Cách giúp trẻ bộc lộ "cái tôi" lịch sự và văn minh

GD&TĐ - Trong quá trình phát triển, trẻ em học cách hình thành ý kiến cá nhân. Trẻ mong muốn bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng.

Bữa tối là thời điểm tuyệt vời để các thành viên gia đình bày tỏ quan điểm.
Bữa tối là thời điểm tuyệt vời để các thành viên gia đình bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ em phải hiểu rằng, cần thể hiện ý kiến cá nhân với thái độ tôn trọng người khác.

Dấu hiệu trưởng thành

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ nên học là làm thế nào để duy trì thái độ tôn trọng ngay cả khi bất đồng quan điểm với người khác. Trẻ em trong độ tuổi đi học đang ở giai đoạn hình thành tính cách và tính độc lập. Thời điểm này là lúc trẻ có ý kiến riêng về mọi thứ. Đồng thời, trẻ cũng sẽ tìm ra đâu là điều chúng thích và không.

Bà Ann-Louise T. Lockhart - nhà tâm lý học nhi khoa, huấn luyện viên phụ huynh tại Mỹ cho biết, hoàn toàn bình thường nếu đôi khi, trẻ không đồng quan điểm về một vấn đề nào đó với bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc thậm chí là giáo viên hay người hướng dẫn.

“Về mặt phát triển, trẻ em học cách hình thành ý kiến của riêng mình, cũng như có khả năng bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng là rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ em phải hiểu rằng, chúng cần thể hiện ý kiến của bản thân một cách tôn trọng, cho dù đang thảo luận điều gì đó với người lớn hay những đứa trẻ khác. Thực tế, khả năng bình tĩnh khi chia sẻ ý tưởng ngay cả quan điểm đó mâu thuẫn với của người khác là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Khi chúng ta chứng kiến người lớn không làm được điều này, có vẻ là họ chưa trưởng thành”, bà T. Lockhart chia sẻ.

Không ít phụ huynh đặt câu hỏi, liệu họ có thể làm gì để khuyến khích trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận một cách lịch sự. Chia sẻ về vấn đề này, bà T. Lockhart gợi ý, phụ huynh nên theo dõi những gì trẻ chứng kiến khi đang xem tin tức. Đồng thời, chú ý đến những thông tin trẻ tiếp cận trên Internet. Bởi, thực tế, các chính trị gia và chuyên gia có thể đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trên tivi.

Trong khi đó, mạng xã hội cũng là nơi các tài khoản cá nhân có thể đưa ra những bình luận trái chiều. Theo bà T. Lockhart, điều quan trọng hơn bao giờ hết là trẻ em ngày nay học cách từ chối sự xấu xa và bắt nạt. Đồng thời, trẻ cần biết lựa chọn sự tôn trọng và lịch sự.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể khuyến khích trẻ trở thành một người biết lắng nghe. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng, cha mẹ làm mẫu cho hành vi đó bằng cách chú ý tới trẻ khi con đang nói chuyện.

“Lắng nghe là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Đó cũng là một kỹ năng quan trọng trẻ cần có ở trường học, cũng như trong cuộc sống sau này. Hãy dạy con thực sự lắng nghe những gì người khác đang nói và cố gắng hiểu quan điểm của họ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Trẻ cần luôn tôn trọng ý kiến của người khác, dù bất đồng quan điểm.

Trẻ cần luôn tôn trọng ý kiến của người khác, dù bất đồng quan điểm.

Đặt mình vào vị trí đối phương

Một trong những cách giúp trẻ biết thảo luận với sự tôn trọng là cùng nhau nói về các sự kiện xảy ra trong bữa tối. Bà T. Lockhart chia sẻ, thường xuyên ăn tối cùng nhau là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Điều đó cũng có liên quan đến các kết quả tích cực như giảm nguy cơ béo phì, hiệu quả học tập tốt hơn và lòng tự trọng cao hơn.

Bữa tối cũng là cơ hội chính để trẻ em học cách bày tỏ ý kiến cá nhân về những gì đang diễn ra trên thế giới và trong cuộc sống thường ngày.

Bà T. Lockhart cho biết, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ nói về các sự kiện đang diễn ra. Ví dụ, trẻ ở độ tuổi đi học có thể bắt đầu đọc báo hoặc tạp chí tin tức dành cho trẻ em. Khi đó, các cuộc thảo luận có thể xoay quanh một cuốn sách trẻ đang đọc, hoặc điều gì đó xảy ra ở trường. Điều các thành viên trong gia đình cần làm là trao đổi ý kiến và tôn trọng quan điểm của nhau.

“Khuyến khích trẻ học cách nhìn mọi thứ theo quan điểm của người khác. Đây là một trong những khía cạnh cơ bản của sự đồng cảm. Hành động này đã được chứng minh là quan trọng đối với sự thành công của trẻ sau này trong cuộc sống. Khi trẻ có thói quen đặt mình vào quan điểm của người khác, chúng sẽ học cách nhìn mọi thứ theo những cách ít rõ ràng hơn (“Tôi đúng; bạn sai”) và hiểu giá trị của mọi thứ, ngay cả khi chúng không đồng ý với họ”, bà T. Lockhart nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, phụ huynh cần dạy trẻ sống đúng với niềm tin và suy nghĩ của bản thân. “Thật khó để đi theo con đường của riêng bạn khi những người khác đang làm điều gì đó khác biệt. Phụ huynh hãy nói với con rằng, tự tin là điều quan trọng. Đồng thời, nhắc trẻ rằng, việc chắc chắn về ý tưởng và suy nghĩ của mình không có nghĩa là con phải xúc phạm ý kiến của người khác để giúp bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu có thể làm được điều này, đó là dấu hiệu thực sự của sự tự tin đối với ý kiến của trẻ”, chuyên gia này gợi ý.

Ngoài ra, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu rằng, trả lời tin nhắn hoặc email cũng cần lịch sự. Ngày nay, trẻ em và người lớn có thói quen sử dụng thiết bị di động. Mọi người thường xuyên giao tiếp qua email, tin nhắn văn bản cũng như các ứng dụng khác. Điều quan trọng là trẻ em phải hiểu rằng, chúng vẫn cần thể hiện bản thân một cách tôn trọng trên các nền tảng đó.

“Hãy dạy trẻ không bao giờ xúc phạm suy nghĩ của người khác và luôn cố gắng thể hiện quan điểm cá nhân, giống như khi nói chuyện trực tiếp với mọi người. Đừng bao giờ xúc phạm ai đó vì ý kiến của họ. Khi không đồng ý về các khái niệm, niềm tin hoặc ý tưởng, trẻ cũng không nên mang tính cá nhân vào đó. Xúc phạm hoặc thiếu tôn trọng không nên là một phần trong bất kỳ cuộc thảo luận nào”, bà T. Lockhart nhấn mạnh.

Theo Verywellfamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin tức báo in 21/5:

Tin tức báo in 21/5:

GD&TĐ - Tổng hợp tin bài mới và hay nhất trên báo giấy Giáo dục và Thời đại số 122 ngày 21/5/2024.