Các chuyên gia nhấn mạnh, chỉ khi kiến thức được thực hành thành công, chúng ta mới thực sự có tri thức.
Có tri thức nhờ thực hành kiến thức
Là người am hiểu và hứng thú với công việc rèn luyện kỹ năng cho trẻ, cô Phạm Ngọc Anh – giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) - chia sẻ cách hiểu về tri thức:
Một thông tin hay một thực tại khách quan khi chưa được nhận thức thì chưa là gì đối với ai cả. Nếu được ai đó nhận thức bằng các giác quan để ghi lại trong tâm trí thì đó trở thành một tri kiến với họ. Nếu thêm quá trình tư duy, hành động có kết quả để sinh ra được một nhận định nào đó thì nó trở thành kiến thức đối với cá nhân đó. Nếu những điều này đã được thực chứng nhiều lần, mang lại kết quả rõ ràng mang lại nền tảng của sự thấu hiểu về điều đó thì nền tảng của sự thấu hiểu đó mới là tri thức.
Cô Ngọc Anh nêu ví dụ: Một người thấy hiện tượng ánh sáng hội tụ. Sự ghi nhận này là một tri kiến. Nếu người này quan sát thấy cách thức ánh sáng hội tụ là do lớp môi trường truyền ánh sáng bị cong vào sinh ra thì đây là một kiến thức. Khi kiến thức đó khiến người ta tư duy và thực hành tạo ra được kính lúp thì cái sự thấu hiểu nguyên lý đó là một tri thức với họ.
“Kiến thức chỉ được gọi là tri thức khi đưa vào thực hành vì nó được vận dụng vào cuộc sống. Bởi vậy, học đi đôi với hành là vô cùng cần thiết trong giáo dục học sinh. Khi có sức mạnh tri thức sẽ giúp cá nhân mình và nhiều người tốt lên. Ngoài ra, trẻ cần hiểu có tri thức con người sẽ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn.
Ví dụ: Nếu người nông dân biết thời vụ, rút kinh nghiệm những người đi trước, qua sách vở để biến thành tri thức của mình… họ sẽ có mùa màng năng suất, bội thu hơn” – cô Ngọc Anh nhấn mạnh.
Có thể nói, biến kiến thức trở thành tri thức là một trong những vai trò quan trọng của giáo dục. Thông qua giáo dục, trẻ có cơ hội tiếp cận những nguồn kiến thức đúng đắn, rút ngắn quá trình tìm hiểu. Qua đó, trẻ được trao khả năng tư duy và vận dụng vào đời sống để tạo ra những tri thức khác nhau.
Ví dụ: Khi học về tính chu vi, diện tích: Học sinh nắm được thông tin toán học, giải bài toán ra kết quả gọi là kiến thức lý thuyết. Khi tính cụ thể diện tích của căn nhà hay thửa đất… học sinh mới chiếm lĩnh được tri thức về tính chu vi, diện tích.
Trong thế giới hỗn loạn về thông tin, cha mẹ, thầy, cô giáo cần cung cấp cho trẻ về các tầng bậc tri thức: Thông tin – Tri kiến – Kiến thức – Tri thức.
Nếu không đủ hiểu biết, trẻ sẽ nạp thông tin xấu, không có căn cứ thậm chí gây hại. Cần tri giác, chắt lọc thông tin để biến nó thành tri kiến và tìm hiểu để có kiến thức. Đưa kiến thức ra ứng dụng mới thành tri thức của mỗi cá nhân.
Cô Ngọc Anh cho rằng: Cuộc sống chính là nguyên liệu để giáo dục và dạy học. Phải đem giá trị học tập phục vụ cuộc sống mới thành tri thức. Tri thức càng giúp ích được nhiều người càng giá trị. Điều quan trọng là phải gắn được kiến thức trong sách vở với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành để tri thức sản sinh ra tri thức và nhiều giá trị đối với cuộc sống.
