Hãy sớm dạy trẻ về giá trị thiêng liêng của hai tiếng “Gia đình”

GD&TĐ - Việc giáo dục con trẻ có ý thức về gia đình, hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của gia đình với cuộc sống là hết sức quan trọng. Cái nôi gia đình êm ấm, hạnh phúc là tấm vé "VIP" cho mỗi người bước tới tương lai.

Gia đình hạnh phúc nâng đỡ bước đường thành công của mỗi cá nhân. (Ảnh minh hoạ)
Gia đình hạnh phúc nâng đỡ bước đường thành công của mỗi cá nhân. (Ảnh minh hoạ)

Gia đình hạnh phúc – thước đo thành công?

Theo chuyên gia huấn luyện và phát triển con người Harry Trịnh (Trịnh Trọng Dương) - Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success: Càng có tuổi, càng trưởng thành, ta càng cảm nhận sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của gia đình, chúng ta càng có trách nhiệm và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Thực tế hiện nay, không ít người trong chúng ta đang chạy theo cái hào nhoáng của thành công, đang có những suy nghĩ chưa đúng về hai từ này: Người thành công là những người giàu có, nhiều tiền, có chức vụ, vị thế hay những người nổi tiếng… Tuy nhiên, theo chuyên gia Harry Trịnh, nên hiểu rằng: Người thành công trước hết phải là người có gia đình hạnh phúc.

Gia đình đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, bởi gia đình là cả thế giới, là tất cả những gì con có: Cha mẹ, ông bà, anh chị em, ngôi nhà và những đồ vật thân thương. Tất cả những gì các con ý thức được về cuộc sống sau này sẽ được tích luỹ và thể hiện thông qua chính cuộc sống gia đình con đang có. May mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy bảo thì con sẽ thấy cuộc đời thật đẹp và thật đáng để sống. Còn ngược lại, con sẽ thấy cuộc sống thật khổ cực, bất công và cuộc đời thật chẳng đáng sống.

“Các bậc cha mẹ hãy dạy cho các con ý thức về gia đình, về chung tay xây dựng gia đình càng sớm càng tốt. Giá trị của những bài học yêu thương, gắn kết của ngày hôm nay sẽ là nền tảng để con xây dựng gia đình riêng trong tương lai. Khi các con thấy được ý nghĩa của gia đình đối với cuộc đời mình, các con sẽ biết cách xây dựng gia đình hạnh phúc, sẽ biết cách yêu thương, dạy thế hệ sau…”, chuyên gia Harry Trịnh nhấn mạnh.

Cách dạy trẻ ý thức xây dựng gia đình

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc giáo dục các con có ý thức về xây dựng gia đình, cho các con thấy được ý nghĩa của gia đình cũng không quá khó.

Chuyên gia Harry Trịnh kể: Khi tôi hỏi cậu con trai lớn 14 tuổi của tôi: “Theo con bố mẹ yêu thương con như thế nào?”, cháu khựng lại, suy nghĩ, cảm xúc bộc lộ rõ trên khuôn mặt. Tôi hỏi lại một cách rất chân thành: “Theo con, bố mẹ yêu thương con như thế nào?”. Cháu nói: Mỗi khi con ốm, bố mẹ luôn chăm sóc, lo lắng, mua thuốc, mua nhiều thức ăn, hoa quả cho con… Đấy là cách cậu lớn trả lời, nhưng tôi biết điều con cảm nhận nhiều hơn thế.

Cùng chơi, cùng học với trẻ cũng là cách dạy con về gắn kết gia đình.
Cùng chơi, cùng học với trẻ cũng là cách dạy con về gắn kết gia đình.

Trò chuyện và đặt câu hỏi để lắng nghe con trả lời là cách tôi thường xuyên thực hiện với con. Những câu hỏi tôi thường hỏi con để tăng gắn kết và giúp con hiểu ý nghĩa của gia đình như:

  • Con mong muốn trở thành một người con như thế nào?
  • Điều con cảm thấy thích nhất ở bố mẹ là gì?
  • Điều con thích nhất ở em con là gì?
  • Điều con thích nhất ở gia đình ta là gì?
  • Theo con thì con quan trọng với bố mẹ như thế nào?
  • Trong gia đình ta con có cảm thấy được hạnh phúc không? Bố mẹ cần làm gì để con được hạnh phúc hơn?
  • Nếu con có quyền thay đổi thì con sẽ thay đổi điều gì ở gia đình ta?
  • Con đã sống xứng đáng với tình yêu thương và sự hy sinh của bố mẹ dành cho con chưa?

Và lần nào tôi cũng nhận được những câu trả lời ý nghĩa từ con, tôi nhận ra cả tôi và con đều thay đổi.

Cả nhà tôi thường xuyên xem những bộ phim hay về gia đình như: Đi tìm Nemo, Brave (Công  chúa tóc xù), Cuộc sống tươi đẹp (The beautiful life)… Mỗi bộ phim, các con đều có nhiều cảm xúc, cảm nhận và thay đổi.

Những bài hát, bài thơ, câu chuyện về gia đình cũng nuôi dưỡng tinh thần, cảm xúc về gia đình như: Gia đình nhỏ, hạnh phúc to; ba ngọn nến lung linh… cũng được mở thường xuyên để tạo bầu không khí gia đình.

Cũng theo chuyên gia Harry Trịnh, quan trọng hơn hết, vẫn là cách mỗi thành viên cùng nhau tạo lập nên cuộc sống gia đình: Dành nhiều thời gian cho gia đình, cùng xây dựng văn hóa gia đình, cùng tạo lập những thói quen, cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc và yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Đó là cách chúng tôi trao đổi, dùng ngôn từ, ứng xử với nhau trong gia đình. Cách chúng tôi ứng xử với ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại, dạy cho các con biết hiếu thuận với ông bà, quan tâm đến gia đình dòng tộc và quê hương.

“Bởi việc giáo dục con có ý thức về gia đình, hiểu được ý nghĩa của gia đình với cuộc sống của con là hết sức quan trọng, cá nhân tôi luôn ưu tiên thời gian cho gia đình. Tôi luôn thiết lập sự ưu tiên các lịch cho gia đình, giữ lời hứa với các con, đặt các con là trung tâm của gia đình. Cùng với đó, cho các con tham gia ý kiến vào cuộc sống gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn, để các con trưởng thành và cảm nhận được gia đình là của mình, là thiêng liêng không gì thay thế được” - chuyên gia Harry Trịnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