Cách hay giáo dục học sinh hành vi ứng xử tích cực

GD&TĐ - Giáo dục hành vi ứng xử tích cực là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành giáo dục hiện nay. Đặc biệt đối với bậc tiểu học, phần lớn các em học hai buổi ở trường với sách vở và lí thuyết, rất ít khi được tiếp xúc với thực tiễn.

Cách hay giáo dục học sinh hành vi ứng xử tích cực

Các em có thể làm toán giỏi, viết văn hay, sử dụng máy tính thành thạo nhưng khi đối mặt với các tình huống thực tiễn lại lúng túng trong cách ứng xử.

Nâng cao nhận thức để hình thành thói quen suy nghĩ tích cực

Trước tiên, giáo viên giúp học sinh thay đổi cách nhìn nhận tích cực về mọi vấn đề. Hướng dẫn học sinh cách suy nghĩ tích cực về những tình huống xảy ra, khai thác ý nghĩa tích cực ở từng chi tiết, từng điểm tốt đẹp mà sự việc đó mang lại.

Việc hướng dẫn được thực hiện ở tất cả các tiết học và chương trình ngoại khóa, đặc biệt qua bài tập thực hành kĩ năng sống (BTTHKNS) lớp 2 chủ đề 5; lớp 3 chủ đề 4; lớp 4 chủ đề 5; lớp 5 chủ đề 3 và 4.

Vào tiết sinh hoạt lớp, giáo viên kết hợp kể “Câu chuyện cái bình nứt”, giúp học sinh hiểu tất cả mọi người ưa chuộng sự toàn mĩ. Đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân.

Bởi vì cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như chiếc bình, dù không hoàn toàn lành lặn nhưng vẫn có ích cho đời, làm cho cuộc sống phong phú hơn.

Tiếp theo, giáo viên giúp học sinh hình thành những suy nghĩ thể hiện thái độ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Giáo viên kể chuyện về tấm gương Nguyễn Ngọc Ký, dù liệt hai tay nhưng vẫn đi học và học giỏi; câu chuyện về một người bị kẹt trong thang máy đã cố gắng xoay sở để tìm sự giúp đỡ;... Qua đó, học sinh hiểu: Khi gặp khó khăn trở ngại, cần bình tĩnh, tự tin cố gắng hết khả năng của mình để giải quyết.

Hoạt động nhóm: Kể cho nhau nghe những câu chuyện, những tình huống nói về thái độ tích cực vượt qua khó khăn, mặc cảm để vươn lên. Chia sẻ với bạn về các suy nghĩ tích cực khi gặp tình huống khó khăn của chính mình.

Giúp học sinh thường xuyên rèn luyện thói quen suy nghĩ tích cực: Ở các tiết học kĩ năng sống, ngoài việc cung cấp kiến thức trong bài, giáo viên đều có thể rèn cho học sinh thói quen suy nghĩ tích cực.

Kiểm soát cảm xúc và không vội vàng phán xét

Giáo viên giúp học sinh hiểu vì sao cần thay đổi thói quen phán xét. Khi ai đó mắc sai lầm, gặp rắc rối, có cá tính hay hình dáng đặc biệt,... cái họ cần là sự giúp đỡ, cảm thông chứ không phải là phán xét, chê bai. Nỗi sợ bị phán xét tạo nên tâm lí bất an và cảm xúc lo lắng, dẫn đến những ứng xử mang tính tiêu cực.

Giáo viên tuyệt đối không được phê bình, phán xét khi các em làm chưa tốt. Bởi nếu vậy sẽ làm mất sự chủ động, tự tin và hoà nhập cùng bạn bè, các em sẽ không đủ dũng cảm để thể hiện mình, lâu dần không thể hình thành những hành vi ứng xử tích cực cho các em. Chuyên gia tâm lí học người Nga Dorothy Holte đã nói: “Nếu trẻ sống với sự phê bình, thì trẻ sẽ học cách chỉ trích”.

Gần gũi, đồng cảm và ứng xử khoan dung, nhân ái

Giáo viên cần có sự đồng cảm, thiện chí trong giao tiếp với học sinh; thông cảm với việc bộc lộ cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ, đôi khi thiếu kiểm soát của học sinh, đặc biệt là học sinh đầu lớp 1. Cách ứng xử của giáo viên trước học sinh cũng chính là giúp học sinh học bằng trải nghiệm thực tế.

