Cách nào lấp đầy khoảng trống giáo dục về tâm lý, giới tính trong nhà trường?

GD&TĐ - Với các tỉnh miền núi, giáo dục giới tính trong nhà trường còn là khái niệm mơ hồ, nhưng với các thành phố lớn, học sinh được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức về giới và giới tính. Khoảng trống về giáo dục tâm lý, giới tính cho học sinh vẫn còn là khoảng cách rất lớn giữa các vùng miền.

Cách nào lấp đầy khoảng trống giáo dục về tâm lý, giới tính trong nhà trường?

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) chia sẻ những kinh nghiệm quản lý ở một trường vùng sâu, vùng xa, với rất nhiều các em học sinh đa số là dân tộc thiểu số Mông và Nùng.

Theo ông Thành, mặc dù các em học sinh dân tộc có cuộc sống ít cởi mở, nhưng vì là “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nên vẫn còn nhiều tình huống xảy ra trong nhà trường cần sự giải quyết của các thầy, cô.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).

Khi xảy ra bạo lực trong trường, theo ông Thành, đội ngũ giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Chiến Phố hoàn toàn chỉ dựa vào và những kiến thức các thầy, cô được giáo dục từ thời sinh viên sư phạm chứ chưa được tham gia bất kỳ khóa đào tạo bổ sung kỹ năng mới nào.

Nhà trường chưa có bộ phận riêng đảm nhiệm giáo dục kỹ năng sống, mà chỉ dạy lồng ghép vào các tiết học, vì vậy, hiệu quả đạt được chưa cao.

“Hiện nay, tại trường chưa xảy ra các tình huống khó như xâm hại tình dục, hoặc có học sinh LGBT, nhưng nếu có xảy ra thì Ban giám hiệu và các thầy cô giáo cũng không biết cách xử lý thế nào”, thầy Thành chia sẻ.

Tại trường vẫn còn xảy ra một số trường hợp học sinh tảo hôn. Thầy Nguyễn Công Thành kể rằng: “Cách sống của người dân tộc trên huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vẫn còn rất đơn giản. Ví dụ gia đình nhà trai chỉ cần mang đến một gói kẹo và thắp hương tại nhà gái là đã gọi là đính hôn.

Có học sinh nữ không đồng ý và trao đổi, tâm sự với bạn học nên sau đó giáo viên chủ nhiệm cùng nhà trường nắm được thông tin. Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận nhà nữ sinh để làm việc, phân tích với gia đình để gia đình đồng ý trả lễ cho nhà trai”.

Như vậy, em học sinh đã không tìm trực tiếp đến các thầy cô giáo để tâm sự mà chỉ biết tâm sự với bạn bè. Nếu chúng ta có các thầy, cô giáo làm công tác tư vấn tâm lý tại trường học đủ để các em thấy tin cậy thì sẽ là chỗ dựa tinh thần rất lớn, giúp các em giải quyết được các vấn đề của mình.

Học sinh thành phố lớn dễ dàng cởi mở và chia sẻ với thầy cô

Ngay từ những ngày đầu làm quản lý, bà Lê Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm Hà Nội đã xác định vấn đề xây dựng văn hóa, môi trường học đường an toàn, lành mạnh phải là trọng tâm và quan trọng nhất. Các em phải cảm thấy đến trường là an toàn, vui vẻ thì các em mới có thể học tốt được.

“Chúng tôi có rất nhiều cơ hội để tiếp cận các dự án giáo dục toàn diện, trong đó các dự án giáo dục về giới, bình đẳng giới, kỹ năng sống. Trường luôn tạo môi trường thân thiện, cởi mở chia sẻ giữa thầy cô với học sinh, giữa học sinh với nhau, giữa phụ huynh với nhà trường”, bà Hương cho hay.

Cách nào lấp đầy khoảng trống giáo dục về tâm lý, giới tính trong nhà trường? ảnh 2
Học sinh trường THCS Thực nghiệm Hà Nội trong một sự kiện do chính các em trực tiếp tổ chức.

Trong những năm qua, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ truyền thông, trong đó có sự tham gia trực tiếp của các em học sinh. Hằng năm, các em được tham gia các buổi tập huấn, các sự kiện truyền thông về giáo dục giới tính, kỹ năng sống do nhà trường tổ chức. Các em tự mình thực hiện các cuộc phỏng vấn, tổ chức hội thảo với phụ huynh về bình đẳng giới.

