cho những môn chúng không giỏi. Vậy là môn giỏi thì càng giỏi và môn không giỏi thì càng không giỏi.
Với môn lý cũng vậy. Nếu học sinh muốn giỏi thì bỏ thời gian ra làm bài tập, hỏi thầy cô, bạn bè, hay đi học thêm cũng được. Nhưng điều quan trọng là phải có cách học hợp lý và dành thời gian đúng mức cho môn đó. Tôi cũng vậy, mỗi lần học xong một chương sách mới, tôi cảm thấy rất khó hiểu. Nhưng vì tôi cố gắng dành thời gian giải bài tập và mua sách đọc thêm. Và cũng nhờ vậy mà tôi thấy môn lý không quá khó như các bạn tôi than vãn. Tôi cũng dành nhiều thời gian cho môn toán, và kết quả môn toán của tôi cũng rất tốt.
Đây là một số kinh nghiệm học tập của tôi. Mong có thể giúp phần nào cho những em học sinh học tốt hơn trong môn tự nhiên này và những môn khác nữa.
Phan Bình Phương