Giáo viên có thể thay một số bài tập tình huống trong sách bằng tình huống thực tiễn. Ví dụ: “Bạn Vũ Anh Kiệt lớp 4E bị mắc bệnh tự kỉ. Hãy hình dung cách ứng xử của các bạn trong trường với bạn Kiệt và trình bày trước lớp theo hình thức tiểu phẩm”.

Học sinh cần hiểu rõ tính cách, suy nghĩ, hành động của nhân vật mình đóng vai, tìm ra điểm tốt hoặc chưa tốt của nhân vật. Chia sẻ trung thực những suy nghĩ, cảm nhận, quan điểm cá nhân.

Khi đóng vai, giáo viên hướng dẫn học sinh các bước như sau:

Bước 1: Tìm hiểu nội dung tiểu phẩm.

Bước 2: Phân tích tiểu phẩm: Làm việc theo nhóm, thảo luận thể hiện ý tưởng, nội dung. Phân vai, độc thoại hoặc đối thoại.

Bước 3: Các nhóm lên đóng vai.

Bước 4: Phát biểu ý kiến, cảm nhận cá nhân. Học sinh khái quát những nội dung đã học, viết bài học rút ra từ tiểu phẩm. Giáo viên phỏng vấn học sinh đóng vai: Để lựa chọn cách ứng xử này, em đã suy nghĩ như thế nào?

Cả lớp thảo luận, nhận xét: Cách ứng xử đã phù hợp hay chưa phù hợp? Chưa phù hợp ở điểm nào? Vì sao?

Lưu ý: Tình huống nên mở, không cho trước phần kết. Dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai. Nên khích lệ học sinh nhút nhát tham gia.

Trong cuộc sống, các em có thể đồng cảm với cảnh ngộ gần gũi: Bạn đang trực nhật một mình, bác lao công trong trường, những người có hoàn cảnh khó khăn,... Xa hơn là người dân sống nơi thiên tai, người bị tai nạn,... từ đó hình thành ý thức, hành vi giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác.

Gần gũi và đồng cảm dẫn đến biểu hiện của lòng khoan dung và nhân ái. Khi đối xử khoan dung, nhân ái, những người có lỗi lầm dễ nhận ra sai trái và có cơ hội để sửa.

Ngay bản thân mình cũng cảm thấy thanh thản, yêu đời, tích cực làm nhiều việc tốt. Nhưng khoan dung không có nghĩa là bao che, dung túng cho việc cố tình sai trái, gây tổn hại tới chuẩn mực đạo đức con người.

Trong các tiết học kĩ năng sống ở tiểu học, không có tiết học dành riêng để rèn kĩ năng này. Giáo viên có thể tùy nội dung từng bài để bổ sung kiến thức và giúp học sinh rèn cách ứng xử khoan dung qua các hoạt động hàng ngày.

Rèn thói quen ứng xử tích cực trong mọi tình huống

Thứ nhất, giáo viên cần duy trì và phát huy thái độ tích cực của học sinh. Học sinh tiểu học thường hay bắt chước, học theo hành động của người mà mình yêu mến, quý trọng. Các em luôn xem giáo viên là “thần tượng”, “chuẩn mực tuyệt đối”.

Vì vậy ngoài việc thực hiện 3 giải pháp nêu trên, bằng những hành động, cử chỉ, lời nói cách cư xử hàng ngày, giáo viên tác động liên tục đến nhận thức, tình cảm và hành vi của mỗi học sinh.

Những gì giáo viên thường xuyên làm quan trọng hơn nhiều so với những gì giáo viên nói. Muốn học sinh có hành vi ứng xử tích cực, giáo viên hãy làm như thế.

Nếu những người xung quanh có thái độ không nhất quán và tiêu cực, các em cũng sẽ học theo với thái độ tương tự. Do đó, giáo viên kết hợp với gia đình học sinh để tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành thói quen ứng xử tích cực cho các em.

Thứ hai, giáo viên ghi nhận, khích lệ và khen ngợi kịp thời hành vi ứng xử tích cực; nhắc nhở, điều chỉnh hành vi ứng xử chưa phù hợp của học sinh.