Tại những cuộc hội thảo này, các em hết sức cởi mở, tự tin chia sẻ, nói lên quan điểm của mình với bố mẹ, “con muốn gì, con cần gì trong cuộc sống gia đình cũng như khi đến trường con muốn các thầy, cô làm gì”.

Hòm thư “Điều em muốn nói” là giải pháp mà Trường THCS Thực nghiệm đang triển khai trong nhiều năm qua để lắng nghe tâm sự của học sinh. Rất nhiều thư được gửi đến. “Rất may các em tin tưởng ở nhà trường. Có những điều các em không thể nói với bố mẹ nhưng các em lại chia sẻ với thầy cô”, cô Hiệu trưởng Lê Mai Hương cho biết.

Trên thực tế, bà Hương nhận được rất nhiều tâm sự của học sinh về giới tính, tâm lý, quan hệ giữa bạn bè, thầy cô thông qua hòm thư này. Qua đó, nhà trường kết hợp cùng cô giáo chủ nhiệm và gia đình, nhà tư vấn tâm lý để giải quyết tâm lý cho học sinh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Năm năm trở lại đây, nhà trường thường xuyên tập huấn cho đội ngũ truyền thông của trường tổ chức các sự kiện về bình đẳng giới cho các khối lớp. Tại đây, các bạn học sinh có nhiều cơ hội có thể giải đáp các vấn đề về giới tính. Các em thậm chí còn mời được các đại biểu, các diễn giả và các bạn trong giới LGBT đến chia sẻ cởi mở, thẳng thắn.

“Với các học sinh có biểu hiện giới tính, nhà trường phát hiện được ngay và chúng tôi thường xuyên nói với học sinh là chúng ta cần tôn trọng các bạn. Chúng tôi còn có những học sinh cũ thuộc giới LGBT và hiện nay đã trưởng thành quay trở lại nói chuyện với các em lớp dưới về các vấn đề giới, về LGBT…”, bà Hương cho hay.

“Chìa khóa” nằm ở trách nhiệm giáo viên

Theo ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT): Hiện nay, với Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/12/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, Bộ GD&ĐT đã quy định trong mỗi trường phổ thông thành lập tổ tư vấn tâm lý để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoạt động tư vấn học đường đã được quy định thuộc nhóm các vị trí việc làm kiêm nhiệm của giáo viên phổ thông (theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 12/07/2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập); mỗi trường sẽ được dành từ 3 đến tiết/tuần tùy theo số lượng lớp, vùng miền… Các giáo viên tham gia công tác tư vấn tâm lý sẽ được tham gia bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo các chuyên gia tâm lý, đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo các nhà trường trong bước đầu triển khai đồng bộ, thiết thực công tác tư vấn cho học sinh, trong khi điều kiện thực tế hiện nay chưa có đội ngũ chuyên viên tư vấn học đường chuyên nghiệp như mô hình tiên tiến tại các nước phát triển trên thế giới.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện cả nước có 14.000 trường phổ thông (THCS, THPT), dự tính mỗi trường cần có 3-5 giáo viên tư vấn tâm lý để thực hiện công tác tư vấn cho học sinh, tập trung ưu tiên làm công  tác giáo dục, tư vấn toàn diện, phòng ngừa cho tuyệt đại học sinh.

Như vậy, sẽ có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 1,5-2 năm tới với mục tiêu đến năm học 2020 sẽ cơ bản không còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên các trường học.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tiểu học đồng thời triển khai hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh với các nội dung phù hợp lứa tuổi. Làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh sẽ xử lý triệt để nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Giang.

Bộ công cụ này chủ yếu hướng tới đối tượng học sinh nhưng thông qua cán bộ quản lý trong trường học và giáo viên để triển khai các hoạt động nhằm giúp các đối tượng trong nhà trường xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng.

Đây là cẩm nang quan trọng để các thầy cô thiết kế chương trình, nội dung và tổ chức các hoạt động trong nhà trường một cách phù hợp, gắn với các nội dung dạy học, các hoạt động giáo dục khác nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Kỳ tiếp: Vượt qua rào cản, đấu tranh cho an toàn học đường

(Tác phẩm đoạt giải C - Loại hình báo Điện tử)

Theo Chinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.