Cách hay dạy học sinh cá biệt

Chị gái tôi dạy học tại một trường THPT dân lập ở Thanh Hóa. Mỗi khi gặp, chị lại than thở không biết phải làm gì với những em học sinh cá biệt.

Cách hay dạy học sinh cá biệt

Chị kể rằng mỗi ngày đến lớp, việc đầu tiên chị làm là xem H. (cậu học sinh cá biệt trong lớp chị chủ nhiệm) đã đi học chưa? Rồi chị lại tiếp tục “ca” bài quen thuộc kiểu như: “Sao em không mặc áo trắng?”, “Hôm qua cô đã nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần mà sao nay em vẫn chưa chịu cắt tóc?”, “Mái tóc vàng của em không hợp khi vào lớp”, “Em có thể ngồi yên cho lớp học được không?”...

Chị cho rằng quá mệt mỏi khi cứ phải chấn chỉnh cậu học sinh cá biệt này. Bởi nhẽ cậu còn rủ rê thêm vài em khác cùng ăn mặc khác người như muốn làm khó chủ nhiệm lớp. Ở trong lớp, một học sinh cá biệt đã khổ, đằng này lại có tới bốn, năm em tụ tập, đàn đúm như muốn thử thách sự kiên trì, nhẫn nhịn của thầy cô giáo.

Thế rồi, một thời gian không thấy chị gái gọi điện than thở về học sinh hư nữa, mà có lần chị khoe: “Mấy đứa quậy phá lớp chị bị khóa chân trong những lớp ngoan rồi”. 

Chị kể rằng sau khi tìm đủ mọi cách để chấn chỉnh không được, cuối cùng chị nghĩ chỉ còn một cách đặt các em vào môi trường học tập hăng say, ngoan ngoãn. Những em học sinh cá biệt trong lớp bị tách ra rồi phân bổ vào từng lớp. Mà những lớp này chính là A1, A2, A3, A4 (đây là những lớp chọn) để các em không thể “kéo bè kết cánh” trong lớp. 

Thứ hai là khi không được hưởng ứng những trò nghịch ngợm, các em sẽ dần cảm thấy chán. Tiếp đến là khi tất cả mọi người cùng thi đua học tập thì các em cá biệt thấy mình lẻ loi, bị bỏ rơi nếu cứ tiếp tục những trò nghịch ngợm, dần dần các em này sẽ ngoan hơn.

Sau khi cho những học sinh cá biệt này vào các lớp chọn, chị tôi cũng như ban giám hiệu rất lo lắng tình huống các em quấy phá bạn học, khiến lớp không thể tập trung vào bài giảng được. 

Thế nhưng thực tế thì ngược lại, ngoài sự mong đợi của chị tôi. Khi H. vào lớp A1 không có “đồng bọn”, khi bày trò chẳng ai hùa theo hay a dua cùng nên dần dần H. cũng ít trò nghịch ngợm hơn. Với lại khi vào trong này, H. được một người bạn kèm cặp trở nên chăm chỉ hẳn lên. 

Cái đáng nói là về lực học tuy chưa theo kịp các bạn, nhưng H. đã có ý thức chấp hành nội quy trường lớp, không còn bùng tiết, bỏ học như trước nữa.

Với những học sinh cá biệt thì càng hạn chế nói nhiều, hạn chế việc chì chiết, phê bình để tránh tình trạng “nhờn thuốc”. Bởi nhẽ nói nhiều sẽ giống hội chứng quá liều, các em cứ “chai” mặt ra, tỏ ra không sợ, có khi còn theo tư tưởng đằng nào thì nghe nhiều rồi, giờ nghe thêm cũng chẳng có sao. 

Không nên “bêu đầu” các em học sinh cá biệt trước tập thể lớp với suy nghĩ để em biết xấu hổ, tự trọng mà thay đổi, sửa sai. Điều này có khi lại “gậy ông đập lưng ông”.

Theo tuoitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