Giáo viên nên khen ngợi đúng lúc và thiết thực ngay khi học sinh có hành vi tích cực. Khi khen học sinh, để đạt được kết quả tốt nhất, giáo viên cần:

Thể hiện cảm xúc khi khen học sinh: nhìn khích lệ, mỉm cười, gật đầu,... Sử dụng nhiều hình thức khen ngợi. Khen bằng lời kết hợp với hành vi cử chỉ có tính khích lệ, động viên: “Thật đáng ngạc nhiên!”, “Thật tuyệt!” “Đúng là một niềm vui to lớn!”,... hoặc đơn giản hơn như: tốt, tốt lắm, tuyệt,...

Tập trung vào các việc học sinh làm tốt. Nếu có cả hành vi tốt và không tốt, giáo viên tập trung vào việc tốt, không nên trách mắng hay phản ứng ngay.

Không so sánh học sinh với các bạn khác. Chỉ cho học sinh thấy sự tiến bộ hoặc việc làm không tốt của mình bằng cách so sánh hành vi trước đây và hiện nay của các em.

Đặt ra các mục tiêu để học sinh tiếp tục phấn đấu. Sử dụng vai trò của tập thể trong khen ngợi học sinh: khen trước lớp, khen nơi đông người,...

Khen ngợi giúp học sinh định hướng được hành vi đúng, sai và là động lực giúp học sinh tự tin phấn đấu. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, giáo viên phải phê bình để học sinh nhận ra hành vi ứng xử chưa phù hợp.

Lưu ý luôn “khen ngợi rồi mới phê bình”. Hãy luôn dành cho học sinh những lời khen thích hợp, đúng lúc để phát huy những hành vi ứng xử tích cực ở học sinh.

Thứ ba, tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, rèn ý thức trách nhiệm. Khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, trải nghiệm kỹ năng sống. Qua đó rèn kỹ năng phối hợp, kỹ năng giao tiếp, tinh thần trách nhiệm,... cho các em.

Rèn ý thức trách nhiệm sẽ hỗ trợ cho học sinh trong việc tiếp nhận các kĩ năng trong chương trình học kĩ năng sống như: Kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề (lớp 1); Kĩ năng đảm nhận trách nhiệm (lớp 3); Kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề; kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ khi khó khăn (lớp 4); Kĩ năng ứng phó với căng thẳng, kĩ năng hợp tác, kiên định và từ chối, kĩ năng lập kế hoạch (lớp 5);...

Cần làm cho học sinh hiểu: không được đổ lỗi, viện cớ mà cần phải thừa nhận lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ. Để hình thành ý thức trách nhiệm, học sinh cần rèn tính kỉ luật, biết lập kế hoạch, học cách hợp tác để giải quyết công việc và cởi mở trong việc tiếp nhận phê bình. Để phát triển ý thức trách nhiệm thành thói quen tốt, học sinh cần chủ động đặt mục tiêu và chủ động thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên giao nhiệm vụ cụ thể hoặc hướng dẫn các em tự đảm nhận, từ nhiệm vụ đơn giản đến nhiệm vụ phức tạp, khó khăn hơn như: trực nhật lớp, hoàn thành nhiệm vụ trong hoạt động nhóm,...

Khi giao nhiệm vụ, giáo viên lưu ý: ngoài giao việc trực tiếp, giáo viên có thể giao việc theo cách gián tiếp để tránh gây áp lực cho học sinh và có thể kiểm tra sự tiến bộ trong việc thể hiện thái độ tích cực của mỗi cá nhân.

Bước 3: Không giao nhiệm vụ, nhưng chia sẻ việc các em đã tự giác làm được.

Học sinh chia sẻ việc đã làm và cảm xúc khi ngôi trường thêm sạch đẹp. Giáo viên khen ngợi và khẳng định: Vệ sinh trường lớp, không vứt rác bừa bãi là việc làm tích cực thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Với ba bước, giáo viên theo dõi được số lượng học sinh tích cực trong việc bảo vệ môi trường tăng hay giảm, thường xuyên hay không thường xuyên để tiếp tục hình thành thói quen tốt cho các em. Giáo viên khen ngợi những học sinh và nhóm học sinh có trách nhiệm, tự giác bảo vệ môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.