Kỳ thực, dù trẻ còn nhỏ, có thể chưa hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền nhưng ít nhất bạn cũng nên để trẻ sớm hiểu được thực trạng tài chính của gia đình và nếu có thể nên dạy trẻ biết quán xuyến quản lý quỹ chi tiêu riêng của mình.
Trẻ cần biết giá trị của đồng tiền
Vốn dĩ có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế lại khá giả nên hàng ngày ngoài tiền ăn sáng, chị Thu Nga (kinh doanh điện máy tại Hà Nội) thường cho cậu con trai học cấp 2 của mình 30.000 tiêu vặt.
Không những vậy mỗi khi con muốn mua một món đồ hay quà sinh nhật bạn, chị đều hào phóng cho con mà không đắn đo. Bởi chị nghĩ đơn giản rằng không muốn con phải thua kém bạn bè của mình. Tuy nhiên sự việc xảy ra đã khiến chị phải nghĩ mình nên thay đổi cách giáo dục con.
Tuần trước con chị xin tiền đóng học như mọi tháng, nhưng không hiểu mải chơi thế nào mà đánh rơi cả một triệu đồng mẹ đưa. Nhưng chị buồn hơn cả là thái độ của con rất dửng dưng khi nói điều này với chị.
Số tiền con đánh mất chị cũng tiếc, song điều chị lo lắng hơn là con trai đã không biết quý trọng đồng tiền mà cha mẹ đã làm ra… Đây cũng là tâm sự của nhiều bậc phụ huynh khi trao đổi về việc làm thế nào để con biết quý giá trị đồng tiền và biết chi tiêu cho hợp lý.
Có nhiều phụ huynh vì muốn trẻ chấm dứt đòi hỏi khi muốn mua một món đồ gì đó lại đưa ra những câu trả lời ngay như: “Mẹ không có đủ tiền” hoặc “Mẹ không đủ khả năng mua thứ này đâu. Nhà mình nghèo lắm”.
Khi đó trẻ sẽ thôi không vòi vĩnh, còn mẹ cũng nhẹ nhõm vì giải tỏa được áp lực. Nhưng những câu trả lời qua quýt như thế này về lâu dài lại không có hiệu quả giáo dục.
Khi lớn hơn, bé có thể biết là cha mẹ luôn có tiền, đủ điều kiện kinh tế chứ không phải không có tiền. Cho nên khi còn đòi mua thứ gì đó mà bạn muốn từ chối, bạn hãy giải thích với con một cách rõ ràng:
“Mẹ có tiền nhưng mẹ không thể mua món đồ này cho con vì quá đắt”, hoặc “Mẹ còn phải chi tiêu cho những sinh hoạt của gia đình mình”…
Hoặc tùy từng tình huống mà bạn có thể tư vấn cho con chọn một món đồ có giá hợp lý hơn. Điều này giúp bé có thói quen biết cân nhắc khi muốn mẹ mua cho một thứ gì đó.
Dạy trẻ biết chi tiêu hợp lý
Chị Lan Hương ở khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ: Thường thì sau mỗi dịp tết con gái của chị lại có một khoản tiền do người thân mừng tuổi.
Khi con đã học lớp 4 chị hướng dẫn con lập một quỹ riêng để chi tiêu trong suốt năm học. Cháu rất hào hứng khi được tự mình lên kế hoạch mua sắm sách vở và đồ dùng học tập cũng như những món quà nhỏ vào dịp sinh nhật bạn bè.
Từ khi được tự mình quản lý quỹ chi tiêu riêng, chị thấy con gái biết cân nhắc tính toán mua sắm một cách tiết kiệm. Cháu còn tự ghi chép việc chi tiêu vào một cuốn sổ nhỏ.
Thỉnh thoảng hai mẹ con còn trò chuyện với nhau về việc để làm ra tiền thì mỗi một nghề phải đòi hỏi những yêu cầu như thế nào? Rõ ràng khi trẻ hiểu được giá trị của lao động và tự mình quản lý một quỹ riêng chúng sẽ có ý thức tiết kiệm khi chi tiêu.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của nhiều cuốn sách về nuôi dạy trẻ như Cha mẹ là số phận của con cái, Sách dạy kỹ năng sống cho trẻ… cũng đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này:
Tiền sẽ làm hư trẻ chỉ ở trong trường hợp con quá dễ dàng có tiền mà không đổ chút mồ hôi công sức nào. Lúc này trẻ coi thường tất cả, công sức của cha mẹ, giá trị lao động và giá trị cuộc sống.
Vậy nên theo TS Vũ Thu Hương không thể dễ dãi cho tiền trẻ, hãy để trẻ tìm hiểu giá trị đồng tiền bằng công thức khó khăn hơn một chút.
Do đó cha mẹ có thể cho con làm các công việc bán thời gian, thủ công nghiệp như đan lát, khâu vá, thiệp, đồ handmade… những việc phù hợp với lứa tuổi của con. Để kiếm được tiền bằng sức lao động của mình trẻ sẽ hiểu rằng mình phải luôn nỗ lực.
“Không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để các bậc cha mẹ bắt đầu giáo dục con về tiền bạc, về quản lý tài chính. Tuy nhiên, mẹ cũng cần phải cho bé hiểu rằng, tiền không phải là tất cả. Chúng không thể thay thế sức khỏe, gia đình, bạn bè hay niềm vui, hạnh phúc… mà những thứ đó còn quý giá hơn tiền gấp vạn lần”.
TS Vũ Thu Hương