Biết là thế nhưng vì sao sau đám cưới, mẹ chồng nào cũng muốn con cái phải ở chung?
Thời phong kiến, các gia đình truyền thống của người Việt ở cùng nhau nhiều thế hệ trong một ngôi nhà. Những gia đình đạt đến “tứ đại đồng đường” - bốn đời, cha con cháu chắt đều ở chung trong một nhà, luôn được xem là chuẩn mực.
Bốn đời sống cùng nhau nhưng về cơ bản các mâu thuẫn đều bị triệt tiêu. Vì sao vậy? Bởi lẽ trong gia đình lớn ấy đều tuân theo những quy tắc, phép tắc ứng xử một chiều, bất biến.
Bậc cao niên là “thánh chỉ” của lẽ phải. Bậc nam nhi là trụ cột, quyền thế trong gia đình. Các vai vế thứ bậc thấp hơn lần lượt phục tùng, tuân theo lễ nghi, phép tắc của Nho giáo. Họ xem đó là lẽ phải thông thường mình phải tuân theo nên rất ít có trường hợp phản kháng.
Những quan niệm kiểu như “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” hay “tam tòng tứ đức” luôn buộc người con dâu phải thực hành một cách vô điều kiện những lễ nghi vốn có. Họ không chỉ phải thực hiện bổn phận làm vợ, mà quan trọng hơn họ phải thực hiện tốt bổn phận... làm dâu, làm con.
Như thế, họ mới được “chứng nhận” là người vợ tốt. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu nhìn bề ngoài rất yên ấm, không mấy khi có mâu thuẫn lớn xảy ra. Song kỳ thực bên trong nhiều khi có rất nhiều ấm ức, mâu thuẫn.
Chòm xóm, láng giềng không thể nhận ra vì họ đã “việc nhà đóng cửa bảo nhau”. Và, những gia đình đạt “tứ đại đồng đường” đó mãi trở thành tấm gương sáng về sự mẫu mực, hạnh phúc cho mọi gia đình Việt.
Ngày nay, chỉ mới hai thế hệ cùng nhau sống chung trong một gia đình đã nảy sinh không ít xung đột. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng để hóa giải được những mâu thuẫn, xung đột này cần sự thay đổi từ hai phía là mẹ chồng và nàng dâu. Mẹ chồng thì phải biết thấu hiểu và bảo vệ con dâu mình. Con dâu cũng phải biết kính trọng, khéo léo, tinh tế trong việc ứng xử với mẹ chồng.
Nhưng sự thật chẳng mấy ai hành động được như thế cả. Nhiều khi hiểu thế là rất tốt cho cả hai nhưng trong một thời đại mà cái tôi cá nhân, quyền tự do, bình đẳng của mỗi con người đang lên cao thì rốt cuộc chẳng ai nhẫn nhịn ai cả, dù đôi khi đó chỉ là những xích mích nhỏ.
Thế làm sao hóa giải được những mâu thuẫn này? Mẹ chồng nàng dâu có thể có mối quan hệ tốt đẹp không? Dĩ nhiên là có thể nếu quan niệm về một gia đình hạnh phúc của người Việt có sự thay đổi tích cực.
Nếu lâu nay, chúng ta vẫn cứ ngưỡng mộ, ca ngợi những kiểu gia đình thuộc “tứ đại đồng đường” và xem nhẹ những “tế bào của xã hội” có hai vợ chồng cùng hai người con chưa lập gia đình chúng sống với nhau thì bây giờ phải nhận thức lại. Ngẫm kĩ, mấu chốt của mọi mâu thuẫn tiềm ẩn giữa mẹ chồng nàng dâu là ở vấn đề… ở chung. Sống chung thì mọi đồ dùng, sinh hoạt đều phải chung.
Đến giờ ăn, thức ăn, sở thích xem phim nghe nhạc đều phải… chung. Tất cả đều quy về một mẫu số chung cho hai thế hệ quá chênh nhau về tuổi tác là điều không dễ dàng. Đó là “mầm bệnh” phát sinh những xung đột âm ỉ khó giải quyết.
Nhiều người cho rằng, người chồng có thể là vị trọng tài ngăn cản tốt những xung đột đó. Nhưng bên tình bên hiếu người chồng dù có tinh tế, thông minh đến thế nào cũng khó có thể “phân xử” để đem lại sự “hòa bình” cho hai phía.
Do đó, giải pháp tối ưu cho vấn đề “mẹ chồng nàng dâu” chỉ có thể là khi cưới về hai vợ chồng cần phải ở riêng. Ở riêng sẽ đem đến sự thoải mái cho hai phía, nhất là từ những cặp vợ chồng trẻ. Riêng về phần mẹ chồng cũng cần nghĩ thông thoáng hơn, hiện đại hơn thì chắc chắn cũng sẽ rất vui vẻ.
Ở riêng, trước hết sẽ tránh được những mâu thuẫn không đáng có. Thay vì ở chung hàng ngày ra vào đụng chạm thì khi ở riêng có khi cả tuần mới gặp mặt một lần. Điều này sẽ hạn chế được những xung đột trong gia đình.
Cái lợi mà ai cũng nhìn thấy rõ khi phân vân ở chung hay riêng sau khi kết hôn là người chồng sẽ ít phải rơi vào cảnh làm người phân xử giữa mẹ chồng - nàng dâu. Có không gian riêng tư: Ở đó bạn được tự do làm những gì mình thích. Tự quyết định ăn cơm nhà hay ăn bên ngoài, đi đến mấy giờ về, mặc bộ đồ thoải mái nhất.
Vợ chồng trẻ có không gian riêng cho nhau, tạo ra những buổi tối lãng mạn giúp mối quan hệ vợ chồng thêm khăng khít. Ở đó cả vợ và chồng sẽ trưởng thành hơn vì mỗi người đều đã chính thức đảm nhiệm vai trò trong gia đình nhỏ của mình.
Người vợ sẽ đảm đang hơn, biết vun vén chu toàn và chăm sóc con cái tốt hơn. Người chồng với vai trò trụ cột cần chín chắn hơn thay vì dựa mãi vào sự bảo bọc của bố mẹ.
Nhưng rõ ràng, ở riêng cũng có nghĩa là vợ chồng trẻ phải đối mặt với những khó khăn mới: Vấn đề chăm sóc, giáo dục con cái, vấn đề tài chính và cả những mâu thuẫn vợ chồng.
Khi ở riêng cũng có nghĩa là nàng dâu cũng ít được học hỏi thêm được những kinh nghiệm quý báu từ mẹ chồng. Phải tự vào bếp nấu nướng và cùng chồng thống nhất trong việc nuôi dạy con cái. Và đặc biệt phải tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính.
Nhưng cái được dễ thấy nhất, là ở họ không xảy ra những mâu thuẫn căng thẳng đáng tiếc. Thi thoảng vợ chồng con cái vẫn có thể thu xếp về thăm bố mẹ nội ngoại. Những lần về thăm ấy sẽ là sợi dây gắn kết bền chặt tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm giữa nàng dâu với mẹ chồng.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn không thể phủ nhận có những cặp mẹ chồng, nàng dâu sống rất hòa thuận, tình cảm khi họ cùng ở chung một căn nhà. Nhưng nhìn vào phổ quát thực tế đó là rất ít, nên giải pháp chọn một không gian riêng để góp phần cải thiện cuộc sống của mỗi gia đình, nhất là về mặt tình cảm là điều rất quan trọng.
Hi vọng, trong tương lai gần người đời sẽ bảo “nàng dâu, mẹ chồng” với ý nghĩa như là lời khen về một mối quan hệ tốt đẹp của gia đình Việt.