Trò chuyện nghiêm túc
Những đứa trẻ ương bướng luôn sẵn sàng đối mặt trực tiếp với các cuộc tranh cãi, vì thế đừng cho con có cơ hội ấy. Thay vào đó, hãy lắng nghe điều con nói và biến nó thành một cuộc trò chuyện cởi mở.
Một khi bạn thể hiện rằng mình sẵn sàng lắng nghe con sẽ khiến bé cũng làm như vậy với cha mẹ. Trong phần lớn các trường hợp, một cuộc trò chuyện nghiêm túc có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề hơn là cãi vã.
Hơn nữa, trò chuyện nhẹ nhàng giúp bạn hiểu được điều mà con nghĩ và muốn là gì; nguyên nhân nào khiến bé trở nên bảo thủ…
Thông qua giao tiếp, bố mẹ mới có cơ hội giảng giải đúng sai cho con hiểu. Thế nhưng, người lớn cũng cần nhớ trong cuộc trò chuyện, đừng ép buộc con. Bởi vì khi ép con làm một việc gì đó, các bé có xu hướng chống đối và muốn làm ngược lại rồi khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
Nói chính xác hơn thì đây là hành vi phản kháng, một đặc điểm chung mà những đứa trẻ cứng đầu thường có.
Tốt hơn hết nên kết nối với con thay vì ép buộc. Chẳng hạn, nếu bé cảm thấy khó chịu, cáu bẳn khi phải ăn hết bữa cơm của mình thì bạn đừng ép con ăn. Thay vào đó, hãy hỏi con tại sao không muốn ăn, đồng thời đưa ra phương án giải quyết thích hợp. Giải thích với con việc con bỏ bữa sẽ nhận hậu quả như thế nào.
Luôn giữ bình tĩnh
Đôi khi trẻ không thực sự cứng đầu hoặc bướng bỉnh, có thể con chưa biết làm những gì mà người lớn yêu cầu. Vì vậy, hãy chậm lại một chút, hít thở thật sâu, đặt câu hỏi và lắng nghe những gì con nói. Đây có thể là cách dạy trẻ bướng bỉnh và là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ mất bình tĩnh, phải giữ kiên nhẫn với một cái đầu lạnh. Việc người lớn nóng giận, không kiểm soát được tâm trạng chỉ khiến cho con bướng bỉnh càng có xu hướng phản kháng.
Hãy hỏi han và giải thích những gì con đang làm là đúng hay sai. Đừng quá gay gắt khi con không biết nghe lời mà hãy từ từ phân tích. Đồng thời, thiết lập một số thói quen cố định trong gia đình, ví dụ như khung giờ con phải ngồi vào bàn học, giờ thức dậy đến lớp, xem tivi, giờ chơi, lên giường đi ngủ…
Những đứa trẻ bảo thủ, cố chấp sẽ phải tự mình học cách đi vào nền nếp và bớt mè nheo hơn.
Tôn trọng và có sự đàm phán
Có đôi lúc, người lớn cũng nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu lý do tại sao bé lại hành xử như vậy. Một đứa trẻ bảo thủ thường khó chấp nhận bị ép buộc, thế nên tốt hơn hết là hiểu và tôn trọng con bằng cách tìm kiếm sự hợp tác, đừng khăng khăng bắt con tuân theo chỉ định. Cố gắng đồng cảm với con, không nên coi thường cảm xúc của bé.
Bố mẹ đưa ra các quy tắc và áp dụng nhất quán. Để con làm những gì trong phạm vi cho phép, không nên quá khắt khe. Luôn giữ lời hứa, cho con biết mình được tôn trọng, đồng thời làm gương để con quan sát và thực hiện.
Những đứa trẻ bảo thủ thường khó chấp nhận việc bị từ chối thẳng thừng khi chúng yêu cầu điều gì đó. Vì vậy, hãy cố gắng thương lượng với con thay vì nói “không”. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng đàm phán với con, nhưng không được nhượng bộ.
Hãy cho con được lắng nghe, tôn trọng, thế nhưng với những yêu cầu “quá quắt” thì tuyệt đối không được đáp ứng. Nếu bạn đáp ứng một lần, lần sau chắc chắn con lại muốn nhiều hơn nữa.
Khi việc giảng giải, phân tích với con không hiệu quả, nên áp dụng chiêu phớt lờ. Dần dần con sẽ học được cách chấp nhận và từ bỏ thói quen vòi vĩnh vô lý của mình. Con sẽ hiểu được rằng, không phải bất cứ yêu cầu nào của mình cũng được chiều theo.
Bày tỏ yêu thương
Nếu con đang vui hoặc mải mê với một hoạt động nào đó, có lẽ con cần thời gian chờ để chuyển tiếp sang hoạt động khác. Hãy cho con thêm một chút thời gian. Với phương pháp này, con sẽ dễ dàng chấp nhận yêu cầu và nghe theo lời người lớn hơn.
Cha mẹ cũng có thể sử dụng đồng hồ cảnh báo để dạy con biết tuân theo quy tắc.
Bên cạnh đó, hãy để gia đình là nơi yên bình, nơi con cảm thấy thoải mái, an toàn và vui vẻ. Người lớn cần đối xử tôn trọng, lịch sự với nhau và không có các hành vi xích mích, cãi cọ.
Trẻ em học hỏi từ việc quan sát. Các bé thường có xu hướng bắt chước những gì nhìn thấy. Do vậy, người lớn tuyệt đối không được tranh cãi hoặc xung đột với nhau trước mặt con.
Mặt khác, tránh lăng mạ, xúc phạm con, tuyệt đối đừng bao giờ nói với trẻ rằng con là một đứa bảo thủ, khó dạy. Bởi vì bướng không phải là nhân cách của trẻ, đó đơn giản chỉ là đặc điểm về tính cách và có thể sửa chữa được nếu ba mẹ biết cách dạy dỗ.
Hãy nhìn sự bảo thủ của con bằng con mắt tích cực. Bởi thực tế, một đứa bé ngang bướng thường có cá tính và chính kiến riêng, nhưng đôi khi con chưa phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai nên khiến mọi người nghĩ rằng con là trẻ hư.
Do vậy, tốt hơn hết muốn con trở nên ngoan và biết nghe lời hơn thì nên thường xuyên động viên, khen ngợi con.
Theo TS Nguyễn Thị Hòa, để một đứa trẻ cứng đầu biết nghe lời, người lớn trong nhà cần nhất quán một cách dạy. Tránh trường hợp ông bà chiều cháu, đáp ứng các yêu cầu vô lý, khiến cho bé ngày càng bướng bỉnh và khó dạy bảo hơn. Khi người lớn đồng nhất quan điểm, nghiêm túc và không bênh vực trẻ một cách vô lối, sẽ khiến những trẻ ngoan ngoãn, biết lắng nghe hơn.