Là chủ biên Chương trình môn Vật lí, thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh cho rằng: Khoa học tự nhiên là ngành khoa học nghiên cứu thế giới tự nhiên. Trước đây, trong trường phổ thông ở nước ta, môn Khoa học (ở tiểu học), môn Sinh học, môn Vật lí, môn Hóa học (ở THCS) là những môn học giúp học sinh nhận thức về thế giới tự nhiên. Các ngành khoa học cũng như môn học trong nhà trường là do con người đặt ra, còn thế giới tự nhiên quanh ta là một thể thống nhất.
Hiện nay, để giúp học sinh nhận thức về thế giới tự nhiên, môn Khoa học tự nhiên là môn học phổ biến trong Chương trình giáo dục phổ thông ở các nước trên thế giới. Ví dụ trong Chương trình giáo dục quốc gia ở Anh, môn Khoa học tự nhiên (Science) được thực hiện trong suốt giai đoạn giáo dục phổ thông bắt buộc (từ 5 tuổi đến hết 16 tuổi).
- Ông nhận thấy triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên ở nước ta gặp những trở ngại gì?
Trở ngại đầu tiên là nhận thức của cả nhà trường và xã hội. Thói quen coi việc giúp học sinh nhận thức về khoa học tự nhiên phải thực hiện bằng 3 môn học (Vật lí, Hóa học, Sinh học) đã ăn sâu vào tiềm thức của tuyệt đại đa số chúng ta, kể cả giáo viên và nhà quản lí giáo dục.
Trở ngại thứ hai và đóng vai trò cực kì quan trọng là quan niệm học để thi, ganh đua về điểm số.
Trở ngại thứ ba là sự chưa đồng bộ chính sách, sự chỉ đạo của các cấp quản lí giáo dục còn lúng túng và theo kiểu cũ. Thực tiễn triển khai môn học này hai năm vừa qua cho thấy, nơi nào có sự nhận thức đồng bộ giữa người quản lí và giáo viên, có sự chỉ đạo đúng của cơ quan quản lí giáo dục thì ở đó gặp thuận lợi.
Bìa sách Cambridge Science lớp 6, lớp 8. |
- Vậy theo ông, nên thực hiện môn Khoa học tự nhiên như thế nào?
Ở nhiều nước trên thế giới, môn Khoa học tự nhiên ở trường phổ thông có thể không phải chỉ do một giáo viên dạy.
Để thực hiện phân công giáo viên như thế, trước hết cần sự đổi mới quản lí ở Ban giám hiệu nhà trường: mỗi giáo viên không nhất thiết phải dạy số tiết cứng theo tuần; không ép giáo viên chưa đủ năng lực phải dạy cả môn học.
Về phía giáo viên, cần thay đổi thói quen dạy theo từng câu chữ trong sách giáo khoa, dạy học nhằm mục đích thi và chạy theo xu thế luyện theo các mẹo giải đề. Giáo viên phải dạy học sao cho giúp học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt đã quy định ở Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Mặt khác, nếu có ba người dạy thì luôn phải tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên sao cho đó là một môn học, không phải các phân môn như quan niệm của đa số giáo viên và các cấp quản lí giáo dục hiện hành. Cần chú ý rằng: tính thống nhất của môn học này được quyết định bởi cách dạy, chứ không phải số người dạy.
Ví dụ, giả sử có ba người dạy các mạch nội dung của môn Toán, chẳng hạn một người dạy Đại số, rồi người khác dạy Lượng giác, ... nhưng họ phải thể hiện chúng thành một khối thống nhất là môn Toán, không phải dạy thành các phân môn và cũng không phải trộn Lượng giác vào Hình học thì mới là môn Toán!
Có thể coi hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa ... là những “phân môn” khi dạy về cơ thể người. Khi trình bày hệ tiêu hóa thì phải đề cập đến ruột; khi trình bày hệ tuần hoàn thì phải trình bày tim ... nhưng khi đó là tim và ruột được trình bày trong mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau. Không ai lại trộn tim với ruột để thành một dị dạng được!
Như vậy, cần thể hiện môn Khoa học tự nhiên sao cho mỗi cái gọi là “phân môn” trong môn học này vừa có tính đặc trưng, vừa có mối liên hệ không thể tách rời nhau được giống như mỗi hệ cơ quan trong cơ thể người.
Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. |
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay đội ngũ dạy đơn môn không đáp ứng được yêu cầu dạy học, đặc biệt ở khối lớp 8, 9, khi kiến thức khó hơn, ông nghĩ sao?
Khi nói kiến thức khó hay dễ, cần xác định là khó hay dễ so với mức độ nhận thức nào. Hiện nay ở tất cả các lớp, đa số giáo viên đều dạy cao hơn mức độ kiến thức ở sách giáo khoa và yêu cầu cần đạt ở chương trình giáo dục. Điều đó có phần nguyên nhân là do mức độ đề thi đang cao hơn về mẹo giải mà chủ yếu là mẹo giải toán!
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, liều lượng kiến thức phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh. Mặt khác, như trên đã nói, khi giáo viên chưa đủ năng lực thì nhà trường và địa phương cần có chính sách khuyến khích họ học tập bồi dưỡng để có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ. Hiện nay, chỉ có số rất ít giáo viên chưa đủ kiến thức để dạy học mà chủ yếu là họ chưa có đủ động lực để dạy học theo chương trình mới!
Để tạo động lực cho giáo viên, cần:
Thay đổi hình thức thi. Không tổ chức thi đánh giá kiến thức như hiện hành mà phải đánh giá các yêu cầu cần đạt được quy định ở chương trình giáo dục phổ thông.
Cần có chính sách đồng bộ về bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Hiện nay có nhiều giáo viên tự bỏ kinh phí đi học thêm các khóa bồi dưỡng chuyên môn về dạy học môn Khoa học tự nhiên. Đây là một sự cố gắng rất lớn, rất đáng quý của giáo viên vì đó là số tiền đáng kể so với mức lương của họ. Ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan cần có chính sách về bồi dưỡng giáo viên, tránh để giáo viên phải “tự chủ” về điều này.
- Xin cảm ơn ông!