Thấu hiểu để chiếm lĩnh tri thức
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty Tham vấn tâm lý Mạnh Linh school psychology: Hiện nay, nhiều cha mẹ quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức cho con bởi họ cho rằng, đó là thước đo giá trị con người, là điều kiện quan trọng để có được thành công trong cuộc sống.
Nhất trí quan điểm, chỉ khi các kiến thức được áp dụng và tạo nên các giá trị, chúng mới trở thành tri thức và mới thực sự làm cuộc sống của mỗi người tốt đẹp hơn, chuyên gia Mạnh Linh đồng thời khuyên các bậc cha mẹ, hãy dạy con hiểu thấu giá trị của tri thức trước khi cho con học và ứng dụng các tri thức đó. Điều này khiến trẻ ý thức hơn với những thứ mình học bởi có mục tiêu cụ thể.
Chuyên gia Mạnh Linh nêu ví dụ cụ thể từ việc dạy con của mình: Tôi dạy con làm việc nhà. Các việc không khó đối với đứa trẻ 9 tuổi nhưng con đã đưa ra hàng loạt câu hỏi “tại sao” để thoái thác.
Các câu hỏi đó xuất phát từ việc con không hiểu được ý nghĩa của giúp mẹ việc nhà. Vì thế, tôi đã có vài trải nghiệm vui với cậu con trai nhỏ. Chúng tôi đi chơi, đi ăn, đi trung tâm thương mại… nơi mà con có thể muốn được tự do làm thứ con muốn. Nhưng tôi liên tục giữ con bên mình. Tôi liên tục lặp lại cho đến khi cậu con trai nhỏ tỏ thái độ khó chịu. Cậu hỏi tôi “sao mẹ không để con tự do?”. Lúc đó là cơ hội để tôi nói chuyện với con về sự tự do, điều kiện để có tự do.
Việc nấu cơm, chăm sóc bản thân cũng vậy… khi con tập và làm tốt thì con có thể tự đi cắm trại với bạn bè, con có thể có những cuộc đi trải nghiệm xa ổn thỏa và thú vị. Mẹ sẽ không cần lo lắng cho con nữa. Cũng như khi con có kiến thức và vận dụng nó, biến thành tri thức của mình, con có thể tự do làm mọi điều mình muốn và có được thành công.
Với góc độ một nhà giáo, cô Ngọc Anh cho rằng: Cần làm nổi bật vai trò của tri thức: Tự học, tự thực hành là tự nâng tầm hiểu biết, nâng cao sức mạnh và giá trị bản thân. Phải biết cách biến các thông tin thành kiến thức và không ngừng trau dồi để các kiến thức trở thành tri thức.
Khi học sinh biết giá trị và mức độ của thông tin, sẽ giúp định hướng và đào sâu kiến thức. Cần lưu ý để cho học sinh đủ thời gian chiêm nghiệm và ứng dụng các thông tin được tiếp nhận một cách từ từ và khoa học nhất, mới có thể giúp chuyển hóa thông tin thành tri thức thực sự.
“Hãy tạo cơ hội cho trẻ quan sát cuộc sống để “soi” lại kiến thức sách vở. Ngày nay, chúng ta đang thực hiện giáo dục trải nghiệm, giáo dục phát triển năng lực phẩm chất… theo đặt hàng của xã hội và thời đại. Hãy nhấn mạnh với trẻ, nếu không tự trau dồi kỹ năng, vun bồi kiến thức sẽ sớm thành lạc hậu. Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, mà là người không biết vận dụng tri thức để tạo ra giá trị cho xã hội” – cô Ngọc Anh nêu quan điểm.
Cũng theo cô Ngọc Anh, hãy dạy trẻ cảnh giác với các thông tin, không nên tin điều gì đó quá. Đừng bám vào các nguồn tin hỗn tạp hay trào lưu mà chỉ tin khi đưa vào vận dụng, thực hành - khi các thông tin, kiến thức được kiểm chứng bằng chính những trải nghiệm cá nhân. Điều này giúp trẻ không bị “mắc kẹt” vào tri thức, rộng bước tới thành công